Học bổng Chính phủ New Zealand lên tới 100% học phí, rất nhiều ngành "hot"

Tào Nga Thứ sáu, ngày 09/12/2022 07:30 AM (GMT+7)
Tính đến năm 2020, đã có 350 sinh viên Việt Nam được trao Học bổng Chính phủ New Zealand. Năm 2023, học bổng dự kiến sẽ tái khởi động.
Bình luận 0

Học bổng New Zealand

Học bổng Chính phủ New Zealand (nay là Học bổng Manaaki New Zealand Scholarships) là học bổng đào tạo sau đại học (gồm cả học bổng tiến sĩ) dành cho sinh viên Việt Nam. Trong khi đó, Học bổng Thủ tướng New Zealand (Prime Minister's Scholarships for Asia – PMSA) là sáng kiến đem đến cơ hội cho các sinh viên New Zealand nghiên cứu và thực tập tại các nước Châu Á. Tính đến năm 2019, 143 sinh viên đã học tập hoặc thực tập tại Việt Nam thông qua học bổng PMSA, và trong năm 2022, đã có 27 nhóm sinh viên và 2 cá nhân đạt học bổng PMSA cho chương trình học và thực tập tại Việt Nam.

Về phía học bổng Chính phủ, nổi bật nhất là Học bổng Manaaki New Zealand Scholarships (hay còn gọi là Học bổng Chính phủ New Zealand Scholarships - NZS). Đây là chương trình học bổng toàn phần đã triển khai từ những năm 1990 dành cho bậc sau đại học. Trong hơn 3 thập niên, học bổng đã chắp cánh ước mơ cho hơn 355 bạn trẻ Việt có niềm đam mê học tập và mong muốn đóng góp giá trị cho cộng đồng, đồng thời đào tạo tiếng Anh cho hơn 550 cán bộ hiện đang làm việc trong Chính phủ Việt Nam. Danh giá về mặt giá trị, lâu đời về lịch sử, đây sẽ là Học bổng Manaaki New Zealand Scholarship sẽ dành cho những nhà lãnh đạo trẻ của Việt Nam. Năm 2023, học bổng dự kiến sẽ tái khởi động.

Học bổng Chính phủ New Zealand lên tới 100% học phí, nhiều ngành "hot" - Ảnh 1.

Học bổng Manaaki New Zealand Scholarship sẽ dành cho những nhà lãnh đạo trẻ của Việt Nam. Ảnh: ENZ

Học bổng Manaaki New Zealand Scholarships có điều kiện ứng tuyển ít nhất 18 tuổi khi bắt đầu nhận học bổng. Đối với trường hợp thí sinh mới 17 tuổi khi nộp đơn, thí sinh sẽ cần đủ 18 tuổi đến lúc bắt đầu nhận học bổng cho học kỳ I.

Thị thực học sinh: Thí sinh chỉ cần phải chuẩn bị thị thực học sinh sau khi đã chính thức giành được học bổng. Chứng chỉ học thuật sẽ kiểm tra theo yêu cầu của trường. Chứng chỉ ngoại ngữ còn giá trị trong vòng 12 tháng. 

Đối với hệ đào tạo sau đại học: IELTS Overall 6.5 và không có kỹ năng nào dưới 6.0/ TOEFL 90 với điểm Writing đạt 21/ PTE Academic Overall 58 và không có kỹ năng nào dưới 50/ Cambridge Academic English (advanced) Overall 176 và không có kỹ năng nào dưới 169.

Đối với hệ đào tạo đại học: IELTS Overall 6.0 và không có kỹ năng nào dưới 5.5/ TOEFL 80 với điểm Writing đạt 21/ PTE Academic Overall 50 và không có kỹ năng nào dưới 42/ Cambridge Academic English (Advanced) Overall 169 và không có kỹ năng nào dưới 162.

Kinh nghiệm làm việc: Đối với hệ đào tạo sau đại học, thí sinh cần có 1 năm kinh nghiệm làm việc toàn thời gian hoặc 2 năm kinh nghiệm làm việc bán thời gian. Các kinh nghiệm này phải có liên quan đến ngành học các thí sinh đang ứng tuyển.

Các ngành học nhận học bổng là Biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững với Biến đổi khí hậu và môi trường (Biến đổi khí hậu; Khoa học biến đổi khí hậu; Chính sách và quy hoạch môi trường; Luật môi trường; Xây dựng dân dụng; Quản lý nước; Quản lý tài nguyên thiên nhiên)

Quản lý rủi ro thiên tai (Quản lý thiên tai; Quản lý khẩn cấp; Địa chất; Địa kỹ thuật)

An ninh lương thực và Nông nghiệp (Kinh doanh nông nghiệp; Khoa học nông nghiệp; Công nghệ nông nghiệp; Nuôi trồng thủy sản; Quản lý trang trại; Thực phẩm công nghệ; Quản lý chuỗi cung ứng).

Năng lượng tái tạo (Hệ thống và công nghệ phân phối năng lượng; Quản lý năng lượng; Chính sách năng lượng; Năng lượng địa nhiệt; Năng lượng thủy điện; Năng lượng thủy nhiệt; Năng lượng mặt trời và gió).

Chính phủ (Chính sách công, quản lý dịch vụ công).

Học bổng bao gồm các khoản phí sau: Toàn bộ học phí (bao gồm cả phí ghi danh, phí nhập học và hội phí sinh viên); Phí di chuyển giữa hai nước (thời điểm bắt đầu và kết thúc kỳ học); Trợ cấp cố định (3,000 USD cho năm đầu, 1,000 USD cho mỗi năm sau).

Sinh hoạt phí (531 USD mỗi tuần); Bảo hiểm y tế và bảo hiểm du lịch; Phí bổ trợ (Additional tutoring); Trợ cấp nghiên cứu sau đại học; Trợ cấp luận án sau đại học; Phí hỗ trợ tinh thần sau khi về nước (Reintegration allowance) (1,000 USD).

Thời hạn đăng ký: Từ 18h ngày 31/1/2023 đến 6h ngày 28/2/2023.

Tăng cường hợp tác quan hệ hợp tác New Zealand – Việt Nam

Trong chuyến công du của Thủ tướng Jacinda Ardern mới đây, một sự kiện đặc biệt dành cho cựu du học sinh New Zealand quy tụ hơn 100 khách tham dự, trong đó có gần 70 cựu du học sinh, đã được tổ chức tại TP.HCM. Tại sự kiện, Thủ tướng Jacinda cũng tuyên bố ra mắt huy hiệu kỹ thuật số (digital badge) I AM NEW dành riêng cho cựu du học sinh New Zealand tại Việt Nam.

Thêm cơ hội nhận học bổng New Zealand cho học sinh, sinh viên Việt Nam - Ảnh 3.

Thủ tướng Jacinda Ardern tham quan dự án kinh doanh về sản xuất dệt may bền vững của cựu du học sinh New Zealand. Ảnh: ENZ

Ông Ben Burrowes – Giám đốc khu vực Châu Á của Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand - ENZ) - một thành viên của phái đoàn thương mại và giáo dục, chia sẻ: "Không ai có thể cảm nhận và truyền đạt giá trị của nền giáo dục New Zealand rõ nét hơn chính những du học sinh đã trực tiếp học tập và sinh sống tại đây. Chúng tôi rất tự hào khi thấy các cựu du học sinh đạt được thành công trong sự nghiệp và trở thành những đại sứ đáng quý cho nền giáo dục New Zealand".

Trong năm 2021, Việt Nam đứng thứ 4 về số lượng học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở đào tạo của New Zealand, và gần một nửa trong số đó là theo học tại các trường đại học New Zealand. Đồng thời, New Zealand cũng được hưởng lợi từ sinh viên quốc tế khi họ mang đến những nét văn hóa, quan điểm và góc nhìn mới mẻ. Từ đó, học sinh sinh viên các nước có cơ hội học hỏi lẫn nhau, xây dựng một tương lai gắn kết, mạnh mẽ và dễ thích nghi.

Thêm cơ hội nhận học bổng New Zealand cho học sinh, sinh viên Việt Nam - Ảnh 1.

Thủ tướng hai nước chứng kiến ký kết Thoả thuận Hợp tác Giáo dục giữa giữa Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục New Zealand. Ảnh: ENZ

Cũng trong chuyến thăm cấp cao này, thoả thuận Hợp tác Giáo dục giữa Bộ GDĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục New Zealand đã được tái ký trước sự chứng kiến của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính. Theo đó, hai bên sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường, thúc đẩy và phát triển hợp tác về giáo dục trên cơ sở có lợi cho song phương và mở rộng các lĩnh vực hợp tác, từ giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và trung học, giáo dục đại học cho đến các khung đào tạo quốc gia và đào tạo tiếng Anh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem