Kể chuyện làng: Nhớ bờ vai chai sạn của Thế!

Nguyễn Khôi Thứ bảy, ngày 14/08/2021 06:35 AM (GMT+7)
Gần 30 năm nay không gặp Thế nhưng những hình ảnh về nó vẫn luôn chập chờn trong giấc ngủ của tôi...
Bình luận 0

Tối qua, tôi lại mơ thấy Thế - đứa bạn thân thiết ở cùng làng, học cùng lớp và cùng lớn lên bên dòng sông Lam với tôi. Lạ vậy...

 Kể chuyện làng: Nhớ Thế! - Ảnh 1.

Sông Lam.

Tôi và bạn ở cùng làng, ở 2 xóm khác nhau. Tôi ở xóm quan, Thế ở gần xóm chợ. Nhà 2 đứa chỉ cách nhau có vài trăm bước chân nên chúng tôi gặp nhau thường xuyên. Cứ rảnh việc nhà tôi lại chạy qua chơi với nó, hoặc không nó cũng tạt đến nhà tôi. Chúng tôi chơi với nhau từ bé, cùng với Tuấn, Sáng, Thúy, Hào, Lâm... Trong nhóm, có lẽ tôi chơi nhiều nhất là với Thế. Nó và tôi có nhiều điểm tương đồng. 

Cha mẹ Thế và cha mẹ tôi cùng là viên chức nhà nước. Hồi đó đất nước mới bỏ cơ chế bao cấp, những viên chức như cha mẹ Thế và cha mẹ tôi rất khó khăn. Lương không đủ sống nên cả 2 nhà phải làm đủ nghề để kiếm sống. Thế là con thứ trong gia đình, nó thương cha mẹ và đỡ đần gia đình lắm. Làm được gì để kiếm thêm thu nhập để phụ gia đình là làm, từ vớt củi ngoài sông, đến bán kem, đội cát thuê, bốc vác... Nó làm tuốt, việc nào cũng thành thạo. Cả làng, cả xóm ai cũng thương Thế. 

Tôi hay theo Thế đi kiếm củi ở sông Lam. Hồi đó, sông Lam đoạn chảy qua làng tôi rất sôi động. Mỗi ngày có hàng chục, có khi hàng trăm bè gỗ, nứa, luồng từ mạn ngược rẽ sóng đổ về, rồi lưu trú ở bến. Cảnh mua bán, trao đổi, rồi tiếng  gỗ, nứa va vào nhau nhiều khi náo động cả một khúc sông. Thế nên ở quê tôi mới có câu ca: "Sa Nam trên chợ dưới bè (thuyền)/ Bánh đúc ba dãy thịt bò mê thiên".

Cứ tan buổi học, chỉ kịp vứt cặp sách vào bàn, Thế đã lao vội ra bến sông để bốc vác và dỡ những mảng bè đầy gỗ lim, táu, vàng tâm, nứa, luồng... lên bờ. Để đưa những cây gỗ to hoặc cả một bó nứa lớn, Thế phải hì hục lặn dưới nước rồi kê gỗ, nứa vào vai để khuân vác. Vất vả và nặng nhọc lắm. Nó có bốn mấy ký chứ mấy. Những lần như thế, tôi lại thấy Thế y chang con kiến nhỏ mang cả khối hàng to gấp đôi mình lặc lè di chuyển. Vác nhiều gỗ, nứa như thế nên cái vai của Thế không biết bao lần thay da non, rồi chai sạn lúc nào chẳng biết. Thỉnh thoảng đùa nghịch, tôi vẫn sờ vào vai và trêu nó. Còn mấy cái áo Thế mặc, cái nào cũng rách bươm ở vai.

Mùa hè ngâm mình dưới nước để dỡ bè rồi phơi mình giữa nắng nên da Thế đen như cột nhà cháy. Mùa đông đỡ hơn nhưng mỗi lần dầm mình trong làn nước lạnh giá để dỡ bè cũng cực nhọc vô cùng... 

Bốc dỡ mỗi mảng bè như vậy, Thế được trả công vài chục đồng bạc lẻ cộng thêm được lấy thêm củi mà chủ bè trả cho. Bao nhiều tiền nó đều đưa cha mẹ đong gạo, mua thức ăn. Ngoài có đồng ra đồng vào, nhà Thế còn chất đầy củi, gỗ, thoải mái sử dụng. Lên 9, rồi lớp 10, mỗi lần lớp tổ chức cắm trại phải dùng gỗ, nứa hay làm tường rào trồng cây, Thế một tay cung cấp vật liệu hết...

 Kể chuyện làng: Nhớ Thế! - Ảnh 2.

Hình ảnh Sông Lam và những kỷ niệm về Thế in đậm trong tâm trí của tác giả. (Ảnh: NVCC)

Tôi cũng bắt chước Thế đi dỡ bè, rồi mang củi về nhà. Nhiều năm liền cha mẹ tôi không phải mua chất đốt. Tôi và nó cứ làm như vậy đến năm học lớp 11 thì thôi. Thời điểm đó, kiểm lâm bắt đầu nghiêm cấm việc chặt gỗ, nứa ở rừng, nên các mảng bè không về sông quê tôi nữa. Bến sông sau đó cũng buồn hẳn...

Nhưng hết bốc vác gỗ, nứa, Thế lại chuyển sang đội cát, xúc cát thuê. Không như gỗ, thời đó nhà nước cũng chưa cấm khai thác cát nên hàng trăm con thuyền vẫn thường xuyên ngụp lặn moi cát ở lòng sông Lam, rồi chuyển lên bờ bán cho người dân xây nhà. Công việc này đòi hỏi nhân công, vậy là Thế lại đội trên mình cái thúng cát to tổ chảng, rồi ì ạch vận chuyển lên bờ... Nói chung, với Thế chẳng bao giờ ngơi việc, cái gì cũng làm miễn có thêm thu nhập. Nó còn từng đi bán kem nữa.

Những hôm rỗi việc, tôi và Thế hay tụ tập cùng lũ bạn cùng làng xóm để đá bóng. Nó đá tiền đạo rất hay, mỗi lần ra sân đều ghi bàn. Hôm đó, không hiểu sao tôi lại lấy con xe đạp Thống Nhất của mẹ tôi để đi đá bóng. Kết thúc trận đá bóng tôi ù chạy về nhà, quên béng luôn cái xe đạp. Đến khi nhớ lại, tôi hoảng hồn chạy ra sân bóng thì chiếc xe đã không còn ở đó. Tôi gọi Thế cùng đi tìm, 2 đứa dò hỏi khắp nơi nhưng nào ai biết. Chiếc xe là tài sản lớn nhất của gia đình tôi hồi đó nên tôi tiếc ngẩn ngơ, rồi trong suy nghĩ của một đứa trẻ sợ cha mẹ đánh đòn, tôi trốn về nhà Thế ngủ. 

Sáng mai, khi mặt trời chưa ló dạng, Thế rủ tôi cùng nó đi bán kem, với hy vọng kiếm được chút ít bù đắp cho gia đình. Ừ thì đi. Thế lấy xe đạp chở tôi ngồi phía trước, còn cả thùng kem xốp xếp 40-50 que ở phía sau. Tôi và nó lang thang đến mấy xã ven sông để bán. Mãi 3 giờ chiều vẫn chưa hết hàng. Mở nắp thùng xốp ra, vẫn còn 6-7 que kem dính đầy báo vụn, có 2-3 cái chỉ còn một nửa vì đã tan chảy. Thế lẳng lặng lấy trong túi ra 2 cái bánh mì rồi kẹp kem chảy nước vào đó, chia mỗi đứa một cái ăn trưa. Tôi trệu trạo nhai và quay mặt đi để dấu hàng nước mắt...

 Kể chuyện làng: Nhớ Thế! - Ảnh 3.

Bạn bè nối khố của Thế trong một lần họp lớp bên dòng sông Lam. 

Tối mịt hôm sau, Thế và tôi về nhà. Cha mẹ tôi không hề mắng chuyện mất cái xe đạp quý giá, mà mắng tôi chuyện bỏ nhà đi không nói điều gì, làm cả nhà đêm đó mất ngủ. Tôi và nó chỉ biết lí nhí xin lỗi.

Trong đám bạn, tôi thấy Thế là đàn ông nhất. Nó hay để mái tóc húi cua, khuôn mặt trông ngầu ngầu, luôn là chỗ dựa của bạn bè. Có lần chúng tôi đi học cùng nhau, có ông anh lớp trên đầu bò đầu biếu chạy ra gây sự, rồi đánh đứa bạn trong nhóm. Thế chẳng nói chẳng rằng, xông vào chống trả, mấy đứa kia thấy vậy cũng xông lên. Ông anh kia bị cả lũ chúng tôi tấn công rơi xuống cả mương nước, sợ sệt xin giảng hòa. Từ đó về sau, không ai còn dám bắt nạt chúng tôi.

Nhiều chuyện về Thế lắm mà tôi không sao kể hết. Cuốn tiểu thuyết "Quân khu Nam Đồng" làm mưa làm gió của tác giả Bình Ca ngân vang những nốt thăng trầm về tuổi thơ và tuổi trẻ, về tình bạn và tình yêu. Câu chuyện của Thế và lũ bạn ở quê tôi cũng chẳng khác gì đâu?  

Ngày tôi nhận được tin Thế mất vì một tai nạn giao thông, tôi đang ở trong quân ngũ. Tôi sững sờ và không tin đó là sự thật. Tôi xin phép thủ trưởng đêm đó không sinh hoạt đại đội, rồi chạy dạt ra một góc sân tối của đơn vị và khóc. Tôi chắp tay về phía quê hương bái biệt Thế. Chưa bao giờ tôi thương nó như lúc này. Tôi không nghĩ Thế của chúng tôi lại đoản mệnh vậy. Lá thư tôi nhận được của Thế gửi gần đây nhất, nó khoe đang có dự định xuất ngoại sang một miền đất mới để sinh sống, làm việc, để thoát đi cái cảnh khó khăn và tù túng ở quê. Bao điều tốt đẹp đang chờ đón đứa bạn của tôi, vậy mà...   

Đêm qua, tự dưng tôi lại mơ thấy Thế - đứa bạn thân yêu sinh ra ở làng, chứng nhân của một thời trẻ trâu khốn khó.

Trong giấc mơ, tôi thấy nó vẫn nheo nheo mắt cười với lũ bạn chúng tôi. Chỉ là tôi không sờ được vào cái vai chai sạn của nó.

Gần 30 năm nay đã không được gặp mày rồi, Thế ơi!...

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem