Khai giảng ở TP.HCM: Xúc động câu chuyện ngày này... 1 năm trước

Mỹ Quỳnh Thứ hai, ngày 05/09/2022 13:00 PM (GMT+7)
"Sân trường đông đúc hôm nay, một năm trước tôi và một số ít thầy cô được phép tới trường đã đứng lặng giữa sân trường vắng hoe để nghe tiếng lá xào xạc, trên đường chỉ thấy hoa cúc... Nhắc lại câu chuyện buồn không phải để bi lụy mà để chúng ta hiểu rằng mình đã vượt qua, đã khỏe khoắn và kiên cường"...
Bình luận 0

Vượt qua khó khăn để có lễ khai giảng trọn vẹn

Sáng 5/9, hòa chung với không khí của cả nước, hơn 1,6 triệu học sinh từ bậc mầm non đến THPT tại TP.HCM cũng đến trường dự lễ khai giảng và bước vào năm học mới 2022 - 2023.

Theo ghi nhận, các cơ sở giáo dục đều có buổi lễ khai giảng thành công với những nét riêng. Dù vậy, thực hiện chỉ đạo của Sở GDĐT TP.HCM, lễ khai giảng đều tổ chức nhanh gọn, vui tươi và ý nghĩa.

Câu chuyện ý nghĩa trong lễ khai giảng: Sự tái sinh đau đớn của Đại bàng - Ảnh 1.

Học sinh dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10). Ảnh: MQ

Tại Trường THPT Trưng Vương (quận 1), buổi lễ khai giảng sáng nay càng thêm ý nghĩa khi cô Trương Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng nhà trường xúc động nhắc lại khoảng thời gian của một năm trước.

Theo cô Thủy, thật khó tưởng tượng khi nhắc lại ngày này của một năm trước khi mà thầy trò không có một lễ khai giảng trọn vẹn. Bởi thời điểm đó là giai đoạn căng thẳng của đại dịch Covid-19 tại TP.HCM.

"Sân trường đông đúc hôm nay, một năm trước tôi và một số ít thầy cô được phép tới trường đã đứng lặng giữa sân trường vắng hoe để nghe tiếng lá xào xạc. Một năm trước, khi đi - về từ nhà đến trường - từ trường về nhà theo quy định "một cung đường hai điểm đến", tôi chỉ nhìn thấy hoa cúc trắng và hoa cúc vàng hiếm hoi ở một vài nơi bên đường. Đó là loại hoa dành cho tang lễ, cúng tế", cô Thủy xúc động nói.

Câu chuyện ý nghĩa trong lễ khai giảng: Sự tái sinh đau đớn của Đại bàng - Ảnh 2.

Cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương tại lễ khai giảng. Ảnh: MQ

Dù vậy, theo cô Thủy, nhắc lại câu chuyện buồn của một năm trước không phải để bi lụy mà để hiểu rằng, chúng ta đã vượt qua và thành phố của chúng ta đã khỏe khoắn, kiên cường.

Qua đây, lãnh đạo Trường THPT Trưng Vương cũng gửi lời tri ân đến những người đã cống hiến, hi sinh trong giai đoạn khó khăn của thành phố; bày tỏ lời cám ơn đến lãnh đạo thành phố và các tổ chức, ban ngành đã chèo chống, đưa thành phố vượt qua đại dịch, giữ gìn sự bình yên, tiếp tục phục hồi và phát triển.

Câu chuyện tái sinh của loài đại bàng

Phát biểu trước gần 2.000 học sinh, cô Bích Thủy chia sẻ, khi gõ những dòng chữ trong bài diễn văn khai giảng của mình cô bất chợt nghĩ đến câu chuyện tái sinh của loài chim đại bàng.

"Đại bàng là loài chim có tuổi thọ rất cao, có thể sống đến 70 năm. Nhưng để sống đến 70 năm, đại bàng phải vượt qua một giai đoạn khó khăn, đau đớn, có thể mất mạng.

Ở năm thứ 40, móng vuốt đại bàng dài ra và không còn linh hoạt để quắp mồi. Mỏ đại bàng cũng dài ra và không còn sắc bén. Bộ lông đại bàng mọc rậm, đôi cánh nặng nề, mất dần khả năng chống thấm nước khiến đại bàng chậm chạp trong bay lượn, săn mồi. Lúc này, đại bàng hoặc chấp nhận hoàn cảnh yếu đuối và cái chết; hoặc phải làm một cuộc tự biến đổi, quá trình biến đổi đầy đau đớn để trở nên dũng mãnh.

Và đại bàng đã tự bay lên đỉnh núi cao, bắt đầu hành trình tự thay đổi đầy "đau đớn". Đại bàng tự đập mỏ mình vào đá cho đến khi chiếc mỏ cũ rơi ra. Đợi đến khi mỏ mới mọc ra đại bàng dùng mỏ này để bẻ gãy các móng vuốt đã mòn; dùng mỏ tự nhổ từng chiếc lông trên cơ thể, mỗi chiếc lông được nhổ ra là đau đớn, là máu. Đại bàng tự dưỡng thương, đợi lông mới mọc ra. Nếu vượt qua được 5 tháng đau đớn này, đại bàng sẽ tái sinh, có thể bay lượn với bộ cánh mới, với bộ móng vuốt và chiếc mỏ sắc bén. Lúc này, đại bàng đã tái sinh và sống thêm khoảng 30 năm nữa".

Qua câu chuyện này, cô Thủy nhắn nhủ: Mỗi chúng ta, không cần phải đớn đau để dũng mãnh như đại bàng, không nhất thiết phải đối diện với sự hủy diệt để tái sinh và hoàn thiện. Mỗi chúng ta, mỗi ngày mới, mỗi khởi đầu mới, mỗi chặng đường mới đều hiểu rằng ta đã khác ngày hôm qua và sẽ có những thôi thúc để làm những điều có ý nghĩa hơn, có giá trị hơn.

Ngoài ra, cô Thủy trao gửi niềm tin và hy vọng đến tất cả các thành viên trong Hội đồng sư phạm Trưng Vương, mong rằng tập thể này sẽ cùng bước đi, đồng hành cùng các em học sinh và hoàn thành nhiệm vụ người thầy trong giai đoạn mới.

Câu chuyện ý nghĩa trong lễ khai giảng: Sự tái sinh đau đớn của Đại bàng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đánh trống khai giảng năm học mới. Ảnh: A.X

Sáng nay, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP.HCM và lãnh đạo Sở GDĐT TP.HCM cũng đến Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) để dự lễ khai giảng năm học mới. Phát biểu tại lễ khai giảng, thầy Lưu Nguyễn Bỉnh Khoa – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau một năm học trôi qua với rất nhiều khó khăn, thầy và trò Trường THPT Lê Quý Đôn đã cùng nhau dùng sự tâm huyết, trí tuệ để vượt qua những khó khăn này.

Tại Trường TH - THCS - THPT Tân Phú, quận Tân Phú, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức dự lễ khai giảng và đánh trống chào mừng năm học mới. Năm nay, niềm vui của thầy và trò Trường TH - THCS - THPT Tân Phú như được nhân lên khi khai giảng năm học mới đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm thành lập trường và vinh dự đón nhận Cờ thi đua Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem