Ký ức Hà Nội: Sơ tán theo trường thời chiến

Hồ Công Thiết Thứ hai, ngày 13/06/2022 10:36 AM (GMT+7)
Trường Phổ thông Công nghiệp cấp 3 Đống Đa của chúng tôi (nay là trường THPT Đống Đa, ngõ Quan Thổ 1, phố Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội) chia thành hai phiên hiệu, sơ tán về xã Minh Khai huyện Từ Liêm, Hà Nội và xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, Hà Tây, nay cũng là Hà Nội.
Bình luận 0

Trong thời gian cao điểm của chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của quân đội Mỹ, đã có khoảng 260.000 học sinh các cấp cùng 50.000 sinh viên, học sinh chuyên nghiệp rời trung tâm Hà Nội sơ tán ra ngoại thành và các tỉnh lân cận.

Bé theo các nhà trẻ. Lớn theo cơ quan bố mẹ hoặc phân tán về nhà ông bà hoặc họ hàng. Khối các trường cấp 3 sơ tán tập trung, ở nhà dân và học trong những nhà kho, hội trường của xã hoặc dựng ngay trên mảnh đất cạnh làng. 

Những lớp học nửa nổi nửa chìm, có hệ thống hào dẫn ra hầm trú ẩn là những đoạn hào sâu có gác tre rồi đổ đất ụ lên. Về sau, có thêm loại hầm chữ A, do những cây tre gác chéo vào nhau, đất đắp kín hai bên để ngăn mảnh đạn rơi từ trên trời xuống. Mũ rơm, áo giáp cũng bằng rơm được các cô chú trong đội dân quân xã đan cho.

Ký ức Hà Nội: Sơ tán theo trường thời chiến - Ảnh 1.

Học sinh sơ tán ở Hà Nội trước đây. Ảnh: Tư liệu

Trường Phổ thông Công nghiệp cấp 3 Đống Đa của chúng tôi (nay là trường THPT Đống Đa, ngõ Quan Thổ 1, phố Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội) chia thành hai phiên hiệu, sơ tán về xã Minh Khai huyện Từ Liêm, Hà Nội và xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, Hà Tây, nay cũng là Hà Nội.

Phiên hiệu ở xã Minh Khai học sinh về ở trong nhà dân tại các thôn Nguyên Xá, Vân Trì và một nhóm nhỏ ở thôn Tây Tựu.

Xã Minh Khai là khu vực đất đồng màu, cây ăn trái sum suê, nằm cách nội thành Hà Nội gần chục cây số nhưng lưới điện chưa phủ đến nơi.

Đêm về, nhìn quầng sáng ở nội thành, đám con gái lần đầu xa nhà, ôm nhau khóc tỷ ty.

Học sinh được các nhà chủ nấu cơm giùm. Cơm trắng hoặc độn ngô, tùy khẩu phần học sinh đóng góp.Thức ăn do quản lý nhà trường chia về theo nhóm trọ. Chủ nhà nấu hộ và ủng hộ nồi canh từ rau củ quanh vườn.

Tại Thọ Xuân, nơi phiên hiệu đông học sinh nhất của trường có bếp ăn tập thể. Thầy quản lý hàng ngày đạp xe về Hà Nội mang hàng tiếp phẩm cho bếp ăn. Đến bữa, nhóm cử người đến bếp ăn, lấy khẩu phần cho nhóm, mang về nơi đang ở trọ.

Thức độn của phiên hiệu Thọ Xuân là bột mỳ. Sau một thời gian nhà ăn nặn bột mỳ thành bánh đem hấp chín ăn thay cơm, nhà trường đã xây một lò bánh mỳ để tự cung tự cấp. Không rõ do ngoại giao giỏi hay được hỗ trợ, thỉnh thoảng thầy quản lý còn chở trên chiếc xe đạp của mình những chiếc bánh mỳ gối mang về từ Hà Nội, trắng muốt, thơm lừng.

Cư dân Thọ Xuân ở rải rác quanh các gò đồi lúp xúp ven bãi sông Hồng. Đơn vị thôn được gọi là các Đạc.

Các thầy giáo trẻ theo trường,vừa dạy văn hóa vừa làm công tác quản sinh. Đêm về, các thầy đến từng nhà trọ đốc thúc việc học hành và kiểm tra sinh hoạt.

Học sinh của trường đều đã đi sơ tán từ những năm trước đó, nhưng theo gia đình hoặc cơ quan của bố mẹ. Nay vào cấp 3, được sinh hoạt tập trung với các bạn cùng trang lứa nên rất phấn khởi và chăm chỉ học tập. Các hoạt động văn thể của trường được các thày quản sinh chú trọng, tạo nhiều hình thức sinh hoạt tập thể cuốn hút sự tham gia của tất cả học sinh trong trường. Ban ngày chúng tôi kiếm được con cá, hoặc con rắn nước, tối về lúi húi nấu ăn. Các thầy biết và còn xắn tay vào giúp chúng tôi chế biến.

Ký ức Hà Nội: Sơ tán theo trường thời chiến - Ảnh 2.

Bến phà tại xã Thọ Xuân. Ảnh: Công Thiết

Đêm đến, nhà bạn nào có đàn ghi ta, lại trở thành nơi tập hợp của những bạn tâm giao cùng nhớ Hà thành.

Cũng có lúc có bạn nghêu ngao những bài hát mà ngày đấy gọi là nhạc vàng. Thầy quản sinh tên Nghĩa đi qua, vào cầm đàn đệm cho chúng tôi hát. Sau này khi đã trưởng thành, chúng tôi hỏi sao hồi ấy thầy không cấm mà ủng hộ tụi em. Thầy Nghĩa cười và nói : "Tôi cũng thích thì cấm các em làm gì".

Những ngày theo học nơi sơ tán, gian khổ khó khăn của đám học sinh mới lớn chúng tôi đã được các thày cô giáo của trường san sẻ lo toan nên mọi sinh hoạt, học tập trở nên bình thường, như cuộc sống tự nhiên vốn vậy.

Bài viết Sơ tán theo trường thời chiến dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem