Kể chuyện làng: Hành Thiện, ngôi làng cổ từng được 2 vị vua đặt tên

Quốc Phong Thứ bảy, ngày 04/03/2023 07:17 AM (GMT+7)
Hành Thiện quê hương tôi (nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định) xưa kia có tên là ấp Hộ Xá, thuộc phủ Thiên Trường.
Bình luận 0

Mảnh đất này vốn được xem là vùng có nhiều cung điện của các đời vua nhà Trần nhất. Lý do là để các bậc tiên đế về thăm quê, nghỉ ngơi. Hành Thiện vốn có truyền thống hiếu học từ 500 năm trước. Các cụ học cũng là để làm người, để làm thầy dạy chữ thánh hiền và làm thầy thuốc cứu nhân độ thế là chính chứ không chỉ học để làm quan. Mà đã làm quan thì luôn được gia tộc giáo huấn cặn kẽ rằng một khi đã làm quan thì nhất định phải là quan thanh bạch, “một đời tham lại, vạn đại ăn mày”, tức người làm công bộc phục vụ dân mà lại tham nhũng, nhận hối lộ thì con cháu đời sau của người ấy chỉ sống kiếp ăn mày...

Kể chuyện làng: Hành Thiện, ngôi làng cổ từng được 2 vị vua đặt tên - Ảnh 1.

Bia khắc vinh danh những người thành đạt và GS, PGS, Tiến sĩ... tại đình làng Hành Thiện. Ảnh: Quốc Phong

Truyền thống văn hóa và hiếu học  

Hành Thiện làng tôi ngay từ thời nhà Trần đã có cái tên Hộ Xá. Do có lần nhìn thấy phong cảnh hữu tình mà vua Trần (không rõ vị vua) đã đặt cho cái tên rất lạ là Hành Cung trang. Nó ban đầu ở bên phía huyện Trực Ninh. Năm 1611, do ngôi làng cũ bên sông Ninh Cơ bị sạt lở mà làng tôi lại thêm một lần (lần đầu năm 1588) tìm mua đất hiện nay rồi dựng làng mới với một quy hoạch đặc biệt (tương truyền là nhờ thầy Tả Ao quy hoạch giúp). Nó hệt như hình một con cá chép đang quẫy đuôi vượt vũ môn. Từ đó, làng tôi cho dựng lại cả ngôi chùa Keo mới (1628) và xây đình làng. Tất cả đều vào cuối thế kỷ 17.

Năm nay, làng tôi tròn 200 năm được vinh hạnh mang tên Hành Thiện. Nó lại do chính vua Minh Mạng ban sắc đặt tên cho (1823), ngụ ý để nói về một địa danh văn hóa luôn biết phải làm việc thiện. 

Người Hành Thiện cũng bộc lộ tài năng sớm, nổi bật hơn cả là thần đồng Đặng Xuân Bảng (ông nội của cố Tổng Bí thư Trường Chinh). Vì nhà nghèo không có tiền theo học thầy, chỉ ở nhà đọc sách và học cha mình là cụ Đặng Viết Hòe mà cụ đỗ Tiến sĩ đệ tam giáp năm 29 tuổi. Lẽ ra cụ còn đỗ cao hơn bậc tam giáp, nhưng bị vua hạ xuống bởi cụ đã viết trong bài thi có lời khuyên can vua khiến vua không vui nên hạ điểm xuống. 

Điều đặc biệt, cụ đỗ cùng một lần với chính thân phụ mình khi người cha đã có đến 7 lần thi mà cũng chỉ đỗ Tú tài. 

Vua Tự Đức biết chuyện nên bớt giận và lại còn ban khen cho cha con cụ 4 chữ: “Giáo tử đăng khoa” (cha dạy con thi đỗ đại khoa).

Rồi làng tôi có người phụ nữ được vua Khải Định ban tặng chữ "Tiết hạnh khả phong" khi biết chuyện làng này có một thiếu phụ tên Nguyễn Thị Thuấn, vợ một cử nhân. Bà có chồng mất lúc mới 20 tuổi mà không chịu lấy ai chỉ với mong mỏi được gánh vác thay chồng chuyện chăm sóc cha mẹ chồng và con cái khiến vua cảm kích mà ban cho chữ trên.

Làng tôi còn được vua Tự Đức ban tặng "10 điều ban huấn" (răn dạy) gồm có: 1. Đôn nhân hậu (luôn ăn ở có luân thường đạo lý ); 2. Chính tâm thuật (ăn ở ngay thẳng); 3. Thương tiết kiệm (chuộng đường tiết kiệm); 4. Hậu phong tục (duy trì tập tục tốt); 5. Huấn tử đệ (dạy con em cho nề nếp); 6. Vụ bản nghiệp (duy trì nghề nghiệp tốt); 7. Sùng chính học (chuộng học tập, điểm đạt ngay thật ); 8. Giới dâm thác (tránh những điều dâm tục); 9. Thân pháp thư (giữ gìn lễ phép ); 10. Quảng Hành Thiện (mở rộng điều lành).

Phải chăng với truyền thống từ nhiều thế kỉ qua được làng tôi gìn giữ mà đến nay, các tập tục tốt đẹp ngày một phát huy tốt và thật vui khi biết rằng, nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống mỗi ngày được người làng tôi chăm chút, phát huy...

Kể chuyện làng: Hành Thiện, ngôi làng cổ từng được 2 vị vua đặt tên - Ảnh 2.

Giáo sư, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Vũ Khiêu và tác giả bài viết nhân một lần sinh nhật cụ. Ảnh: Quốc Phong

Ngôi làng đặc biệt nhìn như cổ trấn (phố thị cổ) với truyền thống 500 năm khoa bảng  

Nhìn từ trên cao, làng Hành Thiện như một con cá chép, đầu hướng nam về sông Ninh cơ, đuôi quẫy hướng Bắc có sông Hồng đổ về biển lớn. Xung quanh làng là một con sông nhỏ thông ra sông Ninh Cơ. Mắt cá chính là ngôi giếng cổ bên cạnh chợ Hành Thiện, gần miếu Tam Giáp được kè bằng đá xanh. Người dân coi đây là nơi linh thiêng, điểm nhấn cho ngôi làng hưng vượng. Đó là thế “đất cá hóa rồng hướng biển bay”. 

Thày Tả Ao còn quy hoạch lối xóm thẳng băng. Người ta có thể nhìn thấy nhau khi người đứng đầu xóm và người ở tận cuối xóm, không xấu xí, nhếch nhác như những con ngõ ở ngay Thủ đô Hà Nội ta mới là lạ...

Năm 1522, làng tôi thật vui mừng khi có cụ Nguyễn Thiện Sỹ (sinh năm 1501-…? - không rõ năm mất) là người đầu tiên của Làng đỗ Hương Cống (sau này, gọi là Cử nhân) khi cụ mới 21 tuổi. Vì thế, cụ được làng vinh danh là vị Khai khoa của làng.

Kể từ đó, truyền thống hiếu học, khoa bảng càng được làng tôi phát huy và trở thành niềm tự hào cho mảnh đất Hành Thiện suốt nhiều thế kỷ, đúng như chúng ta đã biết.

Thầy Nguyễn Đăng Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Năng khiếu huyện Xuân Trường – Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học – Khuyến tài làng Hành Thiện có cho tôi biết: Thời Nho học của Làng Hành Thiện (nếu lấy mốc từ năm 1522 đến 1915), so với các làng xã trong cả nước thì làng tôi thường đứng thứ nhất về số vị đỗ Hương Cống, đứng thứ nhì về số vị đỗ Đại khoa (sau làng Cổ Am – nay thuộc xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) với 7 vị đỗ Đại khoa, 97 vị đỗ Hương Cống/ Cử nhân và 248 vị đỗ Sinh Đồ/ Tú tài .

Như vậy, Hành Thiện đã có 352  vị đỗ Đại khoa, Cử nhân và Tú tài. Đây được xem như thuộc dạng nhiều nhất nước ta thời phong kiến. Có một điều thú vị là vào thời Nho học, Hành Thiện từng có 5 vị quan mang hàm quan Thượng thư (ngang Bộ trưởng bây giờ). 

Đặc biệt, thời nhà Nguyễn, Hành Thiện phát khoa đã được xem là rực rỡ nhất khi tất cả khoa thi Hương ở Thành Nam (Nam Định ngày nay) vì đều có người làng Hành Thiện đỗ đạt. Nhiều tới mức các sĩ tử lều chõng lắc đầu ngao ngán khi trường xướng tên người đậu bằng câu cảm thán: Lại Hành Thiện nữa à! 

“Sự khác biệt của làng Hành Thiện là cả làng cùng học, giàu nghèo họ cũng cùng học, thông minh sáng dạ hay chậm chạp cù mì thì cũng học. Học không chỉ là một nghề để ấm thân, hạnh mặc mà cao hơn hết là tu thân, sống lương thiện hơn, nhân nghĩa hơn, sống có đạo lý hơn, biết đối nhân xử thế hơn...”, nhà giáo Nguyễn Đăng Hùng từng nhận xét .

Chính vì thế dân gian mới có câu: "Đông Cổ Am/ Nam Hành Thiện" hoặc "Bắc Hà - Hành Thiện/ Hoan Diễn - Quỳnh Đôi" như để nhắc đến những miền đất học nổi tiếng trong cả nước ta.    

Ngôi làng cổ thời hiện đại với trên 200 Giáo sư, Tiến sĩ và nhận nhiều danh hiệu cao quý 

Truyền thống trọng chữ, trọng hiền tài của làng Hành Thiện là cái nôi để đào tạo nhiều nhân tài, chính khách cho đất nước. Nổi bật nhất trong đó chính là cố Tổng Bí thư Trường Chinh, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta. Ông cũng từng là Chủ tịch nước và Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, một nhà lãnh đạo từng đứng mũi chịu sào lãnh đạo đất nước giành độc lập cho dân tộc năm 1945 rồi trở thành người cộng sự xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân kháng chiến chống Pháp. Ông còn là tư tưởng lớn với tư duy đổi mới xuất thần, đã dũng cảm tuyên chiến với cái cũ, xây dựng công cuộc đổi mới đất nước (thời kỳ 1986) để đưa đất nước đi đến thành công như hôm nay... 

Trải qua 500 năm, truyền thống cao quý ấy của làng Hành Thiện được kế thừa và phát triển qua các thế hệ. Vì thế, giai đoạn nào của lịch sử đất nước cũng ươm trồng được những người con ưu tú cho quốc gia. 

Bên cạnh những chính khách là 7 vị có chức vụ Uỷ viên Trung ương Đảng và Bộ trưởng trở lên thì còn có hơn chục vị có cấp chức tương đương cấp Thứ trưởng và Thiếu tướng trở lên.

Song, điều đó vẫn chưa lột tả hết cái ý mà tôi viết phần trên. Chủ yếu người Hành Thiện học không phải chỉ để làm quan mà còn làm khoa học, trong đó nổi bật nhất là làm trong lĩnh vực y tế. 

Làng tôi ngay từ thời tân học cho đến hiện nay, nếu so với cả huyện Xuân Trường đã có 274 vị có bằng Tiến sĩ thì riêng làng Hành Thiện tôi, họ đã có 209 vị. 

Còn với học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư thì tôi không có thống kê đầy đủ của toàn huyện. Nhưng chỉ riêng một làng Hành Thiện này thì đã có đến 11 Giáo sư Y khoa và 35 Giáo sư thuộc các ngành khác trong tổng số trên 70 Giáo sư, Phó Giáo sư là người Hành Thiện hoặc là con dâu của làng này (con rể không được tính vì làng xem rể là khách).

Làng tôi có lẽ cũng thuộc dạng "xưa nay hiếm" khi có các cá nhân được tặng và truy tặng các danh hiệu cao quý của Nhà nước cho làng và cá nhân như danh hiệu:

Tập thể:  Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Hồng, đơn vị Anh hùng LLVT thời kỳ chống Pháp

Cá nhân:  Huân chương Sao Vàng là cố Tổng Bí thư Trường Chinh và nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thuỵ; Huân chương Hồ Chí Minh là nguyên Trưởng ban Khoa giáo Trung ương Đặng Quốc Bảo và cố Trung tướng Đặng Kinh, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Anh hùng LLVT (4 vị) và Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới: 2 vị (cùng 1 vị cũng đã hoàn tất quy trình đề nghị  Anh hùng LLVT nhân dân); Bà mẹ Việt Nam Anh hùng: 14 mẹ; Giải thưởng Hồ Chí Minh: 5 vị; Giải thưởng Nhà nước: 5 vị; Thầy thuốc nhân dân: 5 vị; Nhà giáo nhân dân: 9 vị; Nghệ sĩ Nhân dân: 1 vị...

Kể chuyện làng: Hành Thiện, ngôi làng cổ từng được 2 vị vua đặt tên - Ảnh 3.

Hàng năm, đã thành nét đẹp quê hương khi đồng hương Hành Thiện tại Hà Nội lại về trao quà Tết cho các nữ cựu thanh niên xung phong của làng có hoàn cảnh đặc biệt, cô đơn, không nơi nương tựa. Ảnh: Quốc Phong

Người tài giỏi nhưng đi theo ngã rẽ khác ở quê tôi cũng đáng nể trọng

Làng tôi, thời tân học cũng có những bậc trí thức làm cách mạng theo cách của mình từ rất sớm. Họ cũng có những tính cách  bộc lộ rõ cái chất trí thức Hành Thiện riêng mình, kiểu nho sĩ Bắc Hà: khái tính, không xu nịnh, có chính kiến riêng và có lẽ đặc biệt nhất, đó là cụ Nguyễn Thế Truyền (1898 - 1969) rất đáng giới thiệu trong bài viết này.

Năm 1915, sau 5 năm học rất xuất sắc, chàng thanh niên quê tôi đã đỗ Brevet Superieur (tú tài Pháp), rồi cùng một lúc học 2 trường đại học. Năm 1920, chàng thanh niên đó đã có 2 bằng kỹ sư hóa học và cử nhân lý hóa. Năm 1922, Nguyễn Thế Truyền lại có bằng cử nhân văn chương ban triết và chuẩn bị đã xong bản luận án Tiến sĩ khoa học vật lý thiên văn, nhưng chưa kịp bảo vệ luận án.

Khi đang học Đại học Sorbonne, Nguyễn Thế Truyền đã chịu ảnh hưởng tư tưởng yêu nước của các cụ Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường nên quyết chí đi theo các cụ...

Kể chuyện làng: Hành Thiện, ngôi làng cổ từng được 2 vị vua đặt tên - Ảnh 4.

Bà con quê hương và khách thập phương ghé tham quan Đình làng, nơi khác bia đá tiến sĩ vinh danh những người con thành đạt và khoa cử.

Tuy sự nghiệp của cụ là cả một chuỗi thất bại nhưng dù sao thì cũng ghi những dấu ấn cuộc đời mình khi cụ từng tham gia nhóm Ngũ Long bên trời Âu cùng các bậc chí sĩ Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh vốn rất nổi tiếng và Nguyễn Ái Quốc. Và cụ chính là chủ bút tờ báo Le Paria rất được chú ý.

Theo ông Hoàng Văn Chính, trong cuốn "Từ thực dân đến cộng sản" thì ông Truyền đã đưa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến gặp các lãnh tụ Đảng Xã hội Pháp như Léon Blum, Marius Moutet và các lãnh tụ đảng Cộng sản Pháp như Marcel Cachin, Paul Vaillant Couturier. 

Ông từng vào Đảng Cộng sản Pháp. Trước khi rời Paris sang Liên Xô tháng 4/1923, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đưa cho Nguyễn Thế Truyền bản thảo cuốn Le Procès de la Colonisation Française (Bản án chế độ thực dân Pháp) nhờ sửa chữa và nhờ đề tựa, cho in. Cuốn sách đó đã được phát hành năm 1926 và năm 1946 đã được tái bản tại Hà Nội và người ta vẫn thấy có cả lời đề tựa của Nguyễn Thế Truyền...

Nguyễn Thế Truyền chính là điển hình cho tầng lớp trí thức mới, tiếp thu được cái mới từ phương Tây, những mong làm một cuộc canh tân cho đất nước và chống Pháp theo cách riêng. Cụ cũng không tin vào con đường cách mạng mà giai cấp vô sản từng chọn lựa. Cụ đã chống Pháp mà không thành và bị Pháp bắt lưu đày 6 năm tại đảo Madagascar thuộc Pháp, mãi tháng 8/1946, Nguyễn Thế Truyền mới được tha và về thẳng Sài Gòn...

Nguyễn Thế Truyền là một trí thức mới với khá nhiều bằng cấp về khoa học tự nhiên lẫn triết học và văn học. Cụ là con người khái tính, thông minh nhưng bất đắc chí... Dù được sống và tiếp cận với những người cộng sản Pháp, dù được gần gũi một thời gian cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thế nhưng Nguyễn Thế Truyền lại chọn con đường làm cách mạng chống Pháp theo cách của mình và tiếc thay, những sai lầm về chính trị đã đem lại cho đời cụ một kết thúc đáng buồn.

Kể chuyện làng: Hành Thiện, ngôi làng cổ từng được 2 vị vua đặt tên - Ảnh 5.

Bản đồ cổ vẽ địa thế làng Hành Thiện hình con cá chép vượt vũ môn. Ảnh: Quốc Phong

Các Thủ tướng của chế độ Sài Gòn thời đó muốn dành cho Nguyễn Thế Truyền một ghế bộ trưởng nhưng cụ bất hợp tác, chỉ say khướt rượu loại sang mà họ mang tặng trong khi nhà lại chẳng giàu sang gì...

Hiệp định Genève được ký kết, Nguyễn Thế Truyền lúc này đang ở Hà Nội. Sau đó, Nguyễn Thế Truyền có kể với người thân và bạn bè rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử người đưa một lá thư cho ông, thư nhắc đến tình bạn giữa hai người trên 30 năm trước, khuyên ông không nên di cư và mời ông ở lại góp sức xây dựng lại đất nước đã được độc lập. Ông đã tỏ lời cảm tạ nhưng từ chối, rồi vào Sài Gòn sinh sống.

Sau này nữa, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã cho người liên lạc, bí mật tặng Nguyễn Thế Truyền cành đào ngoài Bắc gửi qua đường Phnompenh (Campuchia) và có ý mời ông ra Hà Nội làm việc với Chính phủ ta. Thế nhưng ông cũng không nhận lời và cũng bất hợp tác với chính quyền Việt Nam Cộng hòa sau nhiều bản kiến nghị gửi lên đòi Ngô Đình Diệm nên tiếp thu, sửa chữa nhưng rồi chính quyền Diệm và chính quyền sau này nữa, họ vẫn để ngoài tai. 

Ngày Cụ Hồ ra đi, có nguồn tin từ những người thân cùng quê với cụ Nguyễn Thế Truyền tại Sài Gòn có cho biết, một chuyện khá bất ngờ: Cụ là nhân vật hy hữu dám trở tang Cụ Hồ giữa Sài Gòn và còn nhịn ăn nhiều ngày vì buồn để rồi phải đi nằm viện rồi ra đi cũng chỉ sau Cụ Hồ có 17 ngày. Thực ra, cụ rất trân quý người bạn lớn của mình là Chủ tịch Hồ Chí Minh từ rất lâu, tuy rằng quan điểm đấu tranh giai cấp của hai người có khác nhau, phương pháp đấu tranh chống Chủ nghĩa thực dân cũng khác nhau...  

Niềm tự hào của người dân quê tôi thật không dễ có được ở nhiều làng quê khác trong cả nước. Làng tôi vốn lại đất chật, người đông (trên 6.000 dân). Làng này tuy không giàu có nhưng đúng là giàu chữ, giàu tình người và sống có văn hóa rất đáng trân trọng. Trong nhiều năm qua, khi hàng năm làng tôi tổ chức trao phần thưởng học sinh giỏi chỉ từ cấp huyện trở lên thuộc 3 cấp học mà năm nào cũng có cả trăm cháu được nhận phần thưởng mà phần thưởng đó, học bổng đó phần lớn cũng do bà con quê nhà ở nơi xa chung tay đóng góp mà thành Quỹ, kể cả Quỹ Nghĩa tình quê hương, hàng năm trao quà ăn Tết cho các nữ cựu thanh niên xung phong cô đơn. Chuyện mỗi năm họ mà có cả trăm cháu thi đỗ vào Đại học, Cao đẳng từ một ngôi làng chỉ với từng đó nhân khẩu đã chứng minh sức sống trường tồn của ngôi làng văn hiến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ...

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem