Đây là bà Hoàng Thái Hậu nhà Lê Sơ có số phận "ba chìm bảy nổi", chứng kiến 2 cuộc đảo chính, lật ngôi báu

Lê Uyên (Cổng TTĐT huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) Thứ năm, ngày 07/12/2023 20:11 PM (GMT+7)
Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao sinh năm Canh Tý (1420) tại huyện Yên Định Phủ Thiệu Thiên nay là xã Định Hoà, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Con gái Ngô Từ, cháu nội Ngô Kinh; cả ông nội và bố đều là khai quốc công thần của triều Lê Sơ (1428-1528)...
Bình luận 0

 Nhân dịp 527 ngày giỗ Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao (từ 20 đến 26/3 Âm lịch) xã Định Hòa, huyện Yên Định, (tỉnh Thanh Hóa) xin trân trọng giới thiệu đôi nét về cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách và đức hạnh của bà, người từng được tôn xưng là "Mẫu nghi thiên hạ".

Ngô Thị Ngọc Dao (1420 - 1496) còn gọi là Quang thục Hoàng Thái hậu là mẹ đẻ của vua Lê Thánh Tông. Bà là người có công lớn với 3 vị hoàng đế triều Lê, đặc biệt là người có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, nhân cách, công đức và sự nghiệp của Lê Thánh Tông, 1 trong những vị quốc vương sáng nhất trong lịch sử các triều đại Phong kiến Việt Nam.

Ngọc Dao vốn là con gái của Diên ý Dụ Vương Ngô Từ, một khai quốc công thần triều Lê Sơ, được phong Thái bảo vì có công trông giữ cứ địa, cung cấp quân lương ngay trong những ngày đầu kháng chiến chống giặc Minh xâm lược. Mẹ bà là Đinh Thị Ngọc Kế, con gái của Hiển Khánh vương Đinh Lễ.

Phả cũ chép rằng: Khi sinh Ngô Thị Ngọc Dao bà mẹ thấy Tiên trên cung trăng xuống nhà, tỉnh giấc trong nhà có mùi hương lạ, trong không trung có tiếng nhạc âm điệu khác thường. Lớn lên Ngọc Dao thường ở bên ngoại, khi ra đồng làm ruộng có đám mây ngũ sắc che trên đầu, trẻ chăn trâu thường đi theo đều được che mưa nắng.

(Có tài liệu nói rằng Ngô Thị Ngọc Dao mồ côi mẹ từ nhỏ nên được bà ngoại nuôi).

Đây là bà Hoàng Thái Hậu nhà Lê Sơ có số phận "ba chìm bảy nổi", chứng kiến 2 cuộc đảo chính, lật ngôi báu - Ảnh 1.

Cổng vào Điện Thừa Hoa và Từ Đường Phúc Quang xã Định Hòa, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa-quê hương bà Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ ruột vua Lê Thánh Tông.

Năm 1434 Lê Nguyên Long, con trai thứ 2 của vua Lê Thái Tổ lên ngôi, tức vua Lê Thái Tông. Năm 1436 khi 16 tuổi, nhân có chị ruột là Ngọc Xuân vốn là cung nhân của Thái tổ Lê Lợi còn đang ở trong cung, Ngọc Dao vào chơi với chị, được vua Lê Thái Tông để ý, cho giữ lại làm cung nhân.

Tháng 6 năm Canh Thân 1440 Ngọc Dao được phong Tiệp Dư, cho ngự ở cung Khánh Phương. (Tiệp Dư là bậc cung tần sau tam phi và cửu tần, đứng đầu sáu chức cung giai, lo việc tiếp khách trong cung, phẩm cấp tương đương tước Hầu của triều đình). 

Ngọc Dao dạy con em các nhà trong triều tư cách cử chỉ ăn nói, biết lễ nghi, phép tắc đối với người trên, lấy ân đãi người dưới … Nhà vua rất yêu quý. 

Bà sinh con đầu lòng là Công chúa Diên Trường, đến năm 1442 sinh Tư Thành, sau này là vua Lê Thánh Tông. 

Khi mang thai Tư Thành, Thái hậu mơ thấy Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con Thái hậu, tiên đồng chần chừ chưa chịu đi; Thượng đế nổi giận, lấy cái hốt ngọc đánh vào trán; vì vậy, khi sinh ra, trên trán Lê Tư Thành có dấu lõm sâu màu đỏ, khi lớn lên ngấn ấy hiện hình thành chữ “vương”.

Tương truyền, bà Ngô Thị Ngọc Dao được vua Thái Tông rất yêu mến, song việc bà mang thai con trai 12 tháng đã bị bọn người xấu dèm pha ghép vào tội dối vua nên bị bắt trói lại để chờ hành quyết. 

May có Lê Khang là người tốt can gián, bà được thả ra và Nguyễn Trãi đã nhờ người tin cẩn đem bà trốn ra chùa Huy Văn ở Đông Đô (nay thuộc Hà Nội). 

Mọi người đã vui vẻ đón tiếp và bà cũng nhanh chóng hoà mình vào cuộc sống đạm bạc nơi cửa phật. Đến kỳ sinh nở, bà sinh Lê Tư Thành ở sau chùa. Khi Lê Tư Thành chưa đầy tháng tuổi thì Lê Thái Tông - Vua cha đã qua đời. 

Ngô Thị Ngọc Dao sinh con và ở goá nuôi con từ khi con còn trứng nước. Sống xa chốn cung đình, gần gũi nhân dân, bà đã tự rèn luyện, thực hành đạo đức làm gương cho con và cho mọi người. 

Bà chăm lo răn dạy Lê Tư Thành mọi điều không chỉ trong thời niên thiếu mà ngay cả khi con đã làm vua. “Việc không phải vì lợi ích riêng, đề cao mình mà can thiệp vào việc triều chính”. 

Được dạy dỗ chu đáo, Lê Thánh Tông biết, tiếp thu mọi điều hay mẹ dạy; ngày đêm chăm lo lễ nhạc văn chương phát huy pháp luật, thuần phong mỹ tục, “mỗi đổi thay hoàn hảo đều có công của Hoàng Thái Hậu”.

Hoàng tử Tư Thành ra đời mới được vài tháng thì xảy ra vụ án Lệ Chi Viên. Ngày 4 tháng 8 năm 1442, Thái Tông Văn hoàng đế chết đột ngột ở Lệ Chi Viên, tục gọi là Trại Vải, ở làng Đại Lại, nay thuộc Gia Bình, Bắc Ninh. Mấy ngày sau, ngày 12 tháng 8, Thái tử Lê Bang Cơ lên ngôi, tức Hoàng đế Lê Nhân Tông.

Ngày 16 tháng 8 năm 1442, Nguyễn Trãi bị triều đình khép tội giết Tiên đế Thái Tông và bị tru di tam tộc. Sau sự việc này, Thần phi Nguyễn Thị Anh chính thức trở thành Hoàng Thái hậu nhiếp chính, bắt đầu giai đoạn điều hành chính sự hơn 10 năm của mình.

Đến năm Tư Thành bốn tuổi thì Tuyên Từ thái hậu Nguyễn Thị Anh mới cho người đi tìm, rước mẹ con bà Ngọc Dao về Kinh, phong cho Tư Thành làm Bình Nguyên Vương, bà Ngọc Dao được thăng làm Sung Viên cho ra phụng sự nhà Thái miếu.

Bang Cơ ở ngôi được 17 năm, ngày 3 tháng 10 năm 1459, Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân cùng các thủ hạ tin cậy đem hơn trăm quân vào cung cấm giết chết, hôm sau giết luôn Thái hậu. Nghi Dân lên ngôi, Tư Thành không bị Nghi Dân sát hại, nhưng phải cải phong làm Gia vương.

Chín tháng sau diễn ra một cuộc đảo chính thứ hai. Tháng 6 năm Canh Thìn 1460 các đại thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Lê Lăng, Lê Niệm, Nguyễn Đức Trung, Ngô Khế… làm binh biến giết chết Lê Nghi Dân và đưa Gia vương Tư Thành lên ngôi, tức Lê Thánh Tông. 

Lên làm vua, Tư Thành ra chùa Huy Văn đón mẹ vào cung. Ngô Thị Ngọc Dao nói: “Nay mẹ tuổi đã cao, ăn chay niệm Phật đã quen, con để mẹ ở ngoài chùa này, cho yên tĩnh tuổi già”. Nhà vua bèn sai dựng thêm điện cho mẹ ở, tôn làm Quang Thục Hoàng Thái hậu, hàng tuần ra chùa thăm mẹ.

Ngô Thị Ngọc Dao là người có tư chất cao quý thuần hòa, thông minh mẫn tiệp, lại được sinh ra trong một gia đình vương hầu khanh tướng, thừa hưởng một nền giáo dục gia giáo theo khuôn vàng thước ngọc của Đạo Khổng, nên lớn lên trở thành một cô gái nết na hiền dịu, trọn đời với lối sống mẫu mực đoan trang. 

Các việc nữ công nữ tắc như may vá thêu thùa, cỗ bàn cơm rượu bà thường đều tự tay làm. Bà cẩn thận kỹ càng từ nét mặt dáng đi, xiêm y luôn tề chỉnh, đối xử với mọi người luôn giữ vẻ ôn hòa, đôn hậu.

Tuy ở ngôi cao nhưng Ngọc Dao luôn luôn cần kiệm, không bao giờ sống xa hoa, cũng không bao giờ cậy thế để tham dự việc triều chính. Bà luôn cẩn trọng trong các nghi lễ, nghiêm trang cung kính nơi tông miếu. Mỗi khi các nơi đưa của ngon vật lạ đến dâng tiến, bà đều cho lệnh phải dâng cúng trước rồi mới tiến cho vua dùng.

Tuy nghiêm khắc nhưng bà thường thương xót chu cấp cho người nghèo. Khi Thiếu phủ cung cấp vàng lụa, bà đều đem ban cho mọi người. Từ con cháu đến kẻ hầu người hạ ai cũng nhận được sự thương mến của bà. Vì vậy ở trong cung, mọi người đều tôn gọi bà là “Phật sống”.

Ngô Thị Ngọc Dao được các đại thần đương triều đánh giá rất cao và cho rằng bà là người có công lớn với xã tắc, đặc biệt là người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Thánh Tông, nuôi dạy đức vua từ nhỏ đến lúc trưởng thành, luôn kề vai sát cánh cùng đức vua trong quá trình cai trị đất nước, giáo hóa nhân dân.

Ngày 26 tháng 2 (nhuận) Năm 1496, Ngô Thái hậu qua đời, thọ 76 tuổi. Sau khi bái yến Lam Kinh, bà bị bệnh nặng rồi mất tại Thừa Hoa điện. Lê Thánh Tông đau buồn, truy tôn bà làm Quang thục Hoàng Thái hậu, về sau tôn xưng Quang thục Văn Hoàng hậu.

Ở xã Định Hòa, hiện có đền thờ Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Đền được mang tên Đền Thánh Mẫu, nằm trong quần thể Di Tích văn hoá Đồng Phang, gồm: Đền Thánh Mẫu, Phúc quang Từ đường và chùa Thiên Phúc.

Nguyên năm Mậu Tý niên hiệu Quang thuận thứ 9 (1468), Lê Thánh Tông cho xây Thuần Mậu Đường tại Đồng Bàng hương (Tức Đồng Phang – nay là xã Định Hoà), đất ngoại Tổ để phụng dưỡng mẫu hậu mỗi khi về thăm quê ngoại. 

Đến năm Quý Tỵ niên hiệu Hồng Đức thứ 4 (1473) Thuần Mậu Đường được trùng tu và cải tên thành Thừa Hoa Điện. Sau khi Thái Hậu qua đời, Thừa Hoa Điện trở thành nơi thờ tự Hoàng Thái hậu và mang tên Đền Thờ Thánh Mẫu (Phủ Nhì). 

Hàng năm ngày 26 tháng 3 là ngày huý nhật của Thánh Mẫu,  nhân dân trong xã hương khói phụng thờ. Đền là một công trình quy mô, được xây theo lối kiến trúc phương Đông, mang đậm dấu ấn văn hoá thời Lê. 

Theo lệ hàng năm lễ hội Kỵ Đền được các quan chức triều đình tiến hành nghi lễ từ ngày 23 đến 26/3. Trong những ngày này (bắt đầu từ 20/3 đến hết 26/3 âm lịch) con cháu họ Ngô và khách thập phương khắp nơi đổ về Đồng Phang (xã Định Hòa, huyện Yên Định) dâng hương dự hội.

Gần 600 năm đã qua, Lịch sử Việt Nam trải qua bao thăng trầm; song tấm gương Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao vẫn lung linh toả sáng. Với công lao nuôi dưỡng, giáo dục con trai trở thành vị vua anh minh của dân tộc, Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao xứng đáng được xếp ở vị trí hàng đầu các vị hoàng hậu nước Đại Việt.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem