Hua Tạt: Hành trình từ "vựa thuốc phiện" thành bản du lịch đẹp như mơ của người Mông

Xuân Tuấn Chủ nhật, ngày 21/08/2022 06:45 AM (GMT+7)
Hua Tạt cái bản nhỏ nằm tít trên núi cao thuộc xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã để lại trong lòng du khách với bao nỗi khắc khoải và thương nhớ. Với bà con người Mông, để có cái bản ổn định như ngày hôm nay, họ đã trải qua hành trình dài thương đau và cũng rất đỗi hạnh phúc.
Bình luận 0

Người Mông ở Hua Tạt (Vân Hồ, Sơn La) giờ đã không du canh, du cư như trước nữa. Họ đã sinh sống ổn định được mấy chục năm rồi. Không giống như những ngôi làng ở đồng bằng đã tồn tại từ đời này sang đời khác, bản của bà con người Mông sinh sống ổn định hôm nay là dấu lặng sau một hành trình dài phiêu bạt.

Kí ức về đời du mục ở Hua Tạt

Chiều buông, mặt trời xuống núi, tiếng muỗi vo ve, mõ trâu lốc cốc bên sườn non, đám trẻ í ới gọi nhau về báo hiệu một ngày sắp kết thúc nơi sơn cước. Bên trong những ngôi nhà gỗ thâm nâu, mái thấp im lìm của bà con người Mông bên chân núi đã bập bùng ánh lửa. Buổi tối là quãng thời gian ấm ấp nhất của các gia đình người Mông. Cả ngày họ ở trên nương, trên rẫy … bữa cơm tối họ mới có cơ hội quây quần bên nhau. 


Ông Tráng A Cao, từng nhiều năm làm trưởng bản, nay là Bí thư bản Hua Tạt, năm nay đã ngoài 50 tuổi, nhưng nom ông còn khỏe lắm. Thân hình vững chắc như cây lim, cấy nghiến ở trên rừng. Ông Sinh ra và lớn lên ở xứ miệt rừng nên ông nhớ như in những tháng năm du canh du cư cùng dân tộc mình.

Bản Hua Tạt trong trái tim người Mông  - Ảnh 2.

Bản Hua Tạt giờ nằm ở canh quốc lộ 6 và có trên trăm hộ dân là người Mông. Nơi này còn giữ được bản sắc văn hóa đặc trưng của bà con người Mông.

Bản Hua Tạt thực ra có tên là Hua Tát, theo tiếng Mông có nghĩa là điểm cuối của một vùng đất. Bà con đặt tên như vậy là để đánh dấu địa giới về nơi sinh sống của người Mông và người Thái khi xưa. Do mọi người đọc chệch đi nhiều năm, nó mới có tên là Hua Tạt. 

Bản có từ bao giờ, ông Cao cũng chỉ biết rằng, bản mình đã trải qua những giai đoạn vô cùng gian nan. Trước khi đất nước giành độc lập 1945, bà con người Mông sống theo nhóm hoặc theo dòng họ. 

Người Mông khi ấy phát nương, phát rẫy, sống tít trên núi cao. Khi nào cây lúa kém mẩy, cây ngô trồng trên đất bị còi cọc là họ chuyển đi khai phá vùng đất mới. Từ xã Chiềng Khoa giáp sông Đà kéo dài tới đỉnh Pha Luông cao ngất giáp nước bạn Lào, chỗ nào cũng có dấu chân của bà con người Mông. 

Bà con dựng nhà bằng khung bằng gỗ, lợp lá cỏ tranh. Họ sống lầm lũi, mọi thứ tự cung, tự cấp. Từ lương thực đến đồ dùng cho lao động họ đều tự làm.  

Bản Hua Tạt trong trái tim người Mông  - Ảnh 3.

Bà con người Mông ở bản Hua Tạt đã trải qua cả một hành trình dài gian khó (ảnh: A Chu).

Bản Mông khi đó tựa như những ngôi sao trời có thể dịch chuyển. Nay họ ở ngọn núi này, mùa trăng sau đã ở vùng khác. Công việc phát hoang, tra ngô, tỉa lúa diễn ra đều đặn từ mùa này qua mùa khác. 

Ông Cao bảo, sống gắn với núi rừng riết cũng thành quen. Vài hộ tập hợp lại với nhau ở trên một ngọn núi. Bước chân du mục của người Mông chẳng bao giờ dừng lại. Mỗi lần chuyển bản là một lần bầu đàn thê tử gùi đủ mọi thứ trên vai, từ con lợn, con gà, hạt thóc, hạt ngô giống, lò rèn… Họ đi xuyên từ cánh rừng này, sang cánh rừng khác. Ở bản cũ chưa kịp ấm chỗ đã lại phải dựng nhà tìm nơi ở mới.


Cuộc đời người con trai Mông khi đó có khi dựng tới 10 đến 15 cái lán trại. Ốm đau dân tự lấy cây thuốc trong rừng. Khi đó, thầy cúng cũng kiêm luôn là người "chữa bệnh" bằng cách cúng để đuổi con "ma" ra khỏi nhà. Mỗi lần cúng là bà con phải mổ gà, mổ lợn, thậm chí là mổ trâu.

Họ coi thầy cúng là sợi dây nối liền với linh hồn của tổ tiên. Nhà nào có người ốm là gọi thầy cúng. Lên nhà mới hay có sự gì chẳng yên trong lòng họ coi thầy cúng như là đầu mối giải quyết hết bệnh tật và nỗi sầu đau. Hủ tục đó cứ theo chân người Mông qua năm này, năm khác.

Hua Tạt từ "vựa thuốc phiện" thành bản mới tiên phong dịch vụ Homestay  

Trai, gái người Mông sống giữa rừng nên ít người đi học. Ở tuổi cập kê là các chàng trai mang sáo, mang khèn tới bờ rào nhà cô gái mà mình thích để tán tỉnh. Khi họ ưng cái bụng, con trai vào "bắt vợ" về nhà mình rồi cô gái nghiễm nhiên trở thành con dâu của nhà. Đám cưới giữa rừng được tổ chức, họ hàng 2 bên cùng tụ tập mổ lợn, mổ trâu rồi cùng uống rượu say quên lối về.

Đôi trẻ nên duyên vợ chồng, chẳng cần đăng ký kết hôn này nọ. Họ lại tiếp tục hành trình du canh, du cư mà bao thế hệ đi trước đã sống. Người Mông khi đó, sinh rất nhiều con. Nhà nhiều 13 đến 15 đứa con, nhà ít cũng phải 3 đến 4 đứa.  

Bản Hua Tạt trong trái tim người Mông  - Ảnh 5.

Bà con người Mông ở bản Hua Tạt giờ đã biết làm du lịch. Họ mở cửa đón khách đến chính ngôi nhà của mình đang ở. Đây là hướng đi bền vững, giúp họ có thu nhập ổn định và lâu dài (ảnh: A Chu).

Mỗi lần trở lại Hua Tạt, tôi có may mắn gặp cụ Tráng A Páo – pho sử sống của bản Hua Tạt. Cụ là thầy giáo nên những sự kiện xảy ra vơi người Mông ở đất này còn in sâu trong tâm trí. 

Cụ Páo kể, ngày trước rừng già nơi đây còn ngút ngàn. Từ xã Chiềng Khoa, Chiềng Yên đến Vân Hồ hay Xuân Nha, Suối Lìn, Lóng Luông… đều có dấu chân của bà con người Mông. Cây thuốc phiện đã bén rễ ở đất này từ nhiều đời. 

Bà con cũng biết trồng rồi khai thác nhựa bán cho thổ ti. Của nhà trồng được, người Mông hút thuốc phiện như đám con trai hút thuốc lá bây giờ. Nhà nào có cỗ hay đám ma, đám cưới là bàn đèn ngả ra. 

Nam, phụ, lão ấu đều hút, cùng nhau chân co, chân duỗi cho quên ngày tháng. Hút mãi thành quen, thành nghiện. Hầu như bản Mông nào cũng có người nghiện. Ai cũng hút nên chẳng ai nói được ai. Từ việc sống bằng cây lúa, cây ngô trên nương, họ phụ thuộc vào cây thuốc phiện.

Bản Hua Tạt trong trái tim người Mông  - Ảnh 6.

Nguyên chủ tịch Quốc hội, bà Tòng Thị Phóng (người trong cùng bên phải) đến thăm khu du lịch của gia đình anh Tráng A Chu (ảnh: Seo Linh).

Các bà, các mẹ mỗi khi xuống chợ huyện chỉ cần dắt cạp váy vài cục thuốc phiện. Họ bán thuốc phiện rồi mua các nhu yếu phẩm khác. Mùa hoa anh túc nở rộ vào mùa xuân. Nương thuốc phiện kéo dài từ bản trên đến bản dưới. 

Cái màu trắng tinh khôi của ả phù dung đã dần đẩy cuộc sống của bà con vào con đường gian khó. Vì phụ thuộc vào cây thuốc phiện mà cái nương, cái rẫy bỏ hoang cho cỏ mọc. Các chàng trai Mông bị thuốc phiện nhấn chìm cuộc đời. 

"Không phải ai cũng nghiện, nhưng người tỉnh vận động người nghiện thuốc phiện bỏ bàn đèn chẳng khác nào vác đá ngược núi", cụ Páo chia sẻ.

Bản Hua Tạt trong trái tim người Mông  - Ảnh 7.

Bà con người Mông giờ đã định cư tại bản Hua Tạt. Họ đã dần thay đổi nếp nghĩ và cách làm trong việc phát triển kinh tế. Quá khứ đau thương đang dần lũi vào dĩ vãng (ảnh: A Chu).

Dòng họ Tráng, dòng họ Sồng, dòng họ Thào… có hương ước, có những quy định mà bao đời nhà nhà phải làm theo, nhưng khi bàn tới chuyện bỏ thuốc phiện thì đều bị gạt ra. Các cụ cao niên trong họ đều nghiện thì ai bảo được ai. 

Cái đói, cái nghèo chưa xóa được, giờ trong mỗi nếp nhà người Mông chìm trong làn khói u mê của ả phù dung. Mùa đông mây phủ kín trời, kín đất, trong ngôi nhà ẩm thấp, khói thuốc phiện phảng phất bay nhấn chìm bản Mông. Khi chứng kiến cảnh con cháu bị thuốc phiện hành hạ, cụ Páo đã quyết tâm tự mình cai nghiện rồi vận động anh em, họ hàng bỏ. Cái đúng, cái hay, dần cũng thuyết phục được các hộ dân khác làm theo.

Hành trình vận động dân cai nghiện rồi xóa bỏ cây thuốc phiện ở Hua Tạt thực sự là một cuộc vật lộn và đấu tranh đầy gian khổ. Cây thuốc phiện trồng trên nương, không cần chăm bón, nó vẫn cứ tốt tươi cho nhựa. 

Đến mùa bà con chỉ cần mang con dao đi khứa quả, lấy nhựa là đủ sống. Cải mèo trồng bên nương thuốc phiện ăn ngon tuyệt. Không cần tưới tắm, bẹ của nó to bằng tàu lá chuối non. 

Làm nhẹ lại có thu nhập, giờ vận động họ bỏ cây thuốc phiện, người Mông cho rằng, nó chẳng khác nào tự chặt chân mình. Sau mỗi năm, diện tích cây thuốc phiện cũng có thu hẹp, chứng tỏ việc vận động đã mang lại hiệu quả. Người Mông không chỉ trồng thuốc phiện trong nương của nhà, họ còn vào rừng sâu, phát hoang rồi gieo hạt ở đó. Có những nương thuốc phiện trên núi cao, đi cả ngày đường chưa đến nơi.

Bản Hua Tạt trong trái tim người Mông  - Ảnh 9.

Phụ nữ người Mông tham gia đá bóng. Một sự đổi thay lớn trong nếp nghĩ của bà con người Mông ở Hua Tạt. Người phụ nữ đã vượt qua ngưỡng cửa của nhà chồng để dần khẳng định vị thế của mình với gia đình và xã hội (ảnh: A Chu).

Người chứng kiến hành trình gian khổ đó, cụ Páo hiểu được tấm lòng của bà con người Mông. Họ bao năm sống với núi rừng, nên giờ để thay đổi tập quán, thói quen canh tác không dễ dàng gì. 

Bỏ thuốc phiện đồng nghĩa với cái đói ùa về. Cây ngô, cây lúa chưa thể đảm bảo cho cái bụng được no. Họ vẫn lén lút trồng ở sâu trong núi. Cán bộ đến, họ giấu biệt không cho biết thông tin. Cụ Páo đã đã gương mẫu, cai nghiện rồi chuyển đổi nương thuốc phiện sang trồng ngô, trồng lúa. 

Một vụ hai vụ trôi qua, bà con nhìn gia đình cụ Páo lại khá giả lên, chứ không chết như nhiều người đồn đoán. Cái hay, cái đúng sẽ dần thuyết phục bà con người Mông trong bản làm theo.

Bản Hua Tạt trong trái tim người Mông  - Ảnh 10.

Những mùa xuân ấm áp đang trở lại với bà con người Mông ở bản Hua Tạt. Hành trình định canh định cư của bà con người Mông là một câu chuyện dài, nhưng nó đã kết thúc có hậu (ảnh: A Chu).

Bản Hua Tạt khi ấy có khoảng vài chục hộ dân. Họ sống tản mát ở khắp nơi. Đôi chân du mục đi mãi cũng mỏi mệt. Năm 1993, cuộc vận động xóa bỏ cây thuốc phiện được triển khai cũng là lúc bà con người Mông hạ sơn. Họ định cư tại bản Hua Tạt ngày nay. Đói rét triền miên bao đời, giờ họ đã quyết tâm thay đổi cuộc đời. Không du canh du cư, không trồng cây thuốc phiện, không đốt nương, phá rừng bừa bãi nữa.


Cái việc từ bỏ cây thuốc phiện và du mục tưởng dễ nhưng đối với bà con người Mông quả là một hành trình dài. 

Cái bản Hua Tạt đau thương, người dân phải vật lộn với sự thay đổi cho phù hợp với cuộc sống mới. Giờ đây bản Hua Tạt đã và đang thay đổi từng ngày. Quá khứ đau thương đang dần lùi vào dĩ vãng. 

Hơn trăm hộ dân cần cù, chịu khó làm ăn. Hủ tục đeo bám họ bao năm đã dần được xóa bỏ. Cây thuốc phiện chỉ còn trong kí ức của người già. Lớp trẻ đã chí thú làm ăn, dựng nhà, dựng cửa và làm du lịch. Quá khứ tăm tối, bi thương của Hua Tạt đã dần bị đẩy lùi, cuộc sống mới tràn ngập niềm hy vọng đang thắp lên trong trái tim của bà con người Mông.

Không chỉ vậy, người Mông ở Hua Tạt hôm nay  còn tiến bộ rất nhiều. Cả bản bảo nhau chúng sức làm ăn, học hành, không nghe lời kẻ xấu, không học theo tà đạo, quyết giữ gìn những bản sắc tốt đẹp của người Mông, sống thật thà, ngay thẳng nơi cao nguyên Vân Hồ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem