Lát đá vỉa hè Hà Nội: Sở đề xuất đá tự nhiên, quận nói chỉ cần gạch là phù hợp

Vinh Hải Thứ tư, ngày 28/09/2016 07:47 AM (GMT+7)
Trong khi Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị sử dụng đá tự nhiên để lát vỉa hè thì UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng sử dụng gạch bê tông giả đá mới là phù hợp.
Bình luận 0

Tranh cãi

UBND TP.Hà Nội gần đây đưa ra chủ trương lát vỉa hè, bó vỉa bằng vật liệu tự nhiên, có kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50-70 năm. Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, chất lượng gạch lát hè ở Hà Nội không đảm bảo chất lượng. Tại nhiều tuyến phố, gạch lát có độ bền thấp, được vài tháng bắt đầu mất màu và xuất hiện hiện tượng rỗ mặt. Thậm chí, sau vài cơn mưa là có bám rêu mốc, không an toàn và mất mỹ quan đô thị. Loại gạch lát hè tốt nhất cũng chỉ có độ bền 3-4 năm là xuống cấp.

img

Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về việc Hà Nội nên lát vỉa hè bằng đá tự nhiên hay đá giả. Ảnh: T.L

Điều quan trọng là phải đảm bảo các yếu tố chất lượng vật liệu, đúng quy trình kỹ thuật, chi phí hợp lý và bảo dưỡng thường xuyên. Nhưng thực tế có những đoạn vỉa hè mới lát một thời gian đã hỏng, cần xem lại chất lượng vật liệu, quy trình lát có đảm bảo đúng quy định, có bị bớt xén hay không?”. 

PGS-TS Nguyễn Văn Hùng

Do đó, trước mắt tại 12 quận nội thành sẽ không dùng các loại gạch kém chất lượng như trước đây mà chủ yếu dùng đá tự nhiên. Với vật liệu mới là đá tự nhiên lát hè, Sở Xây dựng cho biết giá thành đá lát hè được các đơn vị giới thiệu có giá dưới 500.000 đồng/m2. Tuy nhiên, UBND quận Hoàn Kiếm – địa bàn trung tâm của Thủ đô lại cho rằng loại gạch bê tông giả đá là cơ bản phù hợp. Cụ thể, UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất 2 phương án sử dụng vật liệu. Thứ nhất, sử dụng đá xanh Thanh Hóa, mặt được tạo nhám và có chiều dày tối thiểu khoảng 5cm. Tuy nhiên, quá trình sử dụng đá thường bị mài mòn, trơn trượt nên chưa thực sự phù hợp. Thứ hai, sử dụng gạch bê tông giả đá (gạch tương tự như gạch terrazzo) là cơ bản phù hợp. Gạch dày 4cm, màu sắc giả đá đáp ứng về mặt mỹ quan tuyến phố, đồng diện màu sắc hè và lòng đường.

UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng thực tế triển khai lát hè trên tuyến phố Bà Triệu được dư luận đánh giá tốt do không bị trơn trượt và có kỹ, mỹ thuật.

Quan trọng là không bớt xén

Việc lát đá vỉa hè ở Hà Nội nhiều năm qua đã thu hút sự chú ý của công luận, nhất là khi có những tuyến vỉa hè mới được lát gạch, đá sau đó không lâu lại đào lên làm lại.

Ông Trần Văn Tam (phường Phúc La, quận Hà Đông) cho biết: “Tôi thường xuyên đi tập thể dục từ nhà lên vườn hoa Hà Đông. Đoạn vỉa hè này gạch cũ vẫn còn tốt, tuy đôi chỗ có sụt lún, chỉ cần chỉnh trang, sửa sang lại là được. Nhưng mới đây, tất cả hai bên vỉa hè đã được đơn vị thi công tới đào, tháo gỡ toàn bộ và bê đi đâu không rõ. Họ tráng xi măng rồi lát sang đá tự nhiên. Loại đá này rất trơn, đi bộ không cẩn thận là ngã ngay”.

Trao đổi với NTNN, PGS-TS Nguyễn Văn Hùng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng cũng đồng tình với thắc mắc của người dân khi nhiều đoạn vỉa hè được thay “áo mới” thường xuyên. Theo TS Hùng, nếu vỉa hè có xô lệch, hoàn toàn có thể dỡ gạch lên, lèn lại cát phần nền và sử dụng lại gạch cũ để lát. Theo đề nghị của ông Hùng, cần phải có đơn vị thẩm định vật liệu, giám sát độc lập khi tiến hành các dự án thay thế gạch lát vỉa hè. 

Còn TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam bày tỏ tán thành với chủ trương lát đá tự nhiên cho vỉa hè nhưng đặt câu hỏi: “Có cần thiết phải thay một lúc ở cả 12 quận hay không? Thực tế thời gian gần đây, nhất là dịp cận tết, nhiều vỉa hè mới lát lại được thay thế mới. Như thế là lãng phí và không nên”. 

Hiện UBND TP.Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp sở liên quan kiểm tra, xem xét, hướng dẫn quận Hoàn Kiếm thực hiện theo quy định của thành phố. Các vấn đề vượt quá thẩm quyền cần đề xuất, báo cáo UBND thành phố.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem