Lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Người dân "ngã ngửa" trước nguyên nhân đá vỡ nát

Nhật Minh Thứ sáu, ngày 09/12/2022 15:14 PM (GMT+7)
Nhiều người dân Hà Nội "ngã ngửa" vì mới biết thêm một nguyên nhân dẫn đến loại đá tự nhiên có độ bền 70 năm có thể tự vỡ, thậm chí không cần tác động vật lý.
Bình luận 0

Đá vỉa hè vỡ nát một phần do mưa!

Những ngày qua, câu chuyện lát đá vỉa hè ở Hà Nội lại nóng lên sau một thời gian bị "chìm xuồng" kể từ năm 2018. Nguyên nhân chính là do vào dịp cuối năm trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội vỉa hè lại bị đào xới để thay "áo mới". Trong khi đó, "chiếc áo cũ" được tạc từ đá tự nhiên có độ bên lên tới 70 năm mới được dùng trong một thời gian ngắn đã hư hỏng.

Bất ngờ hơn, phản hồi thông tin tới báo chí về đá lát vỉa hè ở Hà Nội vỡ nát, ông Võ Nguyên Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đá lát vỉa hè giai đoạn trước khai thác bằng phương pháp nổ mìn, cho nên đá bị om. Ngoài ra, đá tự nhiên thường có gân đá, không được đồng chất nên khi mưa xuống thì bị giãn nở, tự nó vỡ, thậm chí không cần tác động vật lý.

Lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Độc giả "ngã ngửa" trước nguyên nhân đá vỡ nát - Ảnh 1.

Vỉa hè vỡ nát trên phố Trần Duy Hưng.

Do đó, nhiều người dân Hà Nội "ngã ngửa" vì mới biết thêm một nguyên nhân dẫn đến loại đá tự nhiên có độ bền 70 năm có thể tự vỡ, thậm chí không cần tác động vật lý.

Trên thực tế, nhiều tuyến phố ở Hà Nội thời điểm hiện tại vẫn đang được đào xới để thay đá. Khổ nhất có lẽ vẫn là những gia đình sinh sống, kinh doanh ở mặt đường. Cận Tết, thời điểm mua sắm, giao dịch, đi lại tăng gấp nhiều lần, người dân nhìn thấy cái vỉa hè trước nhà nham nhở kéo dài mà buồn lòng.

Lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Độc giả "ngã ngửa" trước nguyên nhân đá vỡ nát - Ảnh 2.

Cảnh tượng đá tự nhiên vỡ nát trên đường Nguyễn Trãi.

Vỉa hè tạp nham, không chỉ dành cho người đi bộ

Độc giả có tên Dũng Trịnh bình luận: "Gia đình tôi có một cửa hàng kinh doanh trên phố Nguyễn Chí Thanh, nhiều tháng nay gặp khó khăn vì vỉa hè trước nhà bị đào bới. Ban đầu cứ nghĩ họ làm vài hôm, cùng lắm một tháng là xong vì cả con phố kéo dài chỉ hơn 1km. Ai ngờ, ngày này qua tháng khác vỉa hè trước nhà vẫn nham nhở, mỗi ngày họ bôi ra một tí sau đó bỏ bẵng chẳng thèm làm. Việc kinh doanh, đi lại của gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn".

Một độc giả khác bức xúc: "Rõ ràng việc lát đá vỉa hè bị vỡ nát chỉ sau một thời gian ngắn có nhiều nguyên nhân. Ai cũng biết vỉa hè ở Hà Nội không chỉ để dành cho người đi bộ, giờ cao điểm tắc đường xe máy phi lên ầm ầm. 

Ô tô thì đỗ chềnh ềnh, mỗi lần lên xuống thì nhay đi nhay lại, đá có bền đến mấy thì cũng vỡ. Điều tôi bức xúc chính là ở cách làm việc, cách sửa chữa thay thế, việc này đáng lẽ phải làm nhanh, rút gọn, làm đến đâu xong đến đấy vì nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, đến giao thông đi lại".

Lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Độc giả "ngã ngửa" trước nguyên nhân đá vỡ nát - Ảnh 3.

Công nhân lát lại vỉa hè trên phố Trần Duy Hưng.

"Theo tôi, đá dùng lát vỉa hè mỏng quá, hè phố không chỉ dành cho người đi bộ mà còn xe máy ô tô đi lên. Do đó nên dùng gạch giả đá có chiều dày tối thiểu 7cm, kích thước không quá 30cm, nên dùng loại lục giác tốt hơn. Nhiều tuyến phố được lát đá nhân tạo, vỉa hè như tuyến đường Nguyễn Trãi thì hàng ngày xe nào cũng leo qua, nền tốt, gạch tốt thì trăm năm cũng không sao", bạn đọc có tên Tuấn Nghĩa bình luận.

Trong khi đó, độc giả Chánh Hoàng thì khẳng định: "Đá vỡ là do người thi công ẩu, làm nền không tốt. Đá thì luôn vĩnh cửu nhưng cái nền và cách lát mới quyết định vỉa hè có vĩnh cửu không. Tận mắt tôi đã thấy công nhân lát đá vỉa hè, phần vữa láng ở dưới thấy toàn cát và chỉ có một ít xi măng".

Sau phát ngôn của người đứng đầu Sở Xây dựng Hà Nội về nguyên nhân làm cho đá có độ bền 70 năm vừa đưa vào sử dụng đã vỡ nát một phần là do mưa, độc giả có tên Trung Thông nêu quan điểm: "Nguyên lý của các chất khí, lỏng, rắn đều nở ra khi nóng lên và co lại khi lạnh đi, vậy tại sao trời mưa lạnh mà đá lại nở ra, hết sức vô lý. Công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng quá kém nên dẫn đến hậu quả là thế".

Lát đá vỉa hè ở Hà Nội: Độc giả "ngã ngửa" trước nguyên nhân đá vỡ nát - Ảnh 4.

Một công nhân đang lát đá vỉa hè trên phố Nguyễn Chí Thanh.

Độc giả Nhân Cường nêu quan điểm: "Những viên đá được quảng cáo là tuổi thọ 50 năm, thậm chí 70 năm, sau khi lát xuống vỉa hè mới chỉ có 2-3 năm thì long vỡ, sụt lún và phải lát lại. Lý do đá hỏng vỡ rất khách quan là vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ, nhưng hiện tại vỉa hè ở Hà Nội cõng đủ các loại xe nên đá bị vỡ".

Cùng quan điểm với độc giả Nhân Cường, một độc giả khác bình luận: "Vỉa hè được thiết kế chỉ dành cho người đi bộ, nhưng thực tế ở ta các phương tiện giao thông thoải mái lao lên để di chuyển, dừng đỗ nên gạch lát trên vỉa hè rất nhanh bị vỡ, bong tróc. Và hậu quả ai cũng thấy, chính quyền thường xuyên tốn tiền để thay mới. Đề nghị bổ sung mức phạt với những phương tiện di chuyển, đậu trên vỉa hè ngoài lỗi vi phạm luật giao thông còn lỗi phá hoại tài sản công nữa".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem