Tâm tư, kiến nghị gửi Thủ tướng: Vẫn còn nông dân "sống dở, chết dở" vì phân bón giả

Bình Minh Thứ sáu, ngày 06/05/2022 15:00 PM (GMT+7)
Hiện nay, tình trạng kinh doanh, buôn bán phân bón giả vẫn còn tồn tại khiến cơ quan chức năng đau đầu, đẩy nhiều nông dân vào tình cảnh "sống dở, chết dở".
Bình luận 0

Mới đây, ngày 4/5, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Hưng Yên đã kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh phân bón và 9 mẫu lấy kiểm nghiệm chất lượng so với chỉ tiêu công bố trên bao bì sản phẩm thì có tới 4 mẫu vi phạm.

Kết quả thử nghiệm đối với 9 mẫu phân bón của Công ty CP Chứng nhận và giám định IQC, địa chỉ: Lô 6, BT4, KĐT mới Cầu Bươu, Thanh Trì, Hà Nội thì có 3 mẫu có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và 1 mẫu là hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng.

Hay như Công ty TNHH thương mại Tuấn Tú, địa chỉ xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động (Hưng Yên) bị phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng với hành vi buôn bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Đây chỉ là 2 trong rất nhiều vụ vi phạm về buôn bán phân bón giả, kém chất lượng bị phát hiện từ đầu năm 2022 đến nay. Thực tế cho thấy kinh doanh, buôn bán phân bón giả đã trở thành vấn nạn gây nhức nhối đối với cơ quan quản lý, đồng thời đây là nguyên nhân dẫn đến cây trái èo uột, khô héo, đất đai cằn cỗi...

Tâm tư, kiến nghị gửi Thủ tướng: Kinh doanh, buôn bán phân bón giả tràn lan, nông dân "sống dở, chết dở" - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng giám sát việc tiêu hủy nhiều tấn phân bón giả, không đủ tiêu chuẩn lưu thông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: QLTT

Những năm gần đây, tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên, cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, xử lý nhiều cơ sở kinh doanh phân bón, vật tư nông nghiệp không đạt chất lượng. 

Tuy nhiên, vấn nạn phân bón giả vẫn hoành hành khiến nông dân hoang mang và gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.  

Chia sẻ với Dân Việt, nông dân Đào Văn Dĩnh, ở Bạc Liêu nói: "Việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón ngày càng diễn biến phức tạp. Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường tiềm ẩn nhiều hệ lụy, gây thiệt hại cho cả Nhà nước, doanh nghiệp làm ăn chân chính, bà con nông dân thì sống dở, chết dở vì mua phải phân bón giả".

Trước vấn nạn này, tháng 3/2022, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) công bố việc xử phạt 92 doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhập khẩu, sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng.

Theo thông báo này, tính riêng lĩnh vực phân bón thì có đến 44 trong số 92 cơ sở bị xử phạt vi phạm mắc lỗi nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng, 9 cơ sở sản xuất phân bón không đảm bảo chất lượng, 6 cơ sở buôn bán phân bón không đảm bảo chất lượng, 3 cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm nội dung ghi nhãn, 1 cơ sở không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm phân bón.

Tâm tư, kiến nghị gửi Thủ tướng: Kinh doanh, buôn bán phân bón giả tràn lan, nông dân "sống dở, chết dở" - Ảnh 2.

Cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang kiểm tra, phát hiện 8 mẫu phân bón giả, không đảm bảo chất lượng, hồi tháng 1/2022. Ảnh: QLTT

Theo các chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, năm 2021, nguồn phân bón nhập khẩu bị đứt gãy do dịch bệnh, khiến giá phân bón liên tục tăng mạnh. Đặc biệt, từ cuối tháng 2/2022 đến nay, do xung đột Nga - Ukraine khiến lượng cung và thương mại phân bón trên thế giới giảm đột ngột, càng làm giá phân bón tăng phi mã. Điều này sẽ "thúc đẩy" các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp tung ra nhiều chiêu thức gian lận nhằm thu lợi bất chính.

Đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Điều đáng nói, có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả vì đứng trước lợi nhuận quá lớn mang lại.

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, mỗi năm nông dân tiêu thụ trên 10 triệu tấn phân bón, trong đó có từ 30-50% là phân bón giả, kém chất lượng. 

Cũng theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), bình quân mỗi năm phát hiện, xử lý hàng ngàn vụ phân bón giả, kém chất lượng. 

Hằng năm, Cục kiểm tra hàng ngàn hộ kinh doanh phân bón thì có hàng trăm hộ vi phạm (khoảng 42%). Kiểm nghiệm hàng ngàn mẫu phân bón thì có hàng trăm mẫu (khoảng 31%) không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Trước thực trạng kinh doanh, buôn bán phân bón giả tràn lan như hiện nay thì nhiều nông dân đã gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân tại tỉnh Sơn La vào cuối tháng 5 tới đây.

Trong đó, nông dân Đào Văn Dĩnh, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) kiến nghị Thủ tướng có giải pháp mạnh hơn trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và xử lý nghiêm tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng, tránh thiệt hại cho nông dân.

Nông dân Nguyễn Văn Cường (Hải Dương) cũng kiến nghị đến Thủ tướng, Nhà nước cần quản lý chặt chẽ việc sản xuất, tiêu thụ mặt hàng phân bón để  hạn chế hàng nhái, hàng giả gây thiệt hại cho nông dân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem