Lên 'sàn' bán nho, anh nông dân Ninh Thuận mỗi tháng chốt cả trăm đơn hàng lớn

Đức Cường Thứ năm, ngày 02/11/2023 11:28 AM (GMT+7)
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số mà các sản phẩm nông nghiệp của nông dân ở Ninh Thuận có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường, mở ra hướng đi mới, giúp nông dân yên tâm sản xuất để nâng cao thu nhập.
Bình luận 0

Quảng bá sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng số ở Ninh Thuận

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận Lê Thanh Hùng cho biết, thời gian qua, các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các sở ngành để kết nối và hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Thông qua việc hướng dẫn bán hàng trên các kênh thương mại điện tử như: Postmart và mạng xã hội Facebook, Zalo…đã đem lại những kết quả tích cực, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.

Nông dân Ninh Thuận ứng dụng công nghệ số vào quảng bá và tiêu thụ nông sản - Ảnh 1.

Nông dân Tống Minh Hoàng và trang Website điện tử bán sản phẩm nho giống và nho tươi. Ảnh: Đức Cường

Việc này cũng góp phần làm thay đổi nhận thức của hội viên, nông dân về chuyển đổi số và tham gia tích cực vào nền kinh tế số.

Là một trong những nông dân đi đầu trong ứng dụng nền tảng số vào sản xuất nho, nông dân Tống Minh Hoàng ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) đã từng bước xây dựng được thương hiệu nho của riêng mình.

Anh Hoàng cho biết, những năm trước 5 sào nho (5.000 mét vuông) của gia đình anh phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Có lúc nho chín rộ nhưng thương lái chẳng ai mua, "điệp khúc" được mùa mất giá, được giá mất mùa khiến đời sống người trồng nho rất khó khăn.

Thế nhưng, hơn 2 năm trở lại đây vườn nho của anh đã được nhiều người biết đến và là địa chỉ tin cậy để khách hàng đến tham quan và mua các loại nho tươi. Vì thế, đầu ra cho quả nho không còn là nỗi lo của gia đình anh.

Nông dân Ninh Thuận ứng dụng công nghệ số vào quảng bá và tiêu thụ nông sản - Ảnh 3.

Người dùng dễ dàng sử dụng điện thoại để truy cập vào Website ở địa chỉ: nongtraihoangyen.com để mua nho. Ảnh: Đức Cường

Nông dân Tống Minh Hoàng cho hay, có được thành quả như hôm nay là nhờ đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nho trên nền tảng internet và các mạng xã hội.

Cũng theo anh Hoàng, để quảng bá và giới thiệu sản phẩm nho, anh tập trung thiết kế nhãn hiệu và niêm yết giá sản phẩm rồi đưa lên website, zalo, facebook... Qua các kênh này, bạn bè và người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với sản phẩm và quy trình sản xuất nho của anh. Số lượng khách hàng mua nho cũng ngày càng nhiều hơn trước.

"Với cách bán hàng như trên, tôi có thể tự giới thiệu sản phẩm nho sạch đến thị trường một cách hiệu quả, nhanh chóng và tránh được tình trạng tư thương ép gía như những năm trước…", anh Hoàng cho hay.

Hiện nay, ngoài bán hàng trực tiếp tại vườn, mỗi tháng nông dân Tống Minh Hoàng có thêm 50 - 100 đơn hàng mua sỉ qua online, giúp anh có thu nhập ổn định.

Nông dân Ninh Thuận ứng dụng công nghệ số vào quảng bá và tiêu thụ nông sản - Ảnh 4.

Giống nho mới ngón tay đen cho hiệu quả kinh tế cao của nông dân Tống Minh Hoàng. Ảnh: Đức Cường

Anh Hoàng cũng đã "nâng tầm" vườn nho của mình thành trang trại nho Hoàng Yến, vừa bán nho của trang trại mình, vừa bao tiêu sản phẩm cho các hộ liên kết. Ngoài ra, anh cũng thành lập website riêng để vừa quảng bá nho tươi và nho giống, vừa là nơi để người tiêu dùng tham khảo để đặt hàng các sản phẩm nho.

"Ưu điểm lớn nhất khi xây dựng được cửa hàng điện tử là tiếp cận được nhiều khách hàng hơn so với cách truyền thống. Người tiêu dùng cũng có thể vào xem sản phẩm nhanh nhất và mọi lúc mọi nơi", anh Hoàng nói.

Cơ hội để nông sản miền núi tiếp cận thị trường

Cũng như anh Hoàng, hàng chục hội viên nông dân và Hợp tác xã nông nghiệp ở huyện miền núi Bác Ái đã bắt đầu quen dần với việc ứng dụng nền tảng số để tiêu thụ sản phẩm.

Nông dân Ninh Thuận ứng dụng công nghệ số vào quảng bá và tiêu thụ nông sản - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Thanh Hòa quảng bá sản phẩm nông nghiệp của HTX Phước Đại. Ảnh: Đức Cường

Ông Nguyễn Thanh Hòa - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất tổng hợp nông nghiệp Phước Đại ở huyện miền núi Bác Ái cho biết, nhờ Hội Nông dân huyện hỗ trợ, đến nay HTX đã có 3 sản phẩm gồm hạt chuối mồ côi, nấm linh chi và thịt heo đen đưa lên sàn giao dịch điện tử Postmart.vn.

Ngoài ra, HTX cũng triển khai bán hàng trên nền tảng mạng xã hội. Các sản phẩm được niêm yết giá rồi đưa lên Facebook, Zalo,… khách hàng có nhu cầu thì vào chọn và đặt hàng. Tùy vào yêu cầu của khách hàng mà HTX sẽ "ship" hàng nhanh nhất có thể.

Cũng theo ông Hòa, ưu điểm khi tham gia bán hàng trên nền tảng số là các xã viên HTX có thể nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp. Tuy nhiên, hạn chế của bán hàng qua mạng là một số mặt hàng tươi sống khó bảo quản và hạn chế vận chuyển đi xa.

Nông dân Ninh Thuận ứng dụng công nghệ số vào quảng bá và tiêu thụ nông sản - Ảnh 6.

Nấm Linh Chi và hạt chuối mồ côi là 2 trong số sản phẩm của huyện Bác Ái đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Ảnh: Đức Cường

"Tuy số lượt đặt hàng chưa nhiều so với kỳ vọng nhưng triển vọng về đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của HTX là rất cao. Đây là tín hiệu mừng vì nông sản miền núi Bác Ái có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường trong cả nước và cả nước ngoài…", ông Hòa cho hay.

Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bác Ái, đến nay Hội Nông dân huyện đã phối hợp đăng ký cho 52 hội viên nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử Postmart. Trong đó, chủ yếu là các sản phẩm đặc trưng và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP ở địa phương như bưởi da xanh Phước Bình, hạt chuối cô đơn…

Hướng đi tất yếu giúp nông dân Ninh Thuận yên tâm sản xuất

Ông Lê Thanh Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, hằng năm Hội thường xuyên phối hợp với các sở ngành hỗ trợ hội viên thông qua tổ chức tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tư vấn kiến thức về sở hữu trí tuệ cho hội viên nông dân.

Nông dân Ninh Thuận ứng dụng công nghệ số vào quảng bá và tiêu thụ nông sản - Ảnh 7.

Lễ ký kết hợp tác chuyển đổi số giữa Hội Nông dân Ninh Thuận và viễn thông Ninh Thuận tháng 4/2023. Ảnh: Đức Cường

Riêng về việc liên kết tiêu thụ nông sản trên nền tảng ứng dụng công nghệ số, Hội đã hỗ trợ thu thập thông tin và mở tài khoản mua bán cho 17.110 hộ sản xuất nông nghiệp trên toàn tỉnh, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

"Đây cũng là cơ hội và là hướng đi tất yếu để đưa nông sản của địa phương nói chung và sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp cận gần hơn với thị trường trong và ngoài nước, góp phần tạo đầu ra ổn định để nông dân yên tâm sản xuất…" ông Hùng cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem