Kể chuyện làng: Nhái đồng, món ăn dân dã nơi quê nhà

Trịnh Trúc Quỳnh Thứ tư, ngày 05/04/2023 06:30 AM (GMT+7)
Vào những ngày mà đồng ruộng miền Tây Nam bộ đang khô hạn, bỗng sũng nước dưới những cơn mưa đầu mùa cũng là thời điểm khiến tôi nhớ quê da diết. Khi còn nhỏ xíu, vào những dịp này, bọn trẻ con nhà quê chúng tôi lại hào hứng gọi nhau đi soi nhái.
Bình luận 0
Kể chuyện làng: Nhái đồng, món ăn dân dã nơi quê nhà - Ảnh 1.

Nhái đêm. Ảnh: Tác giả cung cấp

Quê tôi ở vùng miệt vườn Nam bộ. Thời còn khó khăn, người sống ở quê không nhiều, nhà ở quê cách nhau có khi cả cây số nhưng tình cảm làng xóm vẫn luôn khăng khít, bền chặt. Đó cũng là lí do mà dẫu là con một nhưng tôi không hề cảm thấy cô đơn. Đó cũng là vì sự thân thiết gắn kết giữa những đứa trẻ trong làng. Những ngày tuổi thơ êm đềm ấy, cứ sau giờ học, chúng tôi lại hào hứng rủ nhau đi bắt cá, tôm, tép… đem về cho má cảo thiện bữa ăn. Có những hôm, khi người lớn trên đồng xả nước sạ lúa, chúng tôi lại bí mật hẹn nhau vào buổi tối, để xin ba mẹ đi soi nhái.

Đến tận bây giờ khi đã trở thành một người trưởng thành, tôi vẫn chẳng thể quên được cảm giác nôn nao mỗi lúc trời sẩm tối để chờ đợi chuyến soi nhái đêm. Nhà tôi khi ấy nằm cạnh mé sông, nhìn ra phía sau là bạt ngàn đồng ruộng, cứ đến tối là tiếng ếch nhái kêu vang cả một góc. Bản tính trẻ con nghịch ngợm nên chỉ cần nhìn thấy những ánh đèn nhấp nháy sau hè, nghe tiếng gọi của mấy đứa bạn trong nhóm là tôi biết thời điểm đi soi nhái đã đến.

Theo người lớn ở quê tôi kể lại thì vào thời điểm cả làng vào vụ lúa mùa, nhái thường xuất hiện vào tháng mưa và những tháng nước ngập tràn đồng, nhái sẽ tìm vào khoảng đất vườn hoặc những lối cỏ mọc ven đường.

Kể chuyện làng: Nhái đồng, món ăn dân dã nơi quê nhà - Ảnh 2.

Bắt nhái. Ảnh: Tác giả cung cấp

Đến thời điểm người lớn bắt tay vào làm vụ lúa sau này, khi bơm nước lên sạ lúa hè thu, nhái trong đất cày bị ngập nước sẽ trở nên yếu ớt. Đây cũng là thời điểm dễ bắt nhái nhất. Người giàu kinh nghiệm về nhái thường sẽ ưu tiên bắt nhái cơm, nhái bầu về ăn, còn nhái chàng, nhái bén hay nhái hương thì chủ yếu bắt để dành đi câu, một phần có lẽ vì nhái là món khoái khẩu cho bọn cá lóc, cá trê.

Nhái gặp ánh đèn pha từ nhanh nhẹn phút chốc sẽ trở nên chậm chạp nên chúng tôi dễ dàng bắt bằng tay. Nếu chú tâm lắng nghe thì ta sẽ thấy tiếng kêu của nhái giống dế, kêu một lúc rồi nghỉ để rồi phút chốc lại vang lên. Trên cánh đồng quê khi xưa vào mỗi buổi tối, tiếng nhái hòa với tiếng kêu của các loại côn trùng, tạo thành một âm thanh đồng quê đặc biệt. Đó cũng là thời điểm tôi xắn quần, cầm giỏ và đèn pin, bắt đầu cho chuyến đi săn kỳ thú.

Kể chuyện làng: Nhái đồng, món ăn dân dã nơi quê nhà - Ảnh 3.

Nhái. Ảnh: Tác giả cung cấp

Đã có giao ước từ trước, bọn trẻ con chúng tôi mỗi khi đi soi ếch cứ bám lấy nhau không rời. Chúng tôi cứ thế vừa lia đèn soi nhái lại vừa hồi hộp chờ đợi. Ánh đèn pin lia loang loáng, khi nào gặp những chấm đỏ thì dừng lại, đó là mắt nhái. Nhái tập trung từng bầy, khi gặp ánh sáng, chúng đứng ngẩn ra nhìn khiến việc săn nhái rất dễ dàng.

Tuy nhiên, công việc không hẳn lúc nào cũng thuận lợi. Có những đêm tối trời, chúng tôi phải mò mẫm đi trên bờ ruộng mấp mô, có khi bị sụp đất, bước tập tễnh chân thấp chân cao, nhưng vẫn cố gắng kiên trì bước đi. Dù vất vả là thế nhưng kết quả thu được là một giỏ đựng nhái đã nặng trịch, ước chừng cho cả nhà ăn khiến bọn trẻ cười tươi hân hoan.

Kể chuyện làng: Nhái đồng, món ăn dân dã nơi quê nhà - Ảnh 4.

Nhái quê. Ảnh: Tác giả cung cấp

Món phổ biến nhất để chế biến cùng với thịt nhái chính là chùm ruột. Vào đầu mùa mưa, khi những gốc chùm ruột già cỗi thích mọc ở những vùng đất phèn chua, dạ xù xì, bỗng trở nên giàu sức sống. Chúng nảy mầm, đâm lún phún những chồi non màu xanh tím tràn nhựa sống. Mỗi khi đến mùa chùm ruột, mẹ tôi thường sai tôi ra vườn hái ít chùm ruột đem nấu canh cùng với thịt nhái, nêm ít tiêu sọ và ớt hiểm giã.

Với những bà nội trợ ưa nấu nướng theo kiểu gia truyền như mẹ tôi, bụi sả cạnh chuồng gà cũng là một nguyên liệu phù hợp cho món thịt nhái. Cũng như ếch, thịt nhái vốn rất giàu đạm nhưng trội tính âm hàn. Bên cạnh đó, tinh dầu sả sẽ át mùi tanh, phụ trợ tính dương, giúp món ngon thêm lành tính, phù hợp sức khỏe của người thưởng thức.

Tương tự, món nhái chiên nước mắm ăn kèm với củ sả, chuối chát, rau răm, củ gừng xắt chỉ... cũng là món "gây thương nhớ" với nhiều đứa trẻ miền quê. Chú tôi, một người đã từng chu du khắp nơi đã có sự so sánh khi cho rằng, cùng dòng "vũ nữ thân gầy" nhưng thịt nhái ta có phần đầy đặn hơn khô nhái Campuchia, nên vị ngọt lẫn mùi thơm cũng đậm đà hơn. Mặc dù, chân chúng không thon dài, thanh mảnh bằng nhái xứ Chùa Tháp nhưng độ ngon thì có phần hơn hẳn. Vòng vo giải thích một hồi, chú tôi khẽ khàng mỉm cười đề nghị mẹ tôi chế biến món nhái om lá lốt, để dành tỉ tê trên bàn nhậu với ba tôi. Cả mẹ và chúng tôi dù bất ngờ nhưng đều bật cười công nhận chú nói chí lí. Cũng bởi, với các cha, các bác ở quê tôi, mỗi khi muốn nhấm nháp một thức mồi ngon trong bữa rượu thì món nhái om lá lốt, lá cách hoặc lá nhàu là món ngon hàng đầu.

Kể chuyện làng: Nhái đồng, món ăn dân dã nơi quê nhà - Ảnh 5.

Nhái đồng. Ảnh: Tác giả cung cấp

Nhiều người xem thịt nhái là món "cùng lắm phải ăn", nhưng với tôi, nhái thật sự là món ăn tuyệt vời, khắc ghi nhiều kí ức tuổi thơ. Đặc biệt là thời điểm vào mùa nhái cơm, lũ trẻ quê chúng tôi tha hồ được mẹ làm cho những món ngon như nhái cơm tẩm bột chiên giòn, chả nhái cơm lá tía tô, nhái cơm làm nhân chan mì vừa đậm đà vừa ngọt vị.

Riêng món nhái cơm xào sả ớt cay là món đưa cơm tuyệt vời mà bất kỳ người nội trợ nào cũng có thể dễ dàng làm được. Nhái cơm sau khi làm sạch sẽ được mẹ tôi ướp gia vị gồm muối, hạt nêm, đường, bột ngọt, hành, tiêu, tỏi, ớt, nghệ tươi giã nhỏ chừng 15 phút. Sau đó, mẹ sẽ phi thơm dầu ăn, cho nhái vào đảo đều để thịt nhái săn chắc, chín, dậy hương thơm quyến rũ thì thêm một ít tiêu bột vào rồi tắt bếp. Món này nên thưởng thức khi còn nóng và ăn kèm với bánh tráng nướng mới ngon.

Nhưng tôi vẫn nhớ nhất những đêm thức thật khuya, vừa ngồi nghe mẹ kể chuyện vừa canh lửa, háo hức chờ thưởng thức món cháo nhái cơm nóng hổi mà thơm ngon đến kỳ lạ. Mẹ tôi sẽ ướp thịt nhái với một ít gia vị rồi um thật kỹ với dầu phộng đã được phi thơm với củ nén. Khi nhái chín, dậy hương thơm, mẹ tôi sẽ tỉ mỉ đổ thịt nhái vào nồi cháo có nước dừa mà tôi vừa nấu chín tới.

Chờ nồi cháo sôi thêm năm phút nữa, mẹ sẽ cho các nguyên liệu quyện lẫn hương vị vào nhau rồi nêm lại gia vị cho vừa ăn, thêm một ít tiêu bột, một ít rau mùi cắt nhỏ vào nồi và tắt bếp.

Những chén cháo nóng hổi bày ra mâm, cả nhà sẽ quây quần bên nhau thưởng thức món ngon chốn đồng quê. Thời điểm ấy, cuộc sống còn nhiều khó khăn, món cháo nhái cơm đầu mùa với tôi đã trở thành món ngon hiếm có.

Đã nhiều năm trôi qua nhưng món cháo nhái cơm những đêm khuya ngày còn thơ bé vẫn khiến tôi thòm thèm khó tả. Cái vị ngon, ngọt, béo, thơm đậm chất đồng quê ấy thật không gì sánh nổi. Để rồi mỗi khi nhìn những cơn mưa đầu mùa đến, tôi lại nhớ cồn cào những ngày xa xưa, ngồi canh lửa giúp mẹ nấu nồi cháo nhái cơm thơm ngon, ngọt vị đêm nào.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem