Kon Tum: Những phận đời phiêu bạt nơi rừng thông, cây hết nhựa lại nhổ lều đi nơi khác

Kỳ Phú Chủ nhật, ngày 19/12/2021 14:29 PM (GMT+7)
Nhiều lao động ở các tỉnh phía Bắc phiêu bạt vào tỉnh Kon Tum làm nghề cạo nhựa thông. Do đặc thù công việc, họ chỉ ở lại vài năm sau khi cây thông đã hết nhựa rồi lại sang tỉnh khác. Do vậy, họ không xây nhà mà dựng tạm túp lều giữa rừng thông để ăn ở, sinh hoạt...
Bình luận 0

Cuộc sống phiêu bạt của thợ cạo nhựa thông

Trong 1 chuyến công tác tại huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum), khi đang băng qua đèo Măng Rơi, chúng tôi tình cờ phát hiện dưới những cánh rừng thông bạt ngàn ở xã Đăk Trăm có những chiếc lều tạm phủ bạt.

Qua tìm hiểu được biết, đây là chỗ ăn ở của những người làm nghề cạo nhựa thông ở các tỉnh thành phía Bắc như Lạng Sơn, Nam Định, Bắc Giang….đổ về để kiếm tiền trang trải cuộc sống. 

Các doanh nghiệp sẽ mua lại rừng thông của Công ty TNHH MTV Nguyên liệu Giấy miền Nam thông qua đấu giá để nhận khai thác mủ, sau đó sẽ khoán lại cho những người lao động này.

Lênh đênh những phận đời làm nghề cạo nhựa thông: Dựng lều tạm, ăn ngủ giữa rừng - Ảnh 1.

Túp lều tạm của ông Mai Hồng Phượng ở giữa rừng thông. Ảnh: Kỳ Phú

Chúng tôi gặp ông Mai Hồng Phượng, quê ở tỉnh Lạng Sơn trong một túp lều rộng chừng 20 m2 giữa rừng thông. 

Ở cái tuổi 62, ông Phượng đã có khoảng 30 năm lang thang khắp các cánh rừng già làm nghề cạo nhựa thông. Từ những cánh rừng thông ở Lâm Đồng, Đăk Lăk, Gia Lai đến Tu Mơ Rông và Đăk Tô của Kon Tum, mỗi nơi ông đều dựng lều sống vài ba năm. 

Khi những cây thông hết nhựa thì ông lại sang địa phương khác tiếp tục làm công việc này.

Ông Phượng kể, sau khi học hết cấp 3, ông đã lên đường nhập ngũ đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Phượng xin vào làm tài xế cho một công ty lâm sản ở Lạng Sơn.

Tuy nhiên, do trục trặc trong công việc nên ông quyết định làm đơn xin nghỉ việc. Kể từ đó, ông bắt đầu phiêu bạt vô các tỉnh Tây Nguyên làm nghề cạo nhựa thông.

Do ở giữa rừng, nên ông Phượng không xây nhà kiên cố mà chỉ dựng tạm căn lều để ở và cũng để tiện đi lại cho công việc. 

Theo ông Phượng, khó khăn nhất khi ở đây đó là thức ăn và nước uống. "Do ở xa khu dân cư nên tôi phải đi hàng chục km xuống dưới suối để lấy nước về dùng cho sinh hoạt. Những hôm mưa lớn không đi xuống suối được thì tôi hứng lấy nước mưa để dùng. Còn bữa ăn hàng ngày, trước đây, thì vất vả lắm, chỉ có cá khô và rau dại nhặt được ở rừng thôi. Còn bữa nay thì đỡ hơn rồi vì có xe hai sọt chở thực phẩm đi ngang qua mỗi ngày", ông Phượng nói.

Mỗi ngày, công việc của ông Phượng bắt đầu từ sáng sớm đến tối mịt mới quay về lều. Theo ông Phượng, công việc cạo nhựa thông khá vất vả. 

Để lấy nhựa, người thợ phải tuân thủ theo một quy trình và kỹ thuật khai thác nhất định để đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển của cây thông. Mỗi cây thông không được cạo quá 25cm và rộng dưới 40% thân cây.

Lênh đênh những phận đời làm nghề cạo nhựa thông: Dựng lều tạm, ăn ngủ giữa rừng - Ảnh 2.

Ông Phượng nấu nước bằng củi ở giữa rừng. Ảnh: Kỳ Phú

Mỗi cây thông cho nhựa từ 0,5-1kg trong 1 tháng. Tuy nhiên, mỗi ngày, người thợ phải đều đặn cạo lớp vỏ thông để cho nhựa chảy ra. Một túi nilông đặt dưới gốc thông để hứng nhựa. Cuối tháng, khi nhựa thông đông cứng và đầy túi nilông, người thợ sẽ gom các túi nilông này và đóng gói rồi mang đi giao cho công ty.

"Cây thông phải cạo mủ quanh năm suốt tháng. Nếu không cạo thì cây sẽ không chảy nhựa. Tôi nhận khoán lấy nhựa cho khoảng 3.500 cây thông. Hiện tại, mỗi kg nhựa thông có giá từ 12.000 – 15.000 đồng. Nếu siêng làm thì mỗi tháng kiếm được tầm 8-10 triệu đồng...", ông Phượng cho hay.

Tuy nhiên theo ông Phượng, vđến mùa mưa thì chịu bó tay. Lý do bởi thường nhựa thông nhẹ hơn nước, phải mất từ 2-3h mới đông cứng. 

Nếu có một cơn mưa trút xuống thì 1 ngày cạo nhựa thông sẽ thành công cốc bởi nhựa sẽ theo nước trôi xuôi. Do vậy, vào những ngày mưa, những người làm nghề cạo nhựa thông như ông Phượng phải nghỉ làm...

Một mình rời quê hương vào Tây Nguyên để mưu sinh, thế nhưng 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ông Phượng chưa một lần về quê nhà thăm người thân. 

"Xa nhà xa quê cũng nhớ lắm chứ. Tuy nhiên vì công việc nên tôi đành phải chấp nhận thôi. Khi nào tình hình dịch bệnh ổn định, tôi sẽ sắp xếp về thăm quê", ông Phượng tâm sự.

Những mảnh đời nương tựa nhau trong căn lều tạm dột nát

Cách lều của ông Phượng không xa là túp lều của 3 mẹ con chị Đặng Thị Liễu, 42 tuổi, quê ở tỉnh Nam Định. 

Hoàn cảnh của 3 mẹ con chị hết sức đáng thương. Cách đây gần 20 năm, do mâu thuẫn chuyện gia đình, chị Liễu và người chồng đã quyết định "đường ai người nấy đi". Bị bố mẹ "dị nghị" vì chuyện ly dị chồng, chị quyết định đưa 3 người con vào mảnh đất Kon Tum để lập nghiệp. 

Do không có nhà cửa, đất đai để canh tác nên chị Liễu dựng lều tạm giữa rừng thông tại xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) rồi xin làm công việc cạo nhựa thông.

Lênh đênh những phận đời làm nghề cạo nhựa thông: Dựng lều tạm, ăn ngủ giữa rừng - Ảnh 3.

Nghề cạo nhựa thông đầy vất vả, tuy nhiên chị Liễu vẫn cố gắng. Ảnh: Kỳ Phú

Tuy nhiên, do cuộc sống quá khó khăn, đứa con gái đầu 19 tuổi của chị về quê làm công nhân cho một xưởng may, còn hai người con trai vẫn ở lại đây. 

Người con trai thứ hai của chị là Nguyễn Duy Nguyên (17 tuổi) đã nghỉ học từ năm lớp 5 theo mẹ đi cạo nhựa thông, còn người con trai út Nguyễn Duy Lâm (8 tuổi) đang học tại một trường tiểu học trên địa bàn xã Kon Đào, cách nhà khoảng 6 km.

Hai mẹ con chị Liễu nhận khoán cạo hơn 4.500 cây thông ở xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô). Mỗi tháng, hai mẹ con chị làm quần quật thu nhập cũng được khoảng hơn 9 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí thì cũng chẳng dư ra được là bao.

Lênh đênh những phận đời làm nghề cạo nhựa thông: Dựng lều tạm, ăn ngủ giữa rừng - Ảnh 4.

Nguyễn Duy Nguyên (17 tuổi), con trai thứ 2 của chị Liễu đã phải bỏ học từ năm lớp 5 để theo mẹ đi cạo nhựa thông. Ảnh: Kỳ Phú

"Công việc cạo mủ thông vất vả, mệt nhọc lắm. Thế nhưng, có công việc để làm là tốt rồi. Mỗi tháng có thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống và lo cho con ăn học", chị Liễu nói.

Chị Liễu kể, ở giữa rừng, sợ nhất là vào mùa mưa bão. Căn lều tạm bợ của chị không thể nào trụ nổi trước những cơn gió thổi mạnh. 

"Những hôm mưa to gió lớn, dây néo lều nó đung đưa qua lại như muốn đứt vậy nên 3 mẹ con tôi rất nươm nớp lo sợ. Rồi nước mưa xối xả tạt vào căn lều dột nát khiến 3 mẹ con bị ướt sũng. Khó khăn là vậy nhưng đành để vậy mà ở thôi chứ biết làm sao giờ", chị Liễu bộc bạch.

Lênh đênh những phận đời làm nghề cạo nhựa thông: Dựng lều tạm, ăn ngủ giữa rừng - Ảnh 5.

3 mẹ con chị Liễu sống nương tựa nhau trong căn lều tạm bợ, dột nát. Ảnh: Kỳ Phú

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Trương Đình Tuệ, Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) cho biết, toàn xã có khoảng 22 người từ các tỉnh phía Bắc đến đây làm nghề cạo mủ thông. 

"Những người này thường chỉ sống trên địa bàn xã nhiều năm rồi lại di chuyển sang nơi khác, chính vì vậy, họ phải dựng những chiếc lều bạt ở tạm giữa rừng thông. Khi đến địa phương làm việc và sinh sống, UBND xã hỗ trợ những người này làm các thủ tục đăng ký tạm trú tạm vắng", ông Trương Đình Tuệ cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem