Hơn 22 triệu HS-SV khai giảng: Kỳ vọng đổi mới, khó tránh lo âu

Tùng Anh Thứ tư, ngày 06/09/2017 06:30 AM (GMT+7)
Quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm, nâng cao chất lượng giáo viên và ổn định các kỳ thi quan trọng đó là mục tiêu và cũng là mong muốn của xã hội đối với ngành giáo dục khi tiếng trống khai giảng năm học 2017 – 2018 vang lên.
Bình luận 0

Quy hoạch lại việc đào tạo giáo viên

Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong năm học mới 2017 - 2018, ngành giáo dục sẽ tập trung giải quyết 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, trọng tâm là các cơ sở đào tạo giáo viên. Để làm được điều này các địa phương sẽ tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhiệm vụ thứ 2 là chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới.

img

Chất lượng giáo viên và chương trình dạy học vẫn là những vấn đề nóng của năm học mới. Ảnh: Cô và trò Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội).  Ảnh: Viết Thành

Nhiệm vụ quan trọng thứ ba là đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo đó, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo; đề ra các giải pháp quyết liệt để Hội đồng trường đi vào hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.

Về việc rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, ông Nhạ cho biết, Bộ GDĐT dự định sẽ phân bố các trường có chất lượng cao, có uy tín chọn làm trường trung tâm, các tường khác sẽ chuyển đổi thành phân hiệu hay trường vệ tinh của các trường trung tâm để tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên địa phương đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.

Với cách làm này, ngành giáo dục hy vọng sẽ nhanh chóng “thay đổi cục diện” bi đát về chất lượng giáo viên, việc thừa thiếu giáo viên cục bộ tại các địa phương và điểm đầu vào các trường sư phạm... “chạm đáy” trong mùa tuyển sinh vừa qua.

Một trong những yêu cầu khắt khe trong năm học mới cũng được lãnh đạo Bộ GDĐT nhắc tới đó là việc nghiêm cấm các khoản thu ngoài luồng, ngăn chặn tuyệt đối nạn lạm thu đầu năm học. Để làm được điều này. Bộ GDĐT đã đề nghị các cơ sở đào tạo giãn thời gian, tránh thu cùng một thời điểm đối với các cấp học để hạn chế tối đa tác động của học phí đến chỉ số giá tiêu dùng.

Bộ cũng đề nghị tiết giảm chi phí hoạt động, hạn chế thu các khoản thu ngoài học phí. Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng yêu cầu nhà trường phải xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đảm bảo công khai, minh bạch, có cơ chế để cán bộ, giảng viên, người lao động, sinh viên và các tổ chức khác tham gia giám sát toàn bộ hoạt động của nhà trường.

Mong ổn định thi cử

Đây là mong muốn của rất nhiều học sinh, giáo viên trong năm học 2017 – 2018. Trước đó, đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia đã nhẹ đi nhưng cần tiếp tục có những đổi mới hơn nữa, tập trung vào khâu ra đề cho tốt hơn.

Tiếp thu chỉ đạo này, Bộ GDĐT cũng đang đưa ra 2 phương án chỉnh sửa đối với kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 để các trường ĐH góp ý. Cụ thể, thí sinh sẽ làm 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trong đó, bài thi khoa học tự nhiên là tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học; còn bài thi khoa học xã hội là tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với giáo dục phổ thông, và tổ hợp môn lịch sử và địa lý đối với giáo dục thường xuyên.

img

Thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ có thể chọn thi bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và/hoặc bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội phù hợp với tổ hợp xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ.

Đối với 2 bài thi tổ hợp, Bộ GDĐT đang đưa ra 2 phương án để các trường cho ý kiến. Phương án một là giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần giống như năm 2017. Phương án hai là mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với 1 đầu điểm thống nhất của toàn bài thi, không tách thành 3 đầu điểm theo từng môn thi thành phần như năm 2017.

Theo Bộ GDĐT, việc đưa ra phương án mới đối với bài thi tổ hợp sẽ giúp việc tổ chức thi và chấm thi đơn giản, dần phát triển thành bài thi tích hợp đánh giá năng lực của thí sinh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Bộ cần tránh thay đổi đột ngột để giúp học sinh không hoang mang, vì đây là kỳ thi quốc gia duy nhất, mọi thay đổi cần có lộ trình. Em Nguyễn Thu An – học sinh Trường THPT Ninh Giang (huyện Ninh Giang, Hải Dương) chia sẻ: “Năm nay em vào lớp 11, năm trước kỳ thi thay đổi em đã bị “sốc” và bây giờ dần định hướng được phương pháp ôn tập. Chỉ còn 1 năm nữa, nếu Bộ GDĐT lại chỉnh sửa, thay đổi thì em sẽ không biết phải làm thế nào? Năm học mới, không chỉ em mà các thầy cô giáo của em cũng chỉ hy vọng Bộ GDĐT đừng có thay đổi gì để học sinh yên tâm học tập”.

Nói về những đổi mới trong thi cử, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định Bộ đang hướng đến một kỳ thi ổn định, có sự chung sức của các địa phương, các ngành, trong đó tính đến việc tăng độ phân hóa, các yếu tố kỹ thuật để kỳ thi THPT quốc gia được hoàn thiện hơn, nhẹ nhàng hơn theo các năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem