Hiệu quả từ các mô hình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại huyện Bình Chánh

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 10/11/2022 16:40 PM (GMT+7)
Từ vùng đất chua phèn, năng suất cây lúa, cây mía thấp, nông dân huyện Bình Chánh, TP.HCM mạnh dạn chuyển đổi sang các mô hình nông nghiệp đô thị như trồng rau, hoa lan, cây kiểng… cho giá trị kinh tế cao, ổn định.
Bình luận 0

Bộ mặt huyện nông thôn mới Bình Chánh, TP.HCM đã thay đổi tích cực, thu nhập và cuộc sống của người dân ngày càng tốt hơn khi các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị cho hiệu quả kinh tế cao.

Thu tiền tỷ nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Từ trồng cây lúa năng suất luôn thấp, giá cả lại bấp bênh, ông Hồ Thanh Tùng (ngụ tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh) đã mạnh dạn thực hiện theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sang trồng hoa lan. Thời gian đầu, ông đầu tư vào 48.000 chậu hoa lan các loại. 

Hiệu quả từ các mô hình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại huyện Bình Chánh - Ảnh 1.

Ông Hồ Thanh Tùng (ngụ xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh) chuyển từ trồng lúa sang trồng hoa lan cho thu nhập cao, ổn định. Ảnh: Đ.Thanh

Sau một thời gian, đánh giá tình hình tiến triển tốt, ông thuê thêm 4.000 m2 đất nữa để mở rộng sản xuất, đồng thời đầu tư thêm hệ thống phun tưới tự động, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh…

Với tổng diện tích 8.000 m2 trồng hoa lan hiện nay, gia đình ông Tùng có thu nhập ổn định ở mức khoảng 750 triệu mỗi năm. Ngoài ra, còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động tại địa phương với mức thu nhập hơn 6 triệu đồng/người/tháng và nhiều lao động thời vụ với mức thu nhập 300.000 đồng/người/ngày.

Ở lĩnh vực trồng trọt, ngoài hoa lan, nhiều mô hình nông nghiệp đô thị khác tại huyện Bình Chánh như trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng bưởi da xanh, các loại hoa, cây kiểng như hoa mai vàng tại xã Bình Lợi đang cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng mía, trồng lúa trước đây.

Những ao nuôi cá thịt, ao trồng lúa, trồng sen trước đây có hiệu quả kinh tế thấp, bấp bênh cũng được nhiều nông dân chuyển đổi sang nuôi cá kiểng, cá chép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hiệu quả từ các mô hình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại huyện Bình Chánh - Ảnh 3.

Ông Trương Trung Cường (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) thành công với mô hình nuôi cá kiểng. Ảnh: Đ.Thanh

Ông Trương Trung Cường (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) đã thành công với mô hình này. Với diện tích 3ha cá cảnh, thu nhập hàng năm của ông Cường đều trên 1 tỷ đồng. Ông cho biết việc chuyển đổi từ trồng lúa, nuôi cá thịt sang nuôi cá cảnh có ý nghĩa rất lớn. Nó phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nên chất lượng cá tốt, nhu cầu của thị trường, nhất là tại đô thị lớn như TP.HCM rất cao. Nhờ vậy, đầu ra luôn ổn định. 

Hiện anh Cường đã và đang tích cực hướng dẫn, truyền kinh nghiệm cho nông dân trong xã phát triển nghề nuôi cá cảnh trong ao đất. Với diện tích mặt nước lớn, thời gian qua, các hộ đã phát triển, mở rộng quy mô và cùng nhau liên kết nên có sản xuất là có đầu ra.

Hướng đến nông nghiệp đô thị bền vững

Theo lãnh đạo huyện Bình Chánh, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình trồng mai vàng tại xã Bình Lợi, trồng bưởi da xanh tại xã Phạm Văn Hai, nuôi cá kiểng tại xã Bình Lợi, Phong Phú, Tân Nhựt, rau an toàn tại xã Tân Quý Tây, Hưng Long, Bình Chánh…

Hiệu quả từ các mô hình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị tại huyện Bình Chánh - Ảnh 4.

Rau an toàn của HTX Phước An (xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Ảnh: Hồng Phúc

Các kết quả này cùng nhờ có sự phối hợp chặt chẽ, thực hiện hiệu quả thông qua chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã và các chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp trong giai đoạn thực hiện nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm.

Nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố, trong đó có sản phẩm rau an toàn, cá kiểng, TP.HCM có Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND, Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND, Quyết định số 655/QĐ-UBND; Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND, Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND, Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND, Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND, Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND...

Triển khai các nội dung trên, các doanh nghiệp, HTX, THT, hộ nông dân khi tham gia vay vốn từ tổ chức tín dụng để sản xuất cá kiểng, rau an toàn sẽ được ngân sách thành phố hỗ trợ lãi vay cao nhất đến 100%.

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, đánh giá huyện Bình Chánh là địa phương đã từng bước thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đúng định hướng, có hiệu quả và có nhiều lợi thế trong phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố như rau, hoa, cây kiểng và cá cảnh. Huyện Bình Chánh đang sở hữu 6/27 sản phẩm OCOP cấp thành phố năm 2021. Đây là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị tại TP.HCM.

Ông Hiệp đề nghị trong thời gian tới, huyện cần đề ra mục tiêu tiếp tục xây dựng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP. Để thực hiện mục tiêu đó, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương với ngành nông nghiệp, nông dân và các cơ quan chuyên môn có liên quan để phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem