Kiên Giang: Thả tôm, cua, cá trê vàng vào ruộng lúa, bắt lên toàn con to béo, nhiều người kéo đến xem

Thiên Ngân Thứ ba, ngày 17/05/2022 06:00 AM (GMT+7)
Kiên Giang hiện là tỉnh có diện tích canh tác tôm-lúa lớn nhất vùng ĐBSCL. Sau nhiều năm triển khai, thực tế cho thấy canh tác tôm - lúa là mô hình rất thích hợp với vùng đất nhiễm mặn theo mùa, ổn định hơn về mặt kinh tế và sinh thái so với mô hình chuyên lúa.
Bình luận 0

Tỉnh có diện tích canh tác tôm lúa lớn nhất vùng ĐBSCL

Sáng 16/5, tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề "Giải pháp xử lý môi trường sản xuất tôm lúa vùng ĐBSCL".

Kiên Giang: Thả tôm, cua, cá trê vàng vào ruộng lúa, bắt lên toàn con to béo, nhiều người kéo đến xem - Ảnh 1.

Đại diện ngành nông nghiệp cùng đông đảo bà con nông dân thăm mô hình tôm cá lúa của HTX An Minh. Ảnh: ĐT

Đi thăm mô hình của HTX tôm cua lúa Thạnh An, huyện An Minh (Kiên Giang), đại diện HTX  cho biết, năm 2016 khi mới thành lập, hợp tác xã chỉ có 13 thành viên, diện tích chưa đến 20 ha. Lúc ấy, bà con nông dân vẫn canh tác theo tập quán truyền thống. Vụ lúa gieo sạ không đồng loạt, vụ tôm cũng mỗi người một khung lịch, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tràn lan, dẫn đến năng suất thấp, đời sống bấp bênh.

Thế nhưng từ vụ mùa năm 2017 trở đi, nhờ mạnh dạn hưởng ứng chủ trương của Phòng nông nghiệp, HTX tôm cua lúa Thạnh An trở thành hợp tác xã tiên phong kí kết sản xuất lúa hữu cơ với doanh nghiệp. Đời sống của thành viên trong hợp tác xã từ đó thay đổi rõ rệt. Số thành viên HTX cũng tăng lên 61.

Đơn cử vụ mùa năm nay, lúa hữu cơ của HTX Thạnh An đạt năng suất bình quân hơn 6 tấn/ha, công ty kí kết bao tiêu từ đầu vụ với giá 6.800 đồng/kg.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, phương thức canh tác -lúa đã hình thành từ những năm 2000, tập trung tại các huyện ven biển gồm An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Hòn Đất, U Minh Thượng, Gò Quao và khu vực Tứ giác Long Xuyên, bao gồm Hòn Đất, Kiên Lương.

Kiên Giang: Thả tôm, cua, cá trê vàng vào ruộng lúa, bắt lên toàn con to béo, nhiều người kéo đến xem - Ảnh 2.

Biển thông tin về mô hình cho thấy năng suất tôm sú đạt 400-500kg/vụ; lúa đạt 5-6,5 tấn/ha. Ảnh: Đ.T

Phương thức canh tác tôm lúa tại Kiên Giang đang chiếm ưu thế bởi mô hình canh tác 1 vụ tôm sú - 1 lúa truyền thống, thả giống tôm nhiều đợt (2-3 lần/vụ tôm). Từ năm 2012, tôm thẻ chân trắng được một số hộ đưa vào nuôi dưới hình thức 2 vụ tôm thẻ - 1 vụ lúa hoặc 1 vụ tôm sú, 1 vụ tôm thẻ và 1 vụ lúa.

Từ năm 2014, con tôm càng xanh được đưa vào nuôi xen canh trong vụ lúa, góp phần nâng cao đáng kể hiệu quả của mô hình. Ngoài ra, cua biển cũng được nuôi xen canh với tôm sú, tôm thẻ trong vụ nuôi tôm, với mật độ 0,10-0,12 con/m2.

Năng suất tôm sú nuôi bình quân 450 kg/ha/vụ, và 4,0-5,0 tấn/ha/vụ đối với lúa.

Trong giai đoạn 2010 - 2020, diện tích tôm - lúa của tỉnh Kiên Giang tăng bình quân 6,67%/năm, bình quân lợi nhuận hơn 110 triệu/ha/năm. Trên cơ sở các mô hình sản xuất tôm - lúa hiệu quả, tỉnh tiếp tục phát triển mô hình tôm - lúa sạch với các giống lúa thơm như ST 24, ST5… chiếm hơn 80% diện tích canh tác tôm - lúa.

Kiên Giang: Thả tôm, cua, cá trê vàng vào ruộng lúa, bắt lên toàn con to béo, nhiều người kéo đến xem - Ảnh 3.

Nuôi tôm trong ruộng lúa, bắt lên toàn con to, chắc thịt. Ảnh: Đ.T

Với hệ thống tôm lúa phát triển mạnh mẽ ở Kiên Giang, hiện tại có thể gọi đây là "hệ thống canh tác tôm-lúa", vì nông dân đã thả thêm nhiều đối tượng thủy sản khác để nuôi kết hợp ở những vùng không canh tác được vụ lúa.

Trong thời gian tới, theo chủ trương ngành nông nghiệp, tỉnh tiếp tục chuyển đối diện tích trong lúa kém hiệu quá sang mô hình lúa - tôm; nuôi tôm càng xanh xen tôm sú và tôm-cua kết hợp, nhất là tăng thêm diện tích, năng suất, sản lượng tôm, cua trong mô hình kết hợp,...

Đặc biệt đẩy mạnh phát triển mô hình tôm - lúa ở khu vực phía Nam QL80 từ Rạch Giá, Hòn Đất, đến Ba Hòn - Kiên Lương. Thực hiện chủ trương của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang, Trung tâm Khuyến nông hằng năm triển khai từ 500-1000 ha theo mô hình lúa - tôm, để hướng dẫn nông dân áp dụng đúng quy trình canh tác, tuyên truyền và nhân rộng.

Kiên Giang: Thả tôm, cua, cá trê vàng vào ruộng lúa, bắt lên toàn con to béo, nhiều người kéo đến xem - Ảnh 4.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng: "Để mô hình tôm – lúa tiếp tục được phát triển hiêu quả và bền vững, vấn đề môi trường, xử lý môi trường phải đảm bảo cho môi trường sinh thái của cả vùng".

Kiên Giang: Thả tôm, cua, cá trê vàng vào ruộng lúa, bắt lên toàn con to béo, nhiều người kéo đến xem - Ảnh 5.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Đ.T

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam nhận định, mặc dù mô hình tôm – lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng vẫn còn nhiều bất cập khó khăn về tổ chức sản xuất, kỹ thuật…

Để tiếp tục tìm giải pháp khẳng định giá trị của mô hình này, tạo điều kiện để mô hình phát triển bền vững, các đại biểu tham dự diễn đàn tập trung thảo luận 3 vấn đề chính là giống tôm, giống lúa thích ứng cao cho vùng tôm – lúa. 

Hai là tổ chức lại sản xuất, không thể sản xuất theo từng hộ nhỏ lẻ mà tổ chức sản xuất theo mô hình HTX. Ba là vấn đề môi trường nước cho tôm nuôi trong vùng tôm lúa này như thế nào để tránh dịch bệnh. Đây là vấn đề nan giải nhiều năm nay mà chưa có giải pháp hữu hiệu.

"Sau diễn đàn này, các đơn vị của Bộ có được những ý kiến tham luận để có những giải pháp để tham mưu cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo trong thời gian tới sẵn sàng về cơ chế chính sách, về kỹ thuật triển khai mô hình. Hai là các địa phương qua hội thảo này có thêm kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, kể cả quy hoạch vùng nuôi, đảm bảo nguồn nước cung, nước tiêu tránh dịch bệnh..." - Thứ trưởng nói thêm. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem