Lễ hội Cầu ngư Đà Nẵng đón chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Kim Oanh Thứ tư, ngày 20/02/2019 10:26 AM (GMT+7)
Sáng 20.2, Lễ hội Cầu ngư truyền thống của ngư dân Đà Nẵng tại quận Thanh Khê diễn ra với không khí long trọng, thiêng liêng.
Bình luận 0

img

Ông Huỳnh Văn Hùng-Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng trao chứng nhận Lễ hội Cầu ngư Đà Nẵng được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia cho ngư dân, UBND quận Thanh Khê.

Đặc biệt, tại lễ hội đã diễn ra Lễ vinh danh “Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng” là di sản văn hóa phi vật thể nằm trong Danh mục Quốc gia theo Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL ngày 10 tháng 3 năm 2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

img

img

Lễ tế thần diễn ra trong không khí long trọng, thiêng liêng

Ông Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng cho biết, Lễ hội Cầu ngư không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa dân gian đặc sắc, mang tính vùng miền của ngư dân mỗi địa phương có di sản, mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy sự đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc, là cơ hội phát huy giá trị văn hóa biển Việt Nam.

Đặc biệt, Lễ hội Cầu ngư Đà Nẵng được vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia đã khẳng định giá trị đặc sắc của lễ hội này, đồng thời thể hiện sự ghi nhận công lao to lớn và tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền bối, các thế hệ ngư dân, nhà nghiên cứu…đã cống hiến tâm sức sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa.

Đối với đời sống cộng đồng cư dân biển, lễ hội cầu ngư là lễ trọng lớn nhất trong năm, là lễ hội cầu mùa - cầu ngư, là lễ tế ngư thần và cầu xin thần ban cho được một năm “trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang”, “tấn tài, tấn lợi, tấn bình an”, ra khơi bám biển được mùa, đánh bắt hải sản thắng lợi. Và qua lễ hội này cũng góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương như hát tuồng, hát Bả trạo.

img

Cầu quốc thái dân an, Cầu ngư dân thắng lợi

Quan trọng, lễ hội cầu ngư chính là nguồn sử liệu, là những bằng chứng vật chất và tinh thần xác thực về chủ quyền biển đảo và kinh nghiệm ứng xử với biển đảo của các thế hệ người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai, vẫn luôn trọn vẹn khát vọng vươn khơi, bám biển, bám ngư trường để làm chủ vùng biển Đông của Tổ quốc.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục quản lý, theo dõi việc tổ chức lễ hội nói chung, trong đó có Lễ hội Cầu ngư đảm bảo giữ nguyên ý nghĩa lễ hội ban đầu, giá trị đích thực của nó, không để lễ hội biến tướng như một số nơi khác”, ông Hùng nói thêm.

Ngư dân Lê Đình Liên, ở phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết, “Lễ hội Cầu ngư là lễ hội lớn nhất và đặc biệt của ngư dân chúng tôi cầu cho một năm trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, đánh bắt hải sản được mùa…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem