Học sinh "quên nhiều hơn nhớ" sau đợt học trực tuyến, các trường làm gì để tránh "hổng kiến thức"?

Bạch Dương Thứ năm, ngày 04/03/2021 08:17 AM (GMT+7)
Cùng với việc đảm bảo phòng chống Covid-19, ngay khi học sinh đi học trở lại, các trường trên địa bàn TP.HCM đã nhanh chóng có kế hoạch bổ sung kiến thức còn thiếu hụt cho học trò trong thời gian phải học trực tuyến.
Bình luận 0
TP.HCM: Tăng tốc bổ sung kiến thức sau 2 tuần học trực tuyến - Ảnh 1.

Học sinh tiểu học được ôn lại toàn bộ kiến thức đã học trong thời gian học trực tuyến.

Lớp 1 tập trung ôn tiếng Việt sau thời gian dài học trực tuyến

Chị Hoàng Ngọc (quận 6, TP.HCM) thở phào chia sẻ: "Tôi có 2 con nhỏ, đứa lớn lớp 7, đứa nhỏ lớp 1, đợt học trực tuyến vừa rồi đứa lớn thì đã quen, khổ nhất là bé lớp 1. Mặc dù cố gắng kèm con theo bài tập cô giao nhưng mình không có nghiệp vụ sư phạm như cô, dạy con khó lắm. Con quên nhiều hơn là nhớ, khó tập trung nữa. May mà đi học lại, mấy ngày đầu cũng chưa vào nếp nhưng giờ đỡ rồi".

Cùng tâm trạng như chị Ngọc, chị Thùy Ân (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết, việc kèm cặp và dạy con đang học lớp 1 tại nhà rất nan giải, nhất là các bé lại học chương trình sách giáo khoa mới, yêu cầu và nội dung khác hoàn toàn so với những năm trước nên khi không có cô giáo dạy trực tiếp, các bậc cha mẹ "đánh vật" khi phải dạy con.

Thầy Thiện Phước, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Định (quận 6, TP.HCM) cho biết, những tuần nghỉ học trước đó, giáo viên giao bài cho học sinh qua Zalo, thu bài và đánh giá, nhận xét. Khi đi học trở lại, giáo viên sẽ hướng dẫn lại các em toàn bộ bài học Toán, tiếng Việt và tiếng Anh. Những em nào yếu, không theo kịp chương trình, nhà trường sẽ có kế hoạch bồi dưỡng riêng.

Trường Tiểu học Phước Hiệp (Củ Chi, TP.HCM) nằm trên địa bàn còn khó khăn nên việc dạy học trực tuyến thời gian qua còn nhiều hạn chế. Do đó, trong thời gian đầu khi học sinh đi học trở lại, nhà trường đã lên kế hoạch buổi sáng vẫn dạy chương trình chính khóa. Buổi chiều, giáo viên sẽ bổ sung, bồi dưỡng lượng bài tập online, tập trung vào các môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh.

Đối với học sinh lớp 1, nhà trường chỉ đạo giáo viên tập trung vào môn tiếng Việt để đảm bảo học trò đọc thông viết thạo, từ đó mới tiếp cận được những môn học khác.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, Sở đã có chỉ đạo khi học sinh đi học trở lại, giáo viên các cấp học, đặc biệt ở bậc tiểu học phải rà soát lại tình hình dạy học qua mạng. Đối với bậc THPT, THCS chủ động hơn thì xem xét mức độ của từng môn học, các thầy cô có kế hoạch bổ sung, củng cố chung trên lớp hoặc có những giúp đỡ riêng cho từng học sinh.

Còn đối với bậc tiểu học, đặc biệt là lớp 1, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 không ràng buộc thời gian hoàn thành nội dung bài học.

Vì thế, giáo viên được chủ động xây dựng kế hoạch dạy học làm sao đảm bảo được mục tiêu của chương trình đề ra. Giáo viên có thể dừng lại một ít thời gian để bổ sung, rà soát lại, cũng không ảnh hưởng đến tiến độ chương trình. Thầy cô có kế hoạch phân hóa, điều chỉnh từng nhóm đối tượng học sinh để đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, phụ huynh nên có sự phối hợp với nhà trường trong việc hỗ trợ con em mình.

TP.HCM: Tăng tốc bổ sung kiến thức sau 2 tuần học trực tuyến - Ảnh 3.

Đảm bảo phòng chống dịch tối đa khi học sinh đến trường.

Tăng cường kiến thức cho lớp 9 và lớp 12

Trong tuần đầu tiên đi học trở lại, giáo viên Trường THCS Phú Thọ (quận 11, TP.HCM) vừa dạy kiến thức mới, vừa dành thời gian rà soát, ôn tập lại những phần đã học trực tuyến trong thời gian qua. Riêng với khối lớp 9, ngoài chương trình chính khóa, nhà trường tổ chức các lớp học phụ đạo vào buổi chiều từ 17h30 đến 20h, tập trung vào ba môn Văn, Toán, tiếng Anh, mỗi tuần hai buổi.

Thầy Trần Văn Minh, Hiệu phó trường THCS - THPT Đào Duy Anh (quận 6) cho biết, giáo viên sẽ ôn tập lại các bài đã dạy trực tuyến cho hơn 810 học sinh. Do đặc thù là trường nội trú, ngoài hai buổi một ngày nên các môn đều được tăng tiết. Ban ngày học sinh được học bài mới và ôn lại bài cũ, buổi tối luyện giải bài tập.

Tại Trường THPT Ten Lơ Man (quận 1,TP.HCM), học sinh học hai buổi/ngày. Giáo viên vừa dạy chương trình mới, đồng thời củng cố bài học vào buổi hai. Riêng học sinh khối 12, trường tăng thời lượng ôn tập. Ngày 15/3, khối 12 sẽ kiểm tra giữa kỳ tập trung vào 9 môn, đây giống như một kỳ thi thử để các em làm quen với cách thi và phương pháp làm bài.

Tại Trường THPT Lương Thế Vinh, Ban giám hiệu điều chỉnh hoạt động, dạy học của nhà trường phù hợp với tình hình thực tế. Trường rà soát mức độ tiếp thu kiến thức và kỹ năng mà học sinh đã học trực tuyến, tổ chức phụ đạo từ ngày 1/3 (tuần thực học 26) củng cố cho học sinh yếu kém hoặc không có điều kiện học online. Ngoài ra, trường vẫn duy trì cho học sinh học trực tuyến để tạo thói quen tự học. Một tuần sau đó, các em làm bài kiểm tra tập trung các môn Toán, Lý, Hoá, Văn, tiếng Anh.

Với giáo viên môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hoá ở các trường học hai buổi mỗi ngày, thời gian buổi hai khá dư dả để củng cố kiến thức bị hụt trong thời gian học online. Nhưng với các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân, thời gian ít hơn vì không có tiết buổi hai. Do đó, thay vì dạy theo đơn vị bài học, nhiều thầy cô sắp xếp theo nhóm chủ đề, các chuyên đề, lược bỏ những phần không quan trọng để các em nắm kiến thức trọng tâm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem