Ký ức Hà Nội: Sống ở "phố nhà binh"

Nhà thơ Lữ Mai Thứ tư, ngày 17/05/2023 06:40 AM (GMT+7)
Vừa năm trước, gia đình tôi chuyển nhà, ai cũng nghĩ chắc hẳn sẽ là một không gian nào đó khác lạ, nhưng rốt cuộc, vẫn chính con ngõ ấy, khu tập thể "phố nhà binh" Lý Nam Đế (Hà Nội), nơi chúng tôi đã sống hơn 10 năm qua.
Bình luận 0

Nếu tôi nói rằng, lòng tôi đầy thương nhớ ngay cả khi đang ở trong lòng phố, bạn có tin? Thực sự, đúng là như vậy…

"Cô hôm nay đi làm muộn thế, nay trở trời, nấu được bát canh cá với măng chua thì hợp nhẽ?", nghệ sĩ nhiếp ảnh già cũng thuê nhà khu này luôn có cách chào hỏi rất ấm áp và đặc biệt. Có những ngày mùa xuân nồm ẩm, mưa bay mịt mờ như sương, tôi ốm yếu như con mèo hen nằm bên cửa sống ngóng ra ngoài. Từng tán hồng xiêm đang mùa đậu qua đan nhau đầy sức sống.

Ký ức Hà Nội: Ở "phố nhà binh" - Ảnh 1.

Trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, một công trình kiến trúc rất đẹp ở phố Lý Nam Đế. Nhà của tác giả ngay cạnh trụ sở tạp chí. Ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh

Những chậu cây, chậu rau các nhà cố gắng xếp đặt gọn gàng, xanh mướt mắt. Hoa quất, hoa chanh ở ban công đang nở, hương the the len lỏi giữa không gian lành lạnh như đóng băng. Chợt nhận ra rằng, trong chính sự cũ càng, sức sống vẫn trỗi lên như nhẽ đương nhiên phải thế.

Nhà thơ Lữ Mai, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện đang công tác tại Ban Văn hóa – Văn nghệ, Báo Nhân Dân. Các tác phẩm đã xuất bản: Giấc (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2010); Hà Nội không vội được đâu (Văn xuôi, NXB Văn học, 2014, tái bản 2019); Mở mắt rồi mơ (Tập thơ NXB Hội Nhà văn, 2015); Thời cách ngăn trống rỗng (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn, 2019); Chư Tan Kra mây trắng (Trường ca, NXB Văn học, 2021)… Một số giải thưởng văn học như: Giải Ba Giải thưởng Văn học đề tài Biên giới, hải đảo giai đoạn 1975 đến nay của Hội Nhà văn Việt Nam cho trường ca “Ngang qua bình minh”. Giải B Giải thưởng Văn học Nghệ thuật, Báo chí giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Tư lệnh Hải quân cho bộ sách “Nơi đầu sóng”, “Mắt trùng khơi”. Giải thưởng của Tổng Cục chính trị QĐND Việt Nam cho tác phẩm “Nơi đầu sóng”.

Trước đây, từ căn phòng tầng bốn có ô cửa đối diện phòng chồng tôi làm việc ở cơ quan, cách nhau khoảng không chỉ vài ba mét, mỗi ngày cô con gái bé xíu đều đưa tay lên vẫy vẫy: "Bố ơi! Bố đâu rồi?", "Bố về ăn cơm bố ơi!". Dọc hành lang cũ kỹ, hơi ẩm, là những chậu cây bốn mùa xanh tốt.

Người hàng xóm tốt bụng, chăm chỉ luôn chăm sóc cẩn thận, không chỉ cây nhà mình mà cả các nhà chung quanh. Vẫn nhớ những ngày đầu tiên chuyển về khu nhà ấy, hàng xóm sang chào, vân vi đặt vấn đề xin gửi nhờ đồ đạc để sửa nhà.

Từ bấy thành ra thân quen, tới mức nhà này được "tín nhiệm" giữ luôn bộ chìa khóa cho nhà kia, thậm chí còn thay nhau giải quyết công việc của hàng xóm khi bên kia đi vắng. Những bữa cơm chung, những ấm trà khuya muộn, những tâm sự ắp đầy chia sớt sang nhau.

Mọi thứ thân thuộc, bình yên tới mức ta mặc nhiên coi đó như một gia đình, ta mặc định không bao giờ có sự thay đổi nào xen lẫn được. Ngay cả khi chúng tôi rời căn nhà ấy vì chủ nhà cần bán đi, xuống thuê ở tầng một, hàng xóm tầng bốn vẫn đi đi về về, ăn chung những bữa cơm, tặng hoa vào những ngày quan trọng…

Ký ức Hà Nội: Sống ở "phố nhà binh" - Ảnh 3.

Tác giả Lữ Mai, hiện đang công tác tại Ban Văn hóa – Văn nghệ, Báo Nhân Dân. Ảnh nhân vật cung cấp.

Chúng tôi yêu khu phố bình lặng này, như chính mái nhà thật sự của mình đã nằm lọt thỏm vào trong đó. Sáng sớm, chợ cóc vỉa hè mọi thứ xanh tươi, mơn mởn, rộn ràng. Những người bán hàng mãi Sơn Tây, Hòa Bình đều tụ về đây, bán ngô, khoai, sắn, bầu bí, gạo, rau, gà, vịt… hệt phiên chợ quê.

Chỉ khác chỗ gọn ghẽ hơn, chóng vánh hơn, quá nửa buổi sáng là sạch bách. Người bán hàng nhớ từng gia đình, từng bếp ăn, sở thích. Nhà này hay nấu món này. Nhà kia thường thích món kia. Đôi khi, củ măng trái mùa, ngọn sắn muối chua, mớ rau tập tàng được những bà mẹ quê hái từ chiều hôm trước… người bán hàng cũng gói ghém theo, mang xuống phố, dúi cho vài nhà trong khu mà nết ăn nết ở họ đã thuộc làu làu.

Chợ có cậu bán hàng tên Thuận, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, mỗi buổi chợ thi thoảng lại thấy vắng mặt, bởi loáng cái cậu đã tạt vào nhà nọ nhà kia làm gà làm vịt, còn cô vợ hiền lành sẽ đứng bán gạo, bán rau. Những ngày trái gió trở trời, vợ chồng Thuận mang theo cả tía tô, ngải cứu, trầu không, chanh đào… hái ở vườn nhà cho bà con khu phố, nhà nào có người cảm sốt vì đổi mùa.

Không đơn thuần là mối quan hệ giữa người bán, người mua nữa, tình cảm thân thuộc như gia đình, lối xóm. Lâu nay, tôi luôn nghĩ những người như vợ chồng Thuận đã thuộc về một phần phố nhỏ. Dáng dấp họ trong từng con ngõ, rẽ vào từng nhà, treo mớ rau, cân khoai lên cửa… mới mộc mạc nhường nào.

Giữa hè, bỗng trời đổi gió, từ khu tập thể nhìn xuyên qua từng khung cửa gắn với bức tường rêu bần thần gặp hoa đại trắng ngần rụng rơi, trải lớp thảm tinh khôi trên nền sân gạch cũ.

Ngước trông lên, càng ngạc nhiên gấp bội khi thấy hai thân cây già nua, xanh rêu, nhiều khúc đoạn đã mục ruỗng vẫn đơm tua tủa từng búp cành khỏe khoắn, mạnh mẽ, từng chiếc lá cứng cáp non xanh như những bàn tay thẳng hướng lên trời. Mầm xanh nhú sau cơn mưa, lá mới mở căng đến mọi phiến gân. Và hoa thì luôn nở.

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem