Lễ cầu nguyện cho linh hồn người đã khuất của đồng bào Công giáo Quảng Sơn ở Ninh Thuận

Đức Cường Thứ tư, ngày 02/11/2022 12:48 PM (GMT+7)
Cứ vào những ngày đầu tháng 11 hàng năm, khắp các nghĩa trang Công giáo tại xứ đạo Quảng Sơn, huyện miền núi Ninh Sơn (Ninh Thuận) đều rực sáng ánh đèn. Và lễ cầu nguyện cho các đẳng linh hồn hay còn được các Kitô hữu…
Bình luận 0

Ngày "Tết" của những người đã khuất

Ngày 2/11, chúng tôi trở lại xứ đạo công giáo Quảng Sơn và đi đâu cũng thấy bà con giáo dân trên khắp các tuyến đường liên thôn đổ về nghĩa trang của giáo xứ. Trên tay, ai cũng có hoa tươi, bánh trái và cả lòng thành kính hướng về linh hồn người quá cố.

Ninh Thuận: Độc đáo ngày lễ cầu nguyện cho linh hồn người đã khuất của bà con giáo dân công giáo - Ảnh 1.

Nghĩa trang giáo xứ Triệu Phong ngập tràn ánh sáng đêm vọng lễ cầu cho các đẳng linh hồn. (Ảnh: Đức Cường)

Dịp này, các nghĩa trang của xứ đạo sáng đèn xuyên đêm, trên các phần mộ của người đã khuất sẽ được trang trí đầy đủ nến hoa... 

Nhiều gia đình giáo dân thức và cầu nguyện cho các linh hồn là những người thân đã khuất. Họ có thể là ông bà tổ tiên, thân nhân hay bạn hữu với những người còn sống.

Tại nghĩa trang giáo xứ Triệu Phong, xã Quảng Sơn (huyện Ninh Sơn), được xem là đêm"vọng" trước ngày diễn ra thánh lễ, ánh đèn trắng sáng trưng cả một vùng. Các giáo dân không ai bảo ai đều quây quần bên phần mộ của những người đã khuất để  hiệp ý, đọc kinh cầu nguyện.

Dâng nén hương cho người thân đã khuất, ông Nguyễn Huấn, giáo dân giáo xứ Triệu Phong cho biết, đã thành thông lệ hàng năm, vào ngày lễ các đẳng những Kitô hữu chúng tôi luôn hướng về những người thân đã khuất. 

Bà con thực hiện các hoạt động tảo mộ, dâng hương và đọc kinh cầu nguyện cho những người đã khuất...

Ninh Thuận: Độc đáo ngày lễ cầu nguyện cho linh hồn người đã khuất của bà con giáo dân công giáo - Ảnh 3.

Các gia đình giáo dân công giáo quây quần bên phần mộ người thân để dâng lời cầu nguyện cho người đã khuất. (Ảnh: Đức Cường)

"Dịp lễ này ở các nghĩa trang thường được trang trí khang trang, không khí rộn ràng vì đông người tảo mộ không khác gì ngày Tết Nguyên đán hàng năm nên nhiều người ví von như "ngày Tết" của những người đã khuất...", ông Huấn tâm sự.

Cách đó không xa, bà Đặng Thị Vinh đang cầu nguyện bên ngôi mộ người thân. 

"Dù định cư ở nước ngoài xa xôi nhưng hằng năm tôi đều sắp xếp để trở về quê hương tham dự thánh lễ tưởng nhớ và cầu nguyện cho linh hồn cho ông bà, cha mẹ và những người thân yêu được yên nghỉ muôn đời trong nơi mát mẻ hạnh phúc trên thiên đàng của chúa...", bà Vinh chia sẻ.

Clip: Độc đáo ngày lễ cầu nguyện cho linh hồn người đã khuất của bà con giáo dân Công giáo. Thực hiện: Đức Cường

Theo giáo lý Công giáo, những Kitô hữu chết trong ân sủng của Thiên Chúa (nghĩa là sạch tội trọng) nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn thì cần chịu sự thanh luyện cuối cùng (trong luyện ngục), hầu đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui thiên đàng.

Và những người còn sống ở trần gian đều có thể hiệp thông và giảm bớt hình phạt cho các linh hồn nơi luyện ngục nhờ những lời cầu nguyện vào bất cứ lúc nào, nhưng lên tới cao điểm vào ngày Lễ Các Đẳng (lễ cầu cho các đẳng linh hồn). 

Ninh Thuận: Độc đáo ngày lễ cầu nguyện cho linh hồn người đã khuất của bà con giáo dân công giáo - Ảnh 5.

Các Kitô hữu giáo xứ Hạnh Trí chăm sóc, cầu nguyện cho các linh hồn tại nghĩa trang thai nhi ở phía trong góc nhỏ của nghĩa trang giáo xứ. (Ảnh: Đức Cường)

Trong ngày này, các tín hữu thường đi tham dự thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện tại nghĩa trang hoặc ở các nhà thờ để hiệp lời cầu nguyện cho những người đã khuất.

Cầu nguyện cho những linh hồn vô danh bị vứt bỏ

Ngoài việc dâng lời cầu nguyện cho linh hồn những người thân yêu đã qua đời, dịp này các tín hữu Kitô cùng hướng lòng mình về những linh hồn vô danh. Những người mà theo họ đều la chi thể của chúa Kitô, giờ đây thuộc về giáo hội đau khổ và cần đến lời cầu nguyện để được lên thiên đàng.

Theo chị Lê Thị Hương Giang, giáo dân Công giáo tại giáo xứ Hạnh Trí, xã Quảng Sơn (huyện Ninh Sơn), với mục đích và ý nghĩa theo giáo lý Công giáo, bản thân chị cũng đã hiệp ý cùng giáo dân và linh mục quảng xứ xây dựng nghĩa trang cho các linh hồn vô danh là những thai nhi bị không có cơ hội chào đời.

"Chúng tôi mong muốn những sinh linh nhỏ bé sẽ có nơi an nghỉ và hy vọng hóa giải được nỗi day dứt trong lòng của đấng sinh thành từng phá bỏ đứa con của mình. Qua đó, để tuyên truyền cho giới trẻ thay đổi được nhận thức, tránh những sai lầm đáng tiếc và sống có trách nhiệm với chính bản thân mình để có một cuộc sống lành mạnh hơn...", chị Giang tâm sự.

Tận tay thắp những ngọn nến cho các linh hồn nhỏ được cha xứ đặt tên thánh quan thầy trước khi chôn cất, chị Giang cho biết, dù là dịp lễ cầu cho các đẳng linh hồn hay bất kể ngày trong năm đều là dịp để giáo dân giáo xứ nói chung và bản thân chị nói riêng hiệp ý cầu nguyện cho các linh hồn đã khuất.

Nhưng với riêng nghĩa trang thai nhi này, bản thân chị luôn ước mong những sinh linh bé nhỏ được an nghỉ và cầu mong một tương lai không còn thai nhi nào bị phá bỏ nữa.

Ninh Thuận: Độc đáo ngày lễ cầu nguyện cho linh hồn người đã khuất của bà con giáo dân công giáo - Ảnh 6.

Nghĩa trang thai nhi với 755 linh hồn vô danh được thắp nến đỏ rực đêm lễ cầu cho các đẳng linh hồn (Ảnh: Đức Cường)

Lễ cầu cho người chết nhưng nhắc nhở người còn sống

Lễ cầu cho các đẳng linh hồn không chỉ là ngày "Tết" của những người đã khuất mà còn là dịp để nhắc nhở những người sống ý thức hơn về thân phận chóng qua của kiếp người ở đời này.

Ninh Thuận: Độc đáo ngày lễ cầu nguyện cho linh hồn người đã khuất của bà con giáo dân công giáo - Ảnh 7.

Đông đảo giáo dân công giáo hiệp dâng lời kinh tại thánh đường cung tại nghĩa trang giáo xứ Triệu Phong. Ảnh: (Đức Cường)

Những tín hữu Công giáo tin rằng thông qua những lời kinh cầu nguyện cho các linh hồn đã khuất cũng là dịp để mỗi Kitô hữu tuyên xưng đức tin của chính mình, niềm tin và sự sống lại và sự sống đời đời. 

Qua đó nhắn nhủ mỗi người sống ở thực tại thế gian đừng chỉ chạy theo những danh lợi của đời này mà quên đi việc chăm lo cho sự sống của linh hồn đời sau.

Bà Nguyễn Thị Đơn, giáo dân có nhiều năm sinh hoạt hội đoàn bà mẹ công giáo tại giáo xứ Triệu Phong cho biết, hàng năm, Giáo hội Công giáo đều dành riêng ngày mùng 2 Tết Nguyên đán để dâng lễ kính nhớ ông bà tổ tiên. 

Nhưng ngày lễ các cầu cho các đẳng linh hồn (2/11) cũng là dịp nhắc nhở những người sống trực tiếp bày tỏ lòng mình về lòng hiếu thảo, lòng biết ơn, lòng thương nhớ đối với những bậc sinh thành.

Ninh Thuận: Độc đáo ngày lễ cầu nguyện cho linh hồn người đã khuất của bà con giáo dân công giáo - Ảnh 8.

Lễ cầu cho các đẳng linh hồn còn là dịp để nhắc nhở những người sống ý thức hơn về thân phận chóng qua của kiếp người ở đời này. ( Ảnh: Đức Cường)

Qua đó, nhắc nhở mỗi người sống về cách đối nhân xử thế, đạo lý: "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây" và cả đức bác ái trong đức Kitô. Bà Đơn cho biết.

Lễ Các Đẳng (hay Lễ Các Đẳng Linh hồn) là một ngày lễ tưởng nhớ các tín hữu đã qua đời. Trong nhiều giáo hội Kitô giáo Tây Phương ngày lễ được cử hành vào ngày 2/11 hằng năm, ngay sau ngày Lễ các thánh. Trong Giáo hội Công giáo Rôma lễ này được gọi là là Lễ Tưởng nhớ Các Tín hữu đã qua đời (tiếng Latinh: Commemoratio Omnium Fidelium Defunctorum).

Ngày "Các Đẳng Linh hồn" 2/11 được dành để tưởng nhớ và cầu nguyện cho tất cả những người đã qua đời, đặc biệt là các linh hồn còn trong luyện ngục. Mỗi quốc gia trên thế giới có các phong tục truyền thống riêng của họ để tưởng nhớ những người đã khuất. Các lễ hội thường bắt đầu vào Ngày Lễ vọng các Thánh 31/10 (tức Halloween) cho đến hết Ngày "Các đẳng Linh hồn" 2/11.

Cũng như ở Việt Nam, tại một số quốc gia khác thường có nhiều nghi thức khác nhau, từ việc thắp sáng các nghĩa trang với hàng nghìn ngọn nến ở Ba Lan cho đến việc dùng bữa tại các khu mộ ở Peru, những truyền thống văn hóa này đều có những nét độc đáo theo cách riêng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem