Liên tiếp nhiều người bị chó thả rông tấn công: Cục trưởng Cục Thú Y nói gì? (bài 3)

Gia Khiêm Thứ sáu, ngày 24/02/2023 06:00 AM (GMT+7)
Hơn 5 vạn người bị chó cắn, mèo cào chỉ trong tháng 1/2023, tăng 30% so với cùng kỳ. Vậy nhưng chế tài xử lý đối với các chủ vật nuôi vi phạm lại rất thấp, muốn tăng nặng cũng không dễ...
Bình luận 0

Trước tình trạng chó thả rông tấn công người dân xảy ra nhiều trong thời gian qua, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về vấn đề này.

Liên tiếp nhiều người bị chó thả rông tấn công: Cục trưởng Cục Thú Y nói gì? (bài 3) - Ảnh 1.

Hình ảnh nam sinh viên bị hai con chó cắn ở phường Bắc Cường (TP Lào Cai) chiều 18/2 được người dân ghi lại - Ảnh cắt từ clip

Liên tiếp nhiều người bị chó thả rông tấn công: Cục trưởng Cục Thú Y nói gì? (bài 3) - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ảnh: D.V

Thưa ông, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ chó không rọ mõm tấn công người đi đường. Số liệu từ văn phòng Chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người (Bộ Y tế) cũng ghi nhận trong tháng 1/2023, các cơ sở y tế trong cả nước thống kê được trên 50.000 người bị chó cắn, mèo cào phải tiêm chủng vaccine phòng bệnh dại. Con số này tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Đây là vấn đề đã lặp đi lặp lại rất nhiều năm, nhiều lần. Cục Thú y tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần có ý kiến. 

Thứ nhất, phải khẳng định ở góc độ Cục Thú y, nhiệm vụ chính là phòng chống dịch bệnh, trong đó có phòng chống bệnh dại ở chó, mèo. Đơn vị đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 07/2016/-BNNPTNT về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn. Trong đó, có phụ lục rất rõ quy định chó mèo phải tiêm phòng, nuôi nhốt, ra ngoài công cộng phải rọ mõm… 

Liên tiếp nhiều người bị chó thả rông tấn công: Cục trưởng Cục Thú Y nói gì? (bài 3) - Ảnh 3.

Hình ảnh đàn chó không rọ mõm hung hăng được ghi lại ở đường Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội ngày 21/2. Ảnh: Gia Khiêm

Thứ 2, khi tình hình bệnh dại vẫn phát triển phức tạp, Cục Thú y đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030. Đây là cơ sở rất quan trọng để các bộ, ngành và địa phương tập trung nguồn lực để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh Dại để đạt mục tiêu chung là kiểm soát được bệnh Dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng. 

Cục Thú Y cũng đã tham mưu tổ chức các hội nghị triển khai, đồng thời thành lập nhiều đoàn công tác đi xuống địa phương tìm ra những tồn tại, bất cập. Chúng tôi còn tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có văn bản nhắc nhở đôn đốc của các địa phương trong quản lý đàn chó.

Liên tiếp nhiều người bị chó thả rông tấn công: Cục trưởng Cục Thú Y nói gì? (bài 3) - Ảnh 4.

Nhiều người dân chưa tuân thủ quy định, không rọ mõm khi đưa chó ra ngoài nơi công cộng. Ảnh: Gia Khiêm

Từ một số vụ việc đau lòng, thương tâm đã xảy ra, có nhiều ý kiến cho rằng có nên xử mạnh tay chủ nuôi chó mèo tấn công người dân. Ông nghĩ sao?

Khi xây dựng Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, chúng tôi cũng nhận thấy với những trường hợp nuôi chó mèo để xảy ra việc cắn trọng thương thậm chí chết người, mức phạt hiện nay rất thấp. 

Liên tiếp nhiều người bị chó thả rông tấn công: Cục trưởng Cục Thú Y nói gì? (bài 3) - Ảnh 5.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiến hành cắt bỏ lọc vết thương do chó cắn. Ảnh: BVCC

Khi lấy ý kiến của các Bộ ngành, địa phương cũng nhận được thông tin cho rằng khó tăng nặng lên bởi vi phạm hành chính chỉ ở mức như đã ban hành là phù hợp, ngoài ra liên quan đến pháp luật khi để xảy ra trọng thương, chết người cũng phải căn cứ theo quy định. 

Việc đưa văn bản rất dễ nhưng có đi vào thực tiễn, thực hiện hay không mới là khó. Nếu phạt mạnh hơn nữa, chủ vật nuôi nếu không có ý thức sẽ rất khó thực thi. Vấn đề thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của chủ vật nuôi rất quan trọng. 

Đối với các hộ ở chung cư có quy định rất rõ cấm nuôi động vật thả rông trong khu vực chung cư. Ban quản lý chung cư, các toà nhà phải có trách nhiệm thực hiện. Phải khẳng định rằng, các văn bản trong quy định nuôi, phòng chống dịch bệnh đối với chó mèo rất đầy đủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rất rõ ràng, cụ thể. Điều quan trọng nhất đó là tuyên truyền nhận thức của chủ vật nuôi cũng như tổ chức triển khai tại địa phương. 

Ông đánh giá thế nào về thực trạng các địa phương trong việc quản lý đàn chó mèo thả rông hiện nay?

Thời gian qua cũng đã có nhiều địa phương thực hiện tốt, phần lớn đại đa số người dân đã chấp hành các quy định. Tuy nhiên, qua các sự việc vừa qua cho thấy, một số địa phương và một bộ phận người dân chưa tuân thủ đầy đủ dẫn đến tình trạng không may mắn đáng tiếc xảy ra, thậm chí có vụ chó cắn chết người. 

Điều quan trọng nhất là chính quyền phải vào cuộc. Chính quyền các xã, phường phải tổ chức triển khai thực hiện. Chủ nuôi chó phải có trách nhiệm. Người dân có sở thích nuôi phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Nếu ý thức người dân không thực hiện sẽ rất khó trong công tác quản lý.

Trước thực trạng trên, Cục Thú Y và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có động thái gì, thưa ông?

Ngày 21/2, Cục Thú y tiếp tục tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ Nghị định về phòng chống bệnh dại cũng như quản lý đàn chó. Chắc chỉ một vài ngày tới, chúng tôi cho rằng, Thủ tướng sẽ có ý kiến chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Cục Thú Y rất cảm ơn các cơ quan truyền thông đã vào cuộc nhanh chóng, tuyên truyền  kịp thời để nâng cao nhận thức của các chủ vật nuôi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem