Kỳ Sơn (Nghệ An): Xa rồi những mùa hoa anh túc

Thứ năm, ngày 12/01/2012 13:12 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An), những nương thuốc phiện (anh túc) giờ đây đã trở thành dĩ vãng, thay vào đó là những ruộng ngô, khoai sọ, hoa ly...
Bình luận 0

Ký ức một thời

Trong ký ức của ông Vừ Chông Pao (bản Sơn Hà, xã Tà Cạ), trước đây những thung lũng và cánh rừng ở Nậm Cắn, Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Ải, Mường Lống, Huồi Tụ và Tây Sơn bạt ngàn cây thuốc phiện. Khi đó, cây thuốc phiện là nguồn thu nhập chính của đồng bào Mông.

img
Giờ đây, những nương rẫy thuốc phiện ở Kỳ Sơn đang được thay bằng ngô, gừng, khoai sọ...

Thuốc phiện có sẵn, nhiều nhà có bàn đèn, có gia đình 4- 5 người mắc nghiện. “Nàng tiên nâu” xuống lưng chừng núi quyến rũ người già, thanh niên dân tộc Khơ Mú; xuống chân núi, nơi cư trú của người Thái... khiến bao gia đình tan nát. Làn khói thuốc phiện đã “cuốn phăng” những ruộng ngô, lúa và trâu, bò, lợn, gà... của nhiều gia đình. Không ít người lâm vào cảnh bế tắc phải tìm đến cái chết. Ai cũng oán giận "nàng tiên nâu” nhưng không mấy người thoát được nó.

Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, nỗ lực vận động bà con trồng các loại cây khác thay thế thuốc phiện, từng bước ổn định và nâng cao đời sống cho nhân dân. Bên cạnh huy động các lực lượng đến các nương rẫy nhổ bỏ cây thuốc phiện, các cấp chính quyền cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Ông Vừ Chông Pao và các cán bộ đã kiên trì tuyên truyền, vận động, dần dần bà con cũng nghe ra.

Khoai, ngô, hoa... thay anh túc

Sau nhiều nỗ lực, giờ đây, những nương rẫy thuốc phiện đang được thay bằng ngô, gừng, khoai sọ, đào... Cùng với đó là các chương trình, dự án giúp bà con chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa như trồng chè tuyết shan, ngô lai... trên rẫy dốc, mở rộng và sử dụng hiệu quả diện tích ruộng nước, phát triển chăn nuôi trâu bò hàng hóa, đặc sản lợn đen, gà đen... Nhờ đó, cuộc sống của đồng bào dần ổn định.

Nói vậy không có nghĩa là cuộc đấu tranh xóa bỏ cây thuốc phiện ở Kỳ Sơn đã kết thúc. Ông Vừ Chông Pao bảo: “Cây thuốc phiện ở đây tuy đã được xóa bỏ nhưng phía bên kia biên giới vẫn còn nhiều. Trong khi đó việc chuyển đổi, thay thế các giống cây, con khác chưa thật sự tương xứng, kinh phí hỗ trợ cho đồng bào còn thiếu...”.

Sau nhiều nỗ lực, giờ đây, những nương rẫy thuốc phiện ở Kỳ Sơn đang được thay bằng nương ngô, gừng, khoai sọ, đào...

Trước thách thức này, huyện đã tăng cường tuyên truyền sâu rộng, vận động bà con cam kết không trồng cây thuốc phiện; xử lý nghiêm và phân rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể để diễn ra việc tái trồng thuốc phiện trên địa bàn, đơn vị mình; tiến hành kiểm tra chéo giữa các bản, các xã. Theo báo cáo của các xã và kiểm tra của Ban chỉ đạo huyện và các đồn biên phòng, đến tháng 12.2011, không có gia đình nào ở Kỳ Sơn tái trồng cây thuốc phiện.

Trao đổi với chúng tôi, ông Mùa Nỏ Xử - Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chúng tôi tin tưởng những mùa hoa anh túc mãi mãi là dĩ vãng đối với đồng bào các dân tộc ở Kỳ Sơn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem