Hóc dị vật - mối hiểm nguy cho trẻ nhỏ

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 13/03/2021 07:00 AM (GMT+7)
Liên tiếp các ca tai nạn trẻ em nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Nguyên nhân tai nạn hết sức tình cờ mà người lớn đều không lường trước được.
Bình luận 0

Đang chơi bỗng tím tái

Mới đây là 1 bé 2 tuổi (quê ở Đan Phượng, Hà Nội) được đưa vào Bệnh viện Nhi T.Ư trong tình trạng suy hô hấp, phải thở máy. Người nhà cho biết, buổi tối đang nằm chơi với bố mẹ thì bé đột ngột ho sặc sụa, tím tái, khó thở, đưa đến viện đã suy hô hấp nặng.

Hóc dị vật-mối hiểm nguy cho trẻ nhỏ - Ảnh 1.

Ca nội soi gắp dị vật là mảnh vỡ hạt điều cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh: BVCC

"Các bậc phụ huynh cần cẩn trọng khi lựa chọn đồ chơi cho trẻ, đồng thời rà soát kỹ môi trường xung quanh trẻ để đảm bảo an toàn. Những trường hợp nghi ngờ nuốt dị vật, đau bụng, nôn… cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra, xử lý kịp thời".

Bác sĩ Nguyễn Văn Linh

Tại khoa Điều trị tích cực nội khoa, qua thăm khám và hỏi bệnh sử, các bác sĩ nghĩ đến khả năng trẻ bị dị vật đường thở và đã tiến hành hội chẩn liên khoa điều trị tích cực và nội soi hô hấp để đưa ra hướng xử trí cho bệnh nhân. Trẻ được tiến hành nội soi phế quản. Trong quá trình làm thủ thuật các bác sĩ phát hiện miếng hạt điều nhỏ ở cuối phế quản gốc trái và đã được gắp ra thành công. Theo bác sĩ Tạ Anh Tuấn – Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa (Bệnh viện Nhi T.Ư), dị vật hạt điều không chỉ gây tắc nghẽn đường thở làm giảm thông khí ứ CO2, giảm oxy máu mà còn chứa tinh dầu gây viêm phổi do hóa chất.

Trước đó, các các sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư cũng phẫu thuật cấp cứu cho bé gái N.P.T (2 tuổi, ở Bắc Ninh) bị thủng ruột do nuốt 7 viên bi nam châm. Theo gia đình, trước khi nhập viện 3 ngày, trẻ đau bụng và nôn nhiều. Gia đình đã cho con đi khám tại một bệnh viện tư và uống thuốc tiêu hóa nhưng tình trạng không thuyên giảm.

Bác sĩ Nguyễn Văn Linh - Trưởng Khoa ngoại Quốc Tế S, Bệnh viện Nhi T.Ư - người trực tiếp phẫu thuật cho bé T cho biết, kết quả chụp X-quang phát hiện hình ảnh tắc ruột kèm dị vật cản quang trong ổ bụng là 7 khối hình cầu dính thành chuỗi. Ngay lập tức trẻ được tiến hành mổ cấp cứu.

"Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện 7 viên bi nam châm dính vào nhau gây tắc nghẽn ruột, khiến ruột thủng 3 vị trí. Các phẫu thuật viên đã loại bỏ dị vật, khâu kín vị trí ruột thủng, bơm rửa sạch ổ bụng và dẫn lưu. Hai ngày sau mổ, hiện tình trạng sức khỏe cháu tạm thời ổn định, tuy nhiên vẫn cần theo dõi thêm"- bác sĩ Linh chia sẻ.

Qua khai thác bệnh sử, được biết cách đây khoảng 5 tháng, bố bệnh nhi có mua đồ chơi là viên bi nam châm xếp hình về cho anh trai của cháu chơi. Trẻ vô tình nuốt phải viên bi nam châm từ lúc nào gia đình không hay.

Tai nạn với trẻ ở khắp nơi

Bác sĩ Tạ Anh Tuấn cho biết, hóc dị vật là tai nạn rất thường gặp ở trẻ, với rất nhiều các dị vật đa dạng, khác nhau. Các dị vật với kích thước lớn có thể gây suy hô hấp cấp, thiếu oxy não. Các dị vật kích thước nhỏ khi xâm nhập vào cơ thể và không được phát hiện ra và gắp bỏ có thể gây viêm phổi tái diễn nhiều lần.

"Do đó, để đề phòng các tai nạn cho trẻ em trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là trẻ bị dị vật đường thở, bên cạnh việc thường xuyên quan sát trẻ, cha mẹ cần chú ý, không đeo trên người trẻ các vòng hạt, vật sắc nhọn (kim băng, ghim...). Đồng thời không cho trẻ tự ăn các hạt, hoa quả có hạt (cần loại bỏ hạt trước khi cho trẻ ăn), không cho trẻ bú mẹ và trẻ nhỏ cầm chơi các đồ chơi hình thù tròn nhỏ vì trẻ có thể đưa vào miệng gây dị vật đường thở.

Với trẻ lớn hơn trong độ tuổi mẫu giáo, gia đình và cô giáo cần giáo dục, hướng dẫn trẻ không chạy nhảy, vận động mạnh trong khi ăn uống để tránh sặc thức ăn vào đường thở có thể gây nguy hiểm tính mạng"- bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Linh cũng nhấn mạnh, trẻ dưới 3 tuổi với bản tính hiếu kỳ, thích khám phá thế giới xung quanh nên rất hay nuốt dị vật. Hàng năm, Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ nhập viện do nuốt, hóc dị vật như đồ chơi, cúc áo, đồng xu… Tuy nhiên, trường hợp trẻ nuốt phải đồ chơi là bi nam châm như trường hợp trên lại đặc biệt nguy hiểm.

"Do nam châm là một tổ hợp chất gần giống kim loại mang trong mình từ tính, từ tính này luôn tồn tại và tác dụng lên các kim loại khác. Chính vì vậy, khi trẻ nuốt phải từ 2 viên bi nam châm trở lên chúng sẽ có xu hướng tự hút dính vào nhau, dọc theo đường tiêu hóa ở các đoạn ruột khác nhau và không di chuyển tiếp, gây tắc và tạo sức ép lên thành ruột, gây thiếu máu cục bộ, từ đó dẫn tới hoại tử và thủng ruột. Thậm chí còn gây sốc nhiễm trùng, dẫn tới tử vong" - bác sĩ Linh lý giải. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem