Khuyến nông Việt Nam thích ứng nhanh với hội nhập, nhiều đổi mới đột phá

Minh Huệ Thứ bảy, ngày 06/02/2021 06:00 AM (GMT+7)
“Việc tổ chức lại, nâng cao năng lực của hệ thống khuyến nông là điều cần phải làm để thích ứng với tình hình mới. Xác định điều đó nên chúng tôi đã tăng cường các hoạt động xã hội hóa, đẩy mạnh đối tác công - tư nhằm thu hút đa dạng nguồn lực, chứ không chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước”.
Bình luận 0

Ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (TTKN) quốc gia cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo NTNN.

2020 là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị định 83/2018 về khuyến nông, ông có thể cho biết công tác quản lý và triển khai hoạt động theo Nghị định mới có vướng mắc gì không?

- Hiện việc triển khai các hoạt động khuyến nông theo Nghị định 83 vẫn còn một số điểm chưa được thống nhất giữa các đơn vị. 

Trong khi đó, thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, một số tỉnh đã triển khai rà soát, sắp xếp tổ chức ngành nông nghiệp, trong đó có hệ thống khuyến nông. Điều này gây ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai hoạt động khuyến nông từ Trung ương đến cơ sở.

(xuan) Khuyến nông nhiều đổi mới đột phá - Ảnh 1.

Ông Lê Quốc Thanh (trái) thăm mô hình trồng cam ở xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Ảnh: M.H

"Khuyến nông hiện đã bắt nhịp được với sản xuất, nhưng tính tiên phong, định hướng, chiến lược vẫn cần một cuộc đổi mới nữa để không bị tụt hậu".

Ông Lê Quốc Thanh

Theo đó, đã có 14/63 tỉnh sắp xếp theo hướng hợp nhất, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp ngành nông nghiệp, dẫn tới sự thay đổi về tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của TTKN cấp tỉnh. 

Có 2 tỉnh là Lai Châu và Bình Dương đã giải thể TTKN tỉnh, chuyển giao nhiệm vụ khuyến nông cho các chi cục thực hiện.

Ở cấp huyện, đã có 35/63 tỉnh, thành phố hợp nhất Trạm Khuyến nông, Trạm BVTV, Trạm Thú y để thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND huyện. Còn cấp cơ sở, có 38 tỉnh, thành phố còn duy trì cán bộ khuyến nông cấp xã với số lượng khoảng 6.500 người; 10 tỉnh duy trì mạng lưới cộng tác viên khuyến nông thôn bản, tổng số hơn 16.000 người.

Thêm vào đó, năm 2020, toàn ngành nông nghiệp cũng như lĩnh vực khuyến nông phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh đã khiến nhiều dự án, nhiệm vụ phải tạm hoãn, lùi thời gian thực hiện.

Hệ thống khuyến nông đã đạt được những kết quả nổi bật nào trong một năm đầy khó khăn vừa qua?

- Chúng tôi đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy, tìm các giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo các dự án, mô hình đem lại lợi ích cho bà con nông dân.

Trong đó, phải kể đến các dự án phục vụ phát triển các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như xây dựng mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ hạt giống lúa xác nhận 1 tại ĐBSCL; thâm canh chè an toàn và liên kết chuỗi chế biến, tiêu thụ; trồng mới, thâm canh vùng nguyên liệu chanh leo và dứa; sản xuất chè xanh an toàn theo VietGAP; xây dựng và phát triển mô hình sản xuất điều bền vững; xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ trên cát tại một số tỉnh ven biển miền Trung...

(xuan) Khuyến nông nhiều đổi mới đột phá - Ảnh 3.

Ông Lê Quốc Thanh -  Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (ngoài cùng bên trái ảnh) cùng đoàn công tác thăm vùng trồng cam tại Hà Tĩnh. Ảnh: T. L

Chúng tôi cũng triển khai nhiều dự án phục vụ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới như: Dự án sản xuất lúa Japonica và liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh miền núi phía Bắc; sản xuất hạt giống lúa lai F1; phát triển mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy trong sản xuất lúa; xây dựng mô hình nuôi biển cá giò tại Khánh Hòa; dự án chăn nuôi gà theo VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm...

Các mô hình, dự án ngày càng gắn chặt với nhu cầu thị trường, có liên kết với các doanh nghiệp, HTX nên đầu ra thuận lợi, giúp bà con tăng thu nhập và có động lực duy trì, nhân rộng mô hình.

Ông vừa nói khuyến nông cần đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực từ các đối tác công – tư, vậy làm thế nào để doanh nghiệp tham gia vào các dự án khuyến nông?

- Để làm được điều đó, các dự án mô hình khuyến nông phải nâng cao chất lượng nội dung, mô hình phải mang tính ứng dụng cao, thoả mãn được thị trường. 

Muốn thế phải thu hút nhiều thành viên tham gia liên kết chuỗi, trong đó vai trò của doanh nghiệp phải được đặt lên số 1.

Chủ trương chung là như vậy và khuyến nông đang bắt nhịp với thực tiễn sản xuất. Tuy nhiên trong giai đoạn tới, TTKN quốc gia và các địa phương phải thể hiện tính chuyên nghiệp, bài bản hơn, thực hiện liên kết chuỗi để đi đến đích là thị trường.

(xuan) Khuyến nông nhiều đổi mới đột phá - Ảnh 4.

Lãnh đạo TTKN quốc gia cùng cán bộ ngành nông nghiệp thăm mô hình sản xuất lúa thuần tại xã Yên Phương, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc). Ảnh: M.H

Cuối cùng, phải thuyết phục được các doanh nghiệp đồng hành, bỏ nguồn lực vào các dự án, mô hình khuyến nông và chứng minh cho doanh nghiệp thấy họ có lợi ích trong mối liên kết đó.

Thực tế năm vừa qua, chúng tôi đã xây dựng và ban hành khung hợp tác PPP, được khối công và khối tư nhân ủng hộ, theo đó TTKN quốc gia đã ký nhiều thỏa thuận MOU song phương và đa phương với các tổ chức, doanh nghiệp như Tập đoàn Quế Lâm, Syngenta, Bayer… và một số tổ chức quốc tế.

Trong cuộc làm việc mới đây với Báo NTNN, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị công tác tuyên truyền của báo cần tăng cường hợp tác với hệ thống khuyến nông. Vậy thời gian tới công tác này sẽ được thực hiện ra sao?

- Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, trong đó có phối hợp truyền thông với các cơ quan báo chí theo chỉ đạo của Bộ NNPTNT. 

Trước đây chỉ là thông tin tuyên truyền mang tính giới thiệu, nhưng chúng tôi muốn tới đây mọi thứ phải được nâng lên tầm mới. Các hoạt động tuyên truyền phải nhiều chiều, mang tính định hướng và tăng tính đối thoại - phản biện, giúp bà con hiểu sâu sắc hơn về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem