Bình Dương kỳ vọng 50% nông hộ tham gia sàn thương mại điện tử

Nguyên Vỹ Thứ ba, ngày 23/08/2022 14:29 PM (GMT+7)
Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ có hơn 50% hộ sản xuất nông nghiệp có gian hàng số trên các sàn thương mại điện tử.
Bình luận 0

Tham gia sàn thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng tốt hơn

Đó là mục tiêu đề ra tại tọa đàm chuyên đề Giải pháp đưa hàng nông sản lên nền tảng đa kênh do Hội Nông dân tỉnh Bình Dương phối hợp với Công ty CP Đầu tư Bit Group, tổ chức ngày 23/8.

Tọa đàm chuyên đề Giải pháp đưa hàng nông sản lên nền tảng đa kênh do Hội Nông dân tỉnh Bình Dương phối hợp tổ chức. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tọa đàm chuyên đề Giải pháp đưa hàng nông sản lên nền tảng đa kênh do Hội Nông dân tỉnh Bình Dương phối hợp tổ chức. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo Hội Nông dân tỉnh Bình Dương, đợt dịch Covid-19 bùng phát đã để lại nhiều khó khăn cho người dân vào đúng thời điểm nhiều địa phương thu hoạch nông sản.

Đến khi đại dịch đi qua, nền kinh tế bước vào thời kỳ bình thường mới. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn chồng chất khi thị trường xuất khẩu thu hẹp, tiêu thụ trong nước chật vật.

Mọi người cần tự cứu mình thông qua những kênh tiêu thụ mới, nhất là thị trường online với tiềm năng rất lớn và chi phí quảng bá gần như 0 đồng.

Tọa đàm Giải pháp đưa hàng nông sản lên nền tảng đa kênh nhằm hỗ trợ cán bộ, hội viên, doanh nghiệp và nông dân sản xuất kinh doanh tỉnh Bình Dương tăng tính liên kết, giảm rủi ro, giảm chi phí trung gian, tăng lợi nhuận.

Hội Nông dân tỉnh Bình Dương kỳ vọng đến hết năm 2022 sẽ có hơn 50% hộ sản xuất nông nghiệp có gian hàng số trên các sàn thương mại điện tử.

Bà Nguyễn Minh Tấn, nông dân trồng nấm ở xã Long Hoà (huyện Dầu Tiếng). Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Nguyễn Minh Tấn, nông dân trồng nấm ở xã Long Hoà (huyện Dầu Tiếng). Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Nguyễn Minh Tấn, nông dân trồng nấm ở xã Long Hoà (huyện Dầu Tiếng) cho biết, khó khăn chung của nông dân hiện nay là làm thế nào để bán được nông sản nhiều hơn; giá bán cao hơn trong khi chi phí tăng.

Địa bàn xã Long Hoà nằm ở vùng sâu, vùng xa của Bình Dương. "Nhiều nông dân ở địa phương chưa nắm rõ nền tảng số, cách tiếp cận cũng như giải quyết hiệu quả đầu ra bằng công nghệ số", bà Tấn cho biết.

Hội Nông dân Bình Dương giúp nông dân tham gia sàn thương mại điện tử

Ông Lê Nguyễn Hồng Phương – Phó Chủ tịch Thường trực Vietnam 2030, Chủ tịch Bit Group cho biết, số hóa không khó. Khó khăn lớn nhất là nhiều người vẫn quen cách làm cũ, chưa sẵn sàng chuyển đổi, học hỏi và ứng dụng số.

Bình Dương đã có nông sản chất lượng tốt. Mục tiêu chính của buổi tọa đàm nhằm giúp nông dân Bình Dương đưa sản phẩm đến khách hàng thông qua các kênh bán lẻ online.

Thương nhân tiêu thụ nông sản ở Bình Dương trong mùa dịch Covid-19 năm 2021. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thương nhân tiêu thụ nông sản ở Bình Dương trong mùa dịch Covid-19 năm 2021. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thông qua những cách thức như tạo trang bán hàng, khuyến mãi, quảng bá, tạo sự kiện và chăm sóc khách hàng... nhằm giúp nông dân tối ưu hóa các chi phí trung gian, giảm rủi ro, tăng lợi nhuận.

Ông Đỗ Ngọc Huy – Chủ tịch Hội Nông dân Bình Dương cho biết, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm tỷ lệ không cao (khoảng 3%) trong cơ cấu kinh tế Bình Dương.

Thế nhưng, Bình Dương có lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu cho sản xuất nông nghiệp. Bình Dương còn có hơn 35.000 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp luôn luôn sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Ông Đỗ Ngọc Huy – Chủ tịch Hội Nông dân Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Đỗ Ngọc Huy – Chủ tịch Hội Nông dân Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo ông Huy, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu quả tạo ra những giá trị gia tăng mới của nông sản, giúp năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp tăng lên đáng kể.

Chuyển đổi số kết nối thuận lợi giữa sản xuất với tiêu dùng, giữa doanh nghiệp với nông dân, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Từ những bước đi đầu tiên mang tính chất là giải pháp tình thế nhưng hiệu quả rất thuyết phục, chuyển đổi số trong nông nghiệp đã giúp cho Bình Dương rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm.

"Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu hết năm 2022, toàn tỉnh có trên 50% số hộ sản xuất nông nghiệp có gian hàng số trên các sàn thương mại điện tử", ông Huy cho biết.

Trước đó, Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đã ký thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh về tham gia chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Thỏa thuận có 5 chương trình hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực. Đặc biệt, Bưu điện tỉnh phối hợp hỗ trợ thu thập đưa thông tin của ít nhất 5.000 hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn giao dịch Posmart.vn/Agri-posmart.vn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem