Học sinh lo nếu không đỗ đại học năm 2024 sẽ phải học lại cấp 3

Tào Nga Thứ sáu, ngày 05/05/2023 18:00 PM (GMT+7)
Một số học sinh hiện đang học lớp 11 bày tỏ băn khoăn, lo lắng về việc nếu không thi đỗ đại học sẽ phải thi lại vào năm sau vì 2 kỳ thi với 2 chương trình học khác nhau.
Bình luận 0

Lo lắng về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2024

Bắt đầu từ năm 2022, thay vì học 13 môn học bắt buộc như chương trình hiện hành, chương trình mới ở cấp THPT có 7 môn học và hoạt động bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương. Các môn học tự chọn gồm tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

Ba nhóm môn học để lựa chọn năm môn học gồm: nhóm môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật). Trừ môn ngoại ngữ, tất cả các môn học đều xây dựng các cụm chuyên đề. Mỗi học sinh sẽ phải chọn để học ba cụm chuyên đề cùng với các môn học bắt buộc và môn học lựa chọn.

Như vậy, học sinh sinh năm 2006 sẽ là lứa học sinh cuối cùng học chương trình giáo dục phổ thông cũ. Điều này khiến các em lo ngại khi chỉ còn 1 năm nữa sẽ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học. 

Em Nguyễn Hồng Hà, học sinh lớp 11 một trường ở Hà Nội bày tỏ đang rất lo lắng về kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới: "Nếu năm sau em trượt đại học thì sẽ rất khó khăn trong việc xét tuyển ở năm sau nữa. Bởi vì các em khóa sau học chương trình mới, liệu em có thi với các em ấy được không. Mặc dù mới học lớp 11 nhưng chúng em rất căng thẳng khi là lứa học sinh cuối cùng học chương trình cũ".

Cô Bùi Thị Bảo Anh, giáo viên Ngữ văn một trường THPT ở Hà Nội cũng cho biết, đây là vấn đề được nhiều phụ huynh, học sinh hỏi và trăn trở. Năm 2022- 2023, kỳ thi tốt nghiệp THPT về căn bản sẽ giữ ổn định như phương thức thi hiện nay. Từ năm 2024 sẽ tổ chức một kỳ thi THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới với hướng tiếp cận nhiều năng lực, có thể kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi,... đặt ra thách thức, bỡ ngỡ cho học sinh học chương trình cũ với nội dung mới. 

Học sinh lo lắng nếu không đỗ đại học năm 2024 sẽ phải học lại cấp 3  - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hưng

Hiện tại chưa có thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học ở chương trình mới nên bản thân cô Ngọc cũng chưa chắc chắn điều gì. Trước những lo lắng này, cô Ngọc chỉ biết tư vấn với học sinh rằng hiện nay ngoài xét tuyển điểm thi THPT, các em có thể sử dụng thêm đa dạng các phương thức tuyển sinh khác như: xét học bạ, điểm IELTS, tuyển thẳng,... nên có nhiều cơ hội để lựa chọn. 

"Không đỗ đại học năm 2024 sẽ phải học lại cấp 3" là nội dung được nhiều phụ huynh, học sinh sinh năm 2006 bày tỏ trên các buổi tư vấn, diễn đàn khi chỉ còn 1 năm nữa các em sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Các em băn khoăn không biết có đáp ứng đủ kiến thức, đổi mới nội dung trước sự giao thoa giữa 2 chương trình này. Các ý kiến cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học dự kiến cũng sẽ được thay đổi để phù hợp với chương trình giáo dục mới. Học sinh sẽ phải học lại kiến thức 3 năm học theo chương trình mới, với những môn học bắt buộc và tự chọn khác nhau. 

Học sinh xét tuyển đại học năm 2024 có thiệt thòi?

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, thạc sĩ Nguyễn Gia Khánh, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, quận Hà Đông, Hà Nội cho hay: "Tôi tin rằng Bộ GDĐT sẽ có những giải pháp phù hợp cho học sinh. Hai chương trình học nhưng kỳ thi sẽ có những phần nội dung chung. Hiện tại học sinh trong trường tôi không lo lắng quá nhiều về vấn đề này vì hầu hết các em đỗ ngay năm đầu tiên".

Trả lời về vấn đề học sinh 2k6 có thiệt thòi hay không, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho biết: "Quyền tuyển sinh là thuộc về các trường đại học. Các trường sẽ công bố phương thức cũng như chỉ tiêu dành cho từng phương thức. Nếu học sinh quyết định thi lại để lấy kết quả đó cạnh tranh với các bạn ở lứa sau thì rõ ràng phải chấp nhận "cuộc chơi".

Tuy nhiên, bà Thủy cho rằng, học sinh không nên quá lo lắng vì vẫn còn những cơ hội từ học bạ, đánh giá năng lực hay từ các kết quả khác mà các em vẫn sử dụng để ứng tuyển một cách bình thường.

"Thực ra về kiến thức cơ bản, nền tảng giữa 2 kỳ thi, tôi khẳng định sẽ không phải quá khác biệt. Vẫn các môn học, tổ hợp đó. Các tổ hợp phải có môn chính là toán, văn, ngoại ngữ. Việc phải cạnh tranh với các bạn theo mô - túyp, phương pháp mới, được tiếp cận theo năng lực nhiều hơn thì phải chấp nhận thử thách. Các em nên tập trung đầu tư ngay từ bây giờ và thi tốt nghiệp THPT với kết quả tốt nhất. Cùng với đó, các em hãy sử dụng thêm các phương pháp khác để trúng tuyển ngay từ năm đầu tiên", bà Thủy đưa ra lời khuyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem