Lễ hội Thành Tuyên: Những mô hình khổng lồ lung linh sắc màu có từ bao giờ?

Đức Anh Thứ bảy, ngày 23/09/2023 12:06 PM (GMT+7)
Đến hẹn lại lên, gần 20 năm nay, mỗi dịp Tết Trung thu về người dân Tuyên Quang lại dành cho trẻ em những đêm hội rước đèn vô cùng đặc biệt. Từ chiếc đèn ông sao, đèn cá chép, đèn kéo quân… nhỏ xinh giờ đã lớn thành những chiếc đèn khổng lồ lung linh tạo lên một Lễ hội Thành Tuyên độc đáo có một không hai.
Bình luận 0

Vậy những mô hình đèn khổng lồ với đủ loại hình các nhân vật gắn liền tuổi thơ và văn hóa dân gian, lịch sử… được chế tác công phu, lộng lẫy đó xuất hiện từ bao giờ?

Theo người dân Tuyên Quang, họ không thực sự để ý về thời điểm những chiếc đèn khổng lồ đầu tiên xuất hiện, có người nói từ 2004, có người lại nói từ 2006. Họ chỉ nhớ lúc đầu chỉ có 1 vài tổ dân phố làm mô hình to và kéo quanh khu phố, các em nhỏ háo hức đi theo. Rồi thấy mô hình hay, tạo không khí vui tươi, nên các tổ dân phố khác cũng làm theo, dần dần tạo thành phong trào đua nhau sáng tạo, thiết kế ra những mô hình vừa hoành tráng lộng lẫy vừa tiện nghi hiện đại hết sức tinh tế.

Lễ hội Thành Tuyên: Những mô hình khổng lồ lung linh sắc màu có từ bao giờ? - Ảnh 1.

Các bạn nhỏ lại háo hức được dong diễu quanh các phố ở thành phố.

Bà Nguyễn Thị Tuyên, Tổ trưởng tổ 6, (phường Tân Quang, Tp.Tuyên Quang) cho biết, những chiếc đèn trung thu khổng lồ đầu tiên được người dân phường Tân Quang làm là mô hình đám cưới chuột từ năm 2004- 2005 gì đó, là chỗ vui chơi cho các cháu và mang lại không khí náo nhiệt cả phố phường. Từ đó năm nào phường chúng tôi cũng làm đến giờ đã duy trì được gần hai chục năm.

Mỗi năm 1 mô hình ra đời, không năm nào giống năm nào. Người dân trong tổ cùng lên ý tưởng và thực hiện. Mỗi người mỗi nghề, từ anh thợ khung nhôm cửa kính, anh tài xế taxi, cho đến anh thợ mộc, thợ hàn… mọi người đều gác lại công việc riêng để trở thành "nghệ nhân" thực thụ thổi hồn, thổi đam mê, nhiệt huyết vào các tác phẩm.

Ai biết nghề mộc làm công tác mộc, ai thạo hàn thì hàn các chi tiết, ai khéo tay, óc thẩm mỹ tốt thì uốn nắn, tạo hình…, còn phụ nữ tham gia vệ sinh, dọn dẹp, phục vụ nước nôi, người nấu chè, người đưa bánh, đưa xôi đến ủng hộ, cùng nhau nói cười vui vẻ, bàn về chiếc đèn. 

Đặc biệt chi phí làm đèn dù cũng không ít nhưng hoàn toàn do người dân đóng góp, mọi người đều tình nguyện, vui vẻ ủng hộ. "Vì vậy, sự thành công của các mô hình nói riêng và Lễ hội Thành Tuyên nói chung là do sự đồng thuận của nhân dân, chứ không riêng một vài cá nhân ai cả" bà Nguyễn Thị Tuyên tự hào chia sẻ.

Lễ hội Thành Tuyên: Những mô hình khổng lồ lung linh sắc màu có từ bao giờ? - Ảnh 2.

Những mô hình khổng lồ chứa đựng rất nhiều ý nghĩa khác nhau, lung linh ánh nến dưới ánh trăng rằm.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Trọng Minh (Tp. Tuyên Quang) cho biết, bắt nguồn từ những mô hình rất nhỏ do người dân trên địa bàn làm để chơi trung thu cách đây khoảng hơn 20 năm về trước. Rồi qua từng năm, các mô hình của các tổ dân phố làm to dần lên. Sau đó thành quy mô tất cả các tổ dân phố đều có. Các mô hình trung thu của Tuyên Quang được nhiều du khách trong và ngoài nước ghi nhận là có độ tinh sảo, độc đáo riêng.

Lý giải vì sao lễ hội rước đèn trung thu Tuyên Quang ngày càng trở nên hấp dẫn, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang bày tỏ: Đây là một lễ hội hoàn toàn do dân tự tổ chức, qua thời gian càng được người dân gìn giữ, sáng tạo, do vậy nó trở thành một sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của nhân dân mỗi dịp trung thu. Chính quyền và các cơ quan chức năng chỉ tạo điều kiện cho nhân dân tổ chức như là bố trí bảo đảm an ninh trật tự trong những ngày lễ hội, quản lý các dịch vụ để du khách yên tâm khi đến Tuyên Quang.

"Những mô hình của Tuyên Quang như chiếc thuyền đầy ắp trẻ thơ, chở bao ước ao, niềm vui và hy vọng của các cháu thiếu nhi. Đây cũng chính là ý nghĩa nhân văn của lễ hội, tất cả những gì tốt đẹp nhất là để dành tặng cho trẻ em. Đó là những sáng tạo dân gian và vì thế, chúng tôi hết sức tôn trọng và giữ gìn, không có can thiệp. Và đó cũng là điều cốt lõi phải giữ được để lễ hội có sức sống lâu bền theo thời gian"- Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết.

Lễ hội Thành Tuyên: Những mô hình khổng lồ lung linh sắc màu có từ bao giờ? - Ảnh 3.

Cứ vào mỗi dịp Tết Trung thu, người dân Thành phố Tuyên Quang lại dành cho trẻ em nơi đây những đêm hội rước đèn vô cùng đặc biệt.

Xác định đây là một phong trào quần chúng tốt đẹp, có nhiều ý nghĩa, tỉnh Tuyên Quang luôn tạo điều kiện tốt nhất cho phong trào này phát triển bền vững, gắn kết với nhiều hoạt động khác để tạo sự hứng khởi cho người dân và khách du lịch. Mặt khác các ngành chức năng Tuyên Quang cũng đang có kế hoạch bảo tồn và phát huy lễ hội này để mong muốn trở thành một hoạt động văn hóa đặc sắc của cả nước đồng thời thu hút bạn bè quốc tế.

Còn theo Ông Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức lần đầu năm 2004 và nâng lên quy mô cấp tỉnh năm 2014 và từ đó đã trở thành sự kiện văn hoá đặc sắc của tỉnh.

 Năm 2023 là năm đầu tiên tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2023 - 2025, với mục tiêu trọng tâm là xây dựng, phát triển Lễ hội trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu quốc gia và hướng tới trở thành Festival quốc tế.

Năm nay, Lễ hội diễn ra cùng với Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ 14. Điểm nhấn của Lễ hội là chương trình Đêm hội Thành Tuyên được tổ chức quy mô cấp quốc gia với sự tham gia của 6 tỉnh Việt Bắc, tỉnh Bình Thuận và địa phương 2 nước có quan hệ hợp tác, hữu nghị với Tuyên Quang là tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) và thành phố Anseong, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc).

Lễ hội Thành Tuyên: Những mô hình khổng lồ lung linh sắc màu có từ bao giờ? - Ảnh 4.

Thực hiện đề án đổi mới Lễ hội Thành Tuyên hướng tới Festival quốc tế.

Trong khuôn khổ Chương trình còn có nhiều hoạt động đặc sắc khác như: Liên hoan các Làng văn hóa du lịch cộng đồng 6 tỉnh Việt Bắc; Chương trình "Điện ảnh - Kết nối di sản và du lịch Tuyên Quang"; Hội chợ Thương mại - Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2023; Chương trình "Trưng bày, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt" và Lễ hội bia Hà Nội năm 2023; các hoạt động thể thao và nhiều hoạt động hưởng ứng của các huyện, thành phố trong tỉnh.

Lễ hội Thành Tuyên được coi là Lễ hội Trung thu độc đáo, lớn nhất cả nước, với nhiều kỷ lục đã được sách Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận như: Lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam; "Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam"; "Cặp đèn lồng lớn nhất Việt Nam". Cùng với đó, đã góp phần lớn phát triển diện mạo du lịch của Tuyên Quang, đồng thời, là điều kiện thuận lợi để tỉnh Tuyên Quang quảng bá xúc tiến du lịch; tạo đà thu hút đầu tư; phát triển du lịch, tạo nhiều việc làm, thúc đẩy các ngành dịch vụ, thương mại phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem