Liên Xô triển khai tên lửa hạt nhân ở Cuba (Kỳ 2): Thứ Bảy Đen tối

Thứ hai, ngày 20/02/2023 12:32 PM (GMT+7)
Khi ấy, căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô lên tới đỉnh điểm vào ngày 27/10 - “Thứ Bảy Đen tối”. Liên Xô ra yêu sách Mỹ phải rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ. Một máy bay Mỹ bị bắn hạ trên bầu trời Cuba và phi công điều khiển máy bay này thiệt mạng.
Bình luận 0

Phản ứng từ lãnh đạo cấp cao Liên Xô

Vào ngày 24/10/1962, Nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev phản ứng đầy giận dữ bằng văn bản trước lá thư của Tổng thống Mỹ Kennedy.

Diễn biến nghẹt thở đối đầu Mỹ - Liên Xô về tên lửa hạt nhân ở Cuba (Kỳ 2) - Ảnh 1.

Lãnh đạo Liên Xô Khrushchev vào thời điểm Khủng hoảng Tên lửa Cuba 1962. Ảnh: Euractiv.

Ông Khrushchev viết: "Thưa ngài Tổng thống, ngài đang không tuyên bố lệnh cách ly mà là đang đưa ra một tối hậu thư, đe dọa rằng nếu chúng tôi không đáp ứng các yêu sách của ngài thì ngài sẽ sử dụng vũ lực… Hãy nhìn lại những gì ngài nói! Và rồi ngài muốn thuyết phục tôi đồng ý với điều đó! Nếu đồng ý với các yêu cầu đó thì điều ấy có nghĩa như thế nào? Điều đó sẽ có nghĩa là dẫn dắt bản thân trong mối quan hệ với các nước khác không phải bằng lý trí mà là bằng việc tuân theo sự võ đoán. Ngài không còn dùng đến lý trí nữa rồi mà là ngài mong muốn hăm dọa chúng tôi".

Vào ngày 25/10, Tổng thống Kennedy một lần nữa hối thúc nhà lãnh đạo Khrushchev lùi bước. Ông viết: "Trong trường hợp này, tôi không phải là bên đưa ra thách thức trước".

Tất cả tàu Liên Xô (ngoại trừ một chiếc) đi sang Cuba quay đầu trở lại. Duy nhất một tàu chở hàng (chỉ chở các sản phẩm dầu mỏ) được phép không bị áp lệnh cách ly của Mỹ.

Đấu trường Liên Hợp Quốc

Tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, dựa trên các bằng chứng về tên lửa hạt nhân, Đại sứ Mỹ Adlai Stevenson công kích Đại sứ Liên Xô Valerian Zorin.

Cuộc đối đầu căng thẳng tại Liên Hợp Quốc này đã được tờ báo New York Journal-American mô tả như sau: "Gương mặt ông ấy [ông Stevenson] đỏ lên vì giận dữ. Giọng ông ấy vốn kiểm soát tốt, giờ run lên vì xúc động. Ông Stevenson vứt sang một bên các lịch thiệp tinh tế ngoại giao và thề sẽ đợi "đến khi địa ngục đóng băng" để ông Zorin đưa ra câu trả lời "có hoặc không" cho câu hỏi của mình về việc liệu có tên lửa Liên Xô ở Cuba hay không. Về phần mình, nhà ngoại giao Nga đã gọi ông Stevenson là kẻ nói dối".

Diễn biến nghẹt thở đối đầu Mỹ - Liên Xô về tên lửa hạt nhân ở Cuba (Kỳ 2) - Ảnh 2.

Đồ họa về tầm bắn và kịch bản hướng bắn của các tên lửa hạt nhân bố trí trên lãnh thổ Cuba vào các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ vào năm 1962. Nguồn: Đại học Georgetown (Mỹ).

Cuba hối thúc Liên Xô mạnh tay với Mỹ

Các bức ảnh mới xuất hiện vào ngày 26/10 năm đó cho thấy có thêm hoạt động xây dựng điểm bố trí tên lửa. Lãnh tụ Cuba Castro đã gửi cho lãnh tụ Liên Xô Khrushchev một bức thư cá nhân hối thúc ông Khrushchev dùng vũ khí hạt nhân để hủy diệt Mỹ nếu Mỹ cố gắng xâm lược và chiếm đóng Cuba.

Thư của Fidel Castro có đoạn: "Tôi nói với đồng chí điều này bởi vì tôi tin rằng sự hung hăng của lực lượng đế quốc khiến chúng cực kỳ nguy hiểm và nếu chúng nỗ lực tiến hành xâm lược Cuba - một hành vi tàn bạo vi phạm luật toàn cầu và đạo đức, thì đó sẽ là lúc để loại bỏ mối nguy hiểm này mãi mãi, trong một hành động tự vệ chính đáng nhất. Mặc dù giải pháp đó là khắc nghiệt, thực sự không còn giải pháp nào khác".

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Xô viết Khrushchev viết cho Tổng thống Mỹ Kennedy tuyên bố mình sẵn lòng dỡ bỏ tên lửa khỏi đảo quốc Cuba nếu Mỹ cam kết không bao giờ xâm lược Cuba.

"Tôi đề xuất thế này: Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ tuyên bố rằng các tàu của chúng tôi, trên hành trình tới Cuba, sẽ không mang bất cứ loại vũ khí khí tài nào. Còn ngài sẽ tuyên bố rằng Mỹ sẽ không xâm lược Cuba bằng các lực lượng của mình và sẽ không ủng hộ bất cứ lực lượng nào có ý định tiến hành xâm lược Cuba. Khi đó nhu cầu về hiện diện các chuyên gia quân sự của chúng tôi ở Cuba sẽ biến mất".

"Thứ Bảy Đen tối", thế giới nín thở

Căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô lên đến đỉnh điểm vào ngày 27/10, còn được gọi là "Ngày Thứ Bảy Đen tối".

Lãnh đạo Khrushchev gửi cho Tổng thống Kennedy một bức thư nữa với những điều khoản mạnh mẽ hơn, bao gồm yêu cầu loại bỏ tên lửa đạn đạo Jupiter của Mỹ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Đã vậy, một tên lửa phòng không do Liên Xô cung cấp đã bắn rơi một máy bay trinh sát U-2 của Mỹ trên bầu trời Cuba. Phi công lái máy bay này đã thiệt mạng.

Ngày 28/10, Liên Xô tuyên bố sẽ dỡ bỏ tên lửa khỏi Cuba, chấm dứt thế đối đầu.

Bức thư ông Khrushchev gửi cho ông Kennedy nêu chi tiết thỏa thuận về việc dỡ bỏ tên lửa khỏi Cuba để đổi lại việc Mỹ cam kết không xâm lược Cuba.

Tổng thống Kennedy ra thông cáo ca ngợi quyết định của Lãnh đạo Khrushchev cho rút tên lửa.

Ông Kennedy tuyên bố: "Đây là một đóng góp quan trọng và mang tính xây dựng cho hòa bình. Hy vọng tha thiết của tôi là các chính phủ trên thế giới có thể, với giải pháp cho khủng hoảng Cuba, hướng sự chú ý khẩn cấp của mình tới nhu cầu bức thiết về chấm dứt chạy đua vũ trang và giảm các căng thẳng trên toàn cầu".

PV (Theo VOV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem