Ký ức về cuộc duyệt binh 50 năm trước ở Hà Nội

Nguyễn Văn Ất Thứ hai, ngày 01/05/2023 06:40 AM (GMT+7)
Cuộc duyệt binh lớn nhất kể từ ngày tiếp quản Thủ đô 1954, có lẽ cũng là một cuộc duyệt binh thuộc vào loại lớn nhất mấy chục năm qua, kể từ ngày đó đến nay.
Bình luận 0

Chưa đầy một tháng sau khi trận "Điện Biên Phủ trên không" kết thúc, ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết. Miền Bắc Hòa Bình. 

Lần đầu tiên sau gần 10 năm chiến tranh phá hoại của không quân Hoa Kỳ, nay Hà Nội có cái Tết đầu tiên im tiếng bom đạn. Tết Quý Sửu năm 1973 ấy khỏi phải nói, vui mừng đến nhường nào…

Tôi không bao giờ quên cái thời điểm biết tin ký Hiệp định Pari để đem lại hòa bình cho miền Bắc khi ấy. Đó là những ngày giáp Tết Quý Sửu. Mấy ngày áp Tết ấy khoa dự bị lưu học sinh cho học viên về nghỉ Tết.

Ký ức về cuộc duyệt binh 50 trước ở Hà Nội - Ảnh 1.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt đội hình trước lễ duyệt binh và các lực lượng cơ giới, máy bay diễu qua quảng trường Ba Đình trong cuộc duyệt binh ngày mùng 1/5/1973. Ảnh tư liệu.

Ngay sau Tết ông Công ông Táo, sáng 24 tháng Chạp (tức ngày 28/1/1973), đi chỗ nào trong phố cũng thấy dân đứng đông nghịt dưới các loa truyền thanh công cộng đón nghe tin Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết hôm 27/1/1973. (Ngày ấy đài cá nhân gia đình rất ít, chủ yếu nghe qua loa đài công cộng). 

Mặc dù đêm qua đài đã đưa tin, nhưng nhiều người vẫn muốn nghe lại bản tin quan trọng này. Hòa bình rồi! Hà Nội hết bom đạn rồi! Ai nấy đều phấn khởi, mừng vui khôn tả.

Đường phố đỏ rợp cờ hoa, pano áp phích cổ động chiến thắng B52 vẫn căng khắp các ngã tư. Dân chúng bắt đầu diện những bộ quần áo sáng màu, không cần phải mặc áo màu xanh, màu cỏ úa, màu tối để đánh lừa máy bay địch như thời chiến nữa.

Giao thừa năm ấy, có một sự kiện vô cùng đặc biệt là sau bao nhiêu năm chiến tranh bom đạn, Hà Nội bắn pháo hoa đón xuân mới, mừng hòa bình.

Ấn tượng nhất là việc nhiều người Hà Nội lần đầu tiên được nhìn tận mắt cái máy "vô tuyến truyền hình"! 

Thành phố cho đặt 3 chiếc máy vô tuyến truyền hình (thời đó tivi được gọi như vậy), một cái tại Câu lạc bộ Đoàn Kết (cuối phố Cổ Tân), một ở đền Bà Kiệu và một trước cửa Nhà văn hóa 16 Lê Thái Tổ. Máy truyền hình khi đó với người dân quá mới lạ nên công an, dân phòng phải căng dây và gác xung quanh sợ người dân chen nhau xem làm vỡ. 

Ăn Tết xong chúng tôi lại quay về nơi sơ tán để học nốt. Anh em học viên chúng tôi chờ từng ngày để được quay về thủ đô. Thế mà cũng mãi đến tháng 5/1973 anh chị em mới được rời nơi sơ tán về Thanh Xuân, Hà Nội.

Về Hà Nội được ít ngày thì tới ngày lễ Quốc tế lao động 1/5 và được chứng kiến một sự kiện không phải ai cũng có may mắn như thế. Đó là ngày mùng 1 tháng 5 năm 1973, một cuộc duyệt binh rất lớn đã diễn ra tại Quảng trường Ba Đình.

Ký ức về cuộc duyệt binh 50 trước ở Hà Nội - Ảnh 2.

Xe tăng trong lễ duyệt binh. Ảnh tư liệu.

Khi đó Quảng trường Ba Đình chưa xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẫn là lễ đài cũ. Đây là cuộc duyệt binh lớn nhất kể từ ngày tiếp quản Thủ đô 1954, có lẽ cũng là một cuộc duyệt binh thuộc vào loại lớn nhất mấy chục năm qua, kể từ ngày đó đến nay.

Cuộc duyệt binh có ngoài các khối binh sỹ với đầy đủ các binh chủng hải, lục, không quân thì còn có các đoàn xe cơ giới hùng hậu từ các xe tăng T-54, xe bọc thép lội nước, các giàn tên lửa SAM, và trên trời là dàn tiêm kích MIG-17…

Những cuộc duyệt binh sau này thường chỉ có khối diễu binh bộ hành, không có phần diễu binh của lực lượng cơ giới, xe tăng, thiết giáp…

Hà Nội ngày ấy dân chưa nhiều như bây giờ. Mặc dù người xem duyệt binh đông, nhưng tôi và mấy anh bạn cùng lớp ngoại ngữ cũng chẳng phải lọ mọ dậy từ sớm làm gì, mà đủng đỉnh ăn sáng xong mới ra quảng trường Ba Đình. 

Dù không vào được sân quảng trường, nhưng đứng ở đầu đường Hùng Vương, chỗ Câu lạc bộ Quốc tế vẫn xem tốt.

Cái nắng đầu hè khá oi bức, kèm theo tiếng nổ đinh tai của dàn xe tăng khi đi hết đường Hùng Vương thì tăng ga để quặt rẽ vào phố Nguyễn Thái Học, khói xả ra mù mịt, mùi dầu của động cơ diezen khét lẹt,…

Dù mệt nhưng trong túi đã có cái … bánh mỳ và quả chuối đề phòng từ sáng nên … vô tư. Qua ngày lễ 1/5/1973 ít ngày thì chúng tôi mãn khóa học chờ ngày lên đường du học. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng hình ảnh về cuộc duyệt binh ngày 1/5/1973 ấy chẳng bao giờ quên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem