"Học mót" nghề làm đồ da ở nước ngoài, người đàn ông sở hữu 4 cửa tiệm, thu nhập cả trăm triệu đồng/tháng

Thùy Anh Thứ năm, ngày 25/08/2022 13:11 PM (GMT+7)
Công việc sửa chữa, làm đồ da đòi hỏi người thợ không chỉ có kỹ thuật, mà còn cần cả sự tỉ mẩn, chịu khó. Tại một ngách nhỏ của Hà Nội, có một người đàn ông vẫn miệt mài sửa từng chiếc túi với giá chỉ vài chục nghìn đồng, nhưng thu nhập từ nghề làm da lại mang về cho ông cả trăm triệu đồng mỗi tháng.
Bình luận 0

Một ngày làm việc của ông Trần Văn Hóa. VD: N.T

Sửa đồ hàng hiệu, mỗi thứ chỉ lấy 50-100 nghìn đồng nhưng thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi tháng

Tại con ngõ nhỏ trên phố Láng Hạ (Hà Nội), ông Trần Văn Hóa (61 tuổi) vẫn miệt mài ngày đêm gắn bó sữa chữa những chiếc túi cũ. Với ông mỗi một chiếc túi đều có cảm xúc, linh hồn. Ông trân trọng và luôn cố gắng để chăm chút, sửa chữa giúp những chiếc túi trở nên đẹp và sang trọng hơn.

Làm nghề sửa đồ da không bao giờ là đơn giản, có những chiếc túi chỉ mất vài giờ là sửa xong. Có những chiếc túi mất cả tháng trời mới sửa xong. Dù vậy, người thợ lành nghề chỉ lấy công đủ tô phở sáng.

thu nhập nghề làm da

Sáng nào ông Trần Văn Hóa cũng dậy từ lúc 5 giờ sáng để chuẩn bị mở cửa tiệm và sửa chữa những chiếc túi cho khác. Ảnh: N.T

Ông Hóa kể lại, ông đến với nghề làm đồ da cũng rất tình cờ. Vào những năm 70 ông đi xuất khẩu lao động ở Nga, làm việc trong các công xưởng chế tác, rồi cơ duyên giúp ông được tiếp xúc với nghề sản xuất đồ da.

"Lúc đó tôi có quen một người bạn bản địa làm nghề da. Tôi đi theo anh ấy, lang bạt hết công xưởng này tới công xưởng kia, dần dần tìm tòi học hỏi về nghề làm da. Lúc về nước, ông làm nghề này mà không rõ mình đã yêu thích công việc này từ lúc nào", ông Hóa kể.

Những năm còn ở bên Nga, ông cũng từng buôn quần áo, túi xách đồ da về Việt Nam bán. Cho tới khi trở về Việt Nam thì ông mới quyết định mở cơ sở sửa chữa rồi sản xuất đồ da. Sau 20 năm lập nghiệp, giờ đây ông đã có tới 3 cửa hàng nằm trên con phố Láng Hạ, và 1 cơ sở sản xuất hiện đại trong TP.HCM.  

"Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ gắn bó với nghề này, cho tới khi trở về Việt Nam, càng làm càng nghiện. Nhìn những chiếc túi được may vá đẹp, được khách hàng yêu thích tôi lại càng có động lực làm việc", ông Hóa nói.

Công việc chính của ông Hóa là sửa chữa túi xách, giày da... Thu nhập từ nghề sửa giày da, túi xách không cao vì mỗi món đồ da ông sửa chỉ có giá từ 50-100 nghìn đồng. Trong khi đó, nếu gửi những chiếc túi hàng hiệu này về hãng sửa khách hàng có thể mất tiền triệu. 

Chị Nguyễn Thị Lan, một người chuyên sửa túi xách ở đây cho biết: "Thực sự tôi cảm thấy rất hài lòng với sản phẩm mà bác Hóa sửa. Đặc biệt tiền công bác sửa cũng rất rẻ”. Không chỉ sửa đồ giá rẻ, ông Hóa còn là người rất có tâm. Sự cẩn thận, tỉ mỉ của ông khiến nhiều khách hàng tin dùng, người nọ giới thiệu cho người kia vì thế số lượng khách hàng tăng dần theo năm tháng. Đến giờ ông đã có hàng trăm khách hàng quen. 

Thường những chiếc túi hỏng sẽ được gửi lại cửa tiệm từ 1-3 ngày. Ông Hóa chia sẻ: "Làm công việc này đòi hỏi sự tỉ mẩn, tập trung không thể nóng vội. Đôi khi có người giục giã nhưng thực tình càng giục tôi càng không thể tập trung làm được".

Ông Hóa cho biết thêm, công việc sửa đồ da thu nhập không cao, chỉ lấy công làm lãi. Thu nhập chính của ông và gia đình đến từ việc chế tác giày, dép, túi da… Hiện tại, để duy trì hoạt động ông đang phải thuê thêm 4 nhân công phục vụ bán hàng, đóng gói và hỗ trợ sản xuất. Theo tính toán, mức thu nhập từ nghề làm da có thể lên tới cả trăm triệu đồng/tháng.

Chế tác nhiều đồ da theo yêu cầu với mức "giá bèo"

Ngoài sửa chữa đồ da, cửa hàng của ông Hóa còn chế tác nhiều đồ da như: Giày; dép; túi da; ví da, dây thắt lưng; ba lô...

Những sản phẩm này đa dạng về mẫu mã, giá tiền. Thường có giá từ vài trăm nghìn tới vài triệu đồng. Ông Hóa cho biết, sản phẩm đắt nhất của ông là chiếc túi được làm từ da cá sấu có giá là 5 triệu đồng. Với những sản phẩm khác tùy thuộc công và chất liệu da. Mức giá này rẻ hơn nhiều so với những chiếc túi hàng hiệu có cùng chất liệu da. 

thu nhập từ nghề sản xuất đồ da

Anh Trần Văn Tiến (áo trắng) đang tư vấn sản phẩm cho khách hàng. Ảnh: N.T

Anh Trần Văn Tiến (26 tuổi) là cậu con trai duy nhất của ông Hóa nối nghiệp bố. Sau thời gian học đại học, anh Tiến quyết định rẽ ngang tìm học thêm về nghề làm đồ da rồi chuyển sang thiết kế, chế tạo da. Dù mới có 4 năm kinh nghiệm nhưng các sản phẩm anh Tiến làm ra đều rất đẹp, thời trang được nhiều khách hàng tin dùng.

Anh Tiến cho biết các sản phẩm được đặt nhiều nhất là dây đeo đồng hồ, ví đựng tiền, bao da đựng chìa khóa ô tô. Thời gian để làm một chiếc dây đồng hồ làm thường từ 1-2 ngày. Giá của mỗi sản phẩm cũng  khoảng vài trăm nghìn đồng. Còn bao da đựng chìa khóa ô tô có giá trên dưới 1 triệu đồng/chiếc.

thu nhập từ nghề làm da

Anh Trần Văn Tiến (26 tuổi) là cậu con trai duy nhất của ông Hóa nối nghiệp bố. Anh Tiến cho biết những sản phẩm như: Dây đeo đồng hồ, bao bọc chìa khóa xe hơi... là những thức được khách hàng đặt nhiều nhất. Ảnh: N.T

"Trung bình một tháng có thể nhận từ 30-40 đơn đặt hàng của khách hàng. Có tháng cao điểm lên tới 50-60 đơn. Nhiều lúc khách đặt nhiều không dám nhận, hoặc nhận phải rất lâu mới trả hàng được. Vì nhiều khi nếu làm nhanh, làm ẩu sản phẩm không được như ý", anh Tiến chia sẻ.

Ngoài khách hàng trong nước, hiện có rất nhiều khách hàng là người nước ngoài order sản phẩm của anh qua mạng xã hội, internet. Anh Tiến có tham vọng sẽ mở rộng kinh doanh đưa mặt hàng da của gia đình ra thị trường quốc tế và đó cũng chính là ước mơ của bố anh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem