Làng giữa Sài Gòn trồng thứ cây cảnh, gần Tết tuốt sạch cả lá, vườn chật hẹp vẫn thu tiền tỷ

Thứ hai, ngày 06/12/2021 06:00 AM (GMT+7)
Tốc độ đô thị hóa tại TP.HCM đã khiến cho nhiều làng nghề mất dần vị thế, tuy nhiên làng nghề trồng mai vàng lại thích ứng, phát triển nhờ không cần đất nhiều, ứng dụng kỹ thuật nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Bình luận 0

Làng mai Thủ Đức là một trong những làng mai lớn nhất TP HCM. Tại đây có thể kể đến vườn mai Ba Sơn, năm ngoái có gần 500 gốc mai lớn, nhỏ để phục vụ thị trường Tết. 

Nhiều doanh nghiệp ở Hà Nội đã gọi điện vào đặt mua mai vàng chưng Tết, nên cận Tết chỉ việc đóng hàng và xuất đi. 

Làng nghề giữa Sài Gòn trồng thứ cây cảnh, gần Tết tuốt sạch cả lá, vườn chật hẹp lại vẫn thu tiền tỷ - Ảnh 1.

Làng mai Thủ Đức (TP HCM) vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển bởi thành phố đang có nhiều chính sách hỗ trợ trồng mai vàng...

Cách đó gần 2 km, vườn mai Hà Ba Trận của chị Út Hà với hơn 2.000 gốc mai kiểng, cũng thường xuất hoa đi Hà Nội và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai. Làng mai hoạt động tốt cũng tạo nhiều thu nhập cho người nông dân trong khu vực, tiền công thuê họ mỗi ngày là 350.000 đồng/người.

Một quản lý nhà vườn trồng cây cảnh, trồng mai vàng trên đường Phạm Văn Đồng cho biết, nghề này không kém phần vất vả so với nông dân, một năm chỉ trông chờ những ngày giáp Tết để tạo ra kinh tế, năm nào thời tiết tốt, việc chăm sóc và mua bán cũng thuận lợi hơn.

Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa nhanh chóng nên làng mai dần thu hẹp, nhiều hộ trồng mai vàng chuyển nghề. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người đam mê, bám trụ với nghề trồng mai kiểng. Giá trị cây mai kiểng ngày càng cao, chỉ cần diện tích vừa phải có thể duy trì vườn mai trị giá hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ đồng. Mặt khác, nhu cầu chơi mai vàng không ngừng nên thị trường tiêu thụ còn rộng mở.

Bà Nguyễn Thị Hai ở phường Hiệp Bình Phước cho biết, trước đây vợ chồng bà có vườn mai gần 4.000 m2, từ khi đô thị hóa, bà cắt một phần xây nhà trọ và chia cho các con, giờ còn khoảng 1.000 m2 giữ lại trồng mai. 

Mỗi năm, bà Hai cung cấp ra thị trường khoảng 500 cây mai vàng loại nhỏ giá từ 200.000 đồng - 1 triệu đồng/cây, mai lớn dáng đẹp khoảng từ 20 - 40 cây với mức giá từ 10 - 100 triệu đồng, bình quân thu nhập từ trồng mai khoảng từ 1 - 2 tỷ đồng/năm. 

Chưa kể vào dịp tết bà Hai cho thuê cây mai vàng chưng Tết, qua đó thu về hàng chục triệu đồng.

Dù diện tích đất thu hẹp nhưng nhiều người dân Thủ Đức vẫn sống với nghề truyền thống. Bởi nghề trồng mai là một trong những nghề mang lại lợi nhuận cao cho người trồng nếu biết đầu tư và đúng kỹ thuật. Ngày nay, số người chơi cây cảnh ngày càng tăng, đây cũng là lý do để nghề trồng mai có sức sống và phát triển.

Ở huyện Bình Chánh, Làng mai vàng Bình Lợi cũng đang phát triển khá tốt, hằng năm cung cấp hàng triệu cây mai giống, mai kiểng cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Với tổng diện tích 309 ha trồng mai vàng (tính đến năm 2020), nông dân xã Bình Lợi có thu nhập trung bình hàng năm từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm. Nhờ vậy mà người dân xã Bình Lợi có đời sống khấm khá hơn trước.

Điều may mắn cho vùng đất Bình Lợi là thổ nhưỡng nơi đây thuận lợi, thích hợp để trồng cây mai vàng. Tuy nhiên, để trồng được cây mai vàng không phải là điều dễ dàng, ngoài sức khỏe thì vốn và kỹ thuật trồng là vấn đề sống còn trong việc trồng hiệu quả cây mai vàng.

Kể từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, nông dân trồng mai ở xã Bình Lợi được UBND TP.HCM, UBND huyện Bình Chánh hỗ trợ thông qua việc vay vốn, mở các lớp nghề, tập huấn kỹ thuật trồng mai vàng và hơn hết là đường sá được đầu tư, nâng cấp giúp việc tiêu thụ sản phảm của nông dân thuận lợi hơn. 

Ông Lê Hữu Thiện - giám đốc Hợp tác xã hoa mai vàng xã Bình Lợi cho biết, trước đó, nông dân trong xã đã nhận được chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng và vật nuôi của Thành phố với mức hỗ trợ khoảng 1 tỷ đồng/ha trồng cây mai vàng và được vay trong 5 năm với lãi suất được hỗ trợ khoảng 80%.

Trong những năm tới, diện tích trồng cây mai vàng ở xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh (TP HCM) sẽ tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, việc này đồng nghĩa với việc gia tăng sức cạnh tranh trong thị trường cung ứng mai vàng. 

Do đó, nông dân trồng mai kiểng cần nâng chất lượng cây mai vàng cũng như tạo riêng cho mình một thương hiệu bằng cách tạo dáng (bon sai), tăng số lượng cánh mai vàng…

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có thêm các giải pháp để hỗ trợ phát triển làng nghề mai vàng tại TP.HCM, đặc biệt là trong thời gian gần đây, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ hoa vào dịp Tết trở nên khó khăn.

Như Quỳnh (Báo Khoa học phổ thông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem