Hậu Giang xây dựng nông thôn mới: Thạnh Xuân dần về đích “kiểu mẫu”

Tuấn Linh Thứ ba, ngày 15/11/2022 10:27 AM (GMT+7)
UBND tỉnh Hậu Giang đặt kế hoạch trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh công nhận thêm 10 xã nông thôn mới (NTM), riêng trong năm 2022 này là 3 xã; đồng thời công nhận thêm 14 xã NTM nâng cao và 5 xã NTM kiểu mẫu.
Bình luận 0

 Đặc biệt, dự kiến xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A phấn đầu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh trong năm 2022 này.

Thạnh Xuân vinh dự là xã đầu tiên của huyện Châu Thành A và là xã thứ 2 của tỉnh được công nhận NTM nâng cao. Kết quả đó là bệ đỡ và là động lực để Thạnh Xuân đề ra mục tiêu đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Hậu Giang.

Từ điểm xuất phát thấp…

Thạnh Xuân là 1 trong 175 xã có thành tích trong công tác từ năm 2014 - 2018, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Hậu Giang xây dựng nông thôn mới: Thạnh Xuân dần về đích “kiểu mẫu” - Ảnh 2.

Hậu Giang xây dựng nông thôn mới: Thạnh Xuân dần về đích “kiểu mẫu” - Ảnh 3.

Mô hình nuôi ba ba, cua đinh của HTX Chăn nuôi ba ba Thạnh Lợi (xã Thạnh Xuân) đạt doanh thu hơn 2 tỷ đồng/năm. Ảnh: Hữu Toàn

Mới đây, xã Thạnh Xuân đã ra mắt "Tổ vệ sinh môi trường" với 7 thành viên. Hoạt động này nhằm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của đề án Hậu Giang xanh, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm người dân trong giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt, chất thải sản xuất nông nghiệp…

Xã Thạnh Xuân là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, với nhiều di tích, trong đó có Khu di tích lịch sử Tầm Vu, khu di tích Địa điểm thành lập Ủy ban Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam tỉnh Cần Thơ. Nhân dân xã Thạnh Xuân có truyền thống yêu nước, anh hùng trong chiến đấu. Năm 1995 xã Thạnh Xuân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Xã có diện tích tự nhiên 1.754,67ha, dân số hơn 10.000 người; có trên 80% dân số sống chủ yếu là sản xuất nông nghiệp.

Xã Thạnh Xuân bắt tay xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp, năm 2011 xã chỉ đạt 5/19 tiêu chí. Cơ sở vật chất còn hạn chế, hạ tầng giao thông, thủy lợi phát triển không đồng bộ, trường học, cơ sở vật chất văn hóa phải đầu tư nhiều mới đảm bảo đạt tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người năm 2011 đạt dưới 20 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khá cao.

Được sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, UBND huyện Châu Thành A và sự quyết tâm Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Thạnh Xuân tập trung xây dựng xã NTM… Đến năm 2017 xã Thạnh Xuân được công nhận đạt chuẩn NTM, Khi đó, thu nhập bình quân đầu người của xã là 38 triệu đồng/năm; hộ nghèo của xã dưới 4%.

Không dừng lại với thành quả ban đầu đó, chính quyền và nhân dân xã Thạnh Xuân tiếp tục chỉ đạo nâng chất xã NTM, quyết tâm xây dựng xã NTM nâng cao. Hướng đi mà xã lựa chọn là tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả.

Hậu Giang xây dựng nông thôn mới: Thạnh Xuân dần về đích “kiểu mẫu” - Ảnh 5.

Cụ thể, về phát triển kinh tế hộ, nhiều mô hình được xã và người dân trong xã chú trọng xây dựng, triển khai như nuôi cá thát lát, nuôi ba ba, trồng cam sành sử dụng màng phủ, trồng măng cụt, trồng chanh không hạt, ươm cây giống... Đến giữa năm 2020, toàn xã có 250 mô hình sản xuất hiệu quả, trong đó 160 mô hình đạt lợi nhuận từ 150 triệu đồng/ha/năm trở lên.

Cũng đến giữa năm 2020, toàn xã Thạnh Xuân có 20km đường ấp, liên ấp được bê tông hóa, nhựa hóa đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ trên 76,9%; đường ngõ xóm, đường dân sinh được cứng hóa 17,9km, đạt 100%.

Tháng 6/2020, xã Thạnh Xuân đã đạt 16/16 tiêu chí và được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Thạnh Xuân là xã đầu tiêu của huyện Châu Thành A và cũng là xã thứ 2 của tỉnh đạt chuẩn NTM. Thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 56 triệu đồng/năm, gấp 1,24 lần xã NTM, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều chỉ còn 0,71% (16 hộ).

Trao danh hiệu xã NTM cho chính quyền và người dân Thạnh Xuân, ông Đồng Văn Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nhấn mạnh: Đảng ủy, UBND xã Thạnh Xuân cần xây dựng kế hoạch củng cố, nâng chất các tiêu chí để duy trì, phát huy kết quả đã đạt và từng bước xây dựng xã NTM kiểu mẫu.

Đích đến "kiểu mẫu" không còn xa

Hậu Giang xây dựng nông thôn mới: Thạnh Xuân dần về đích “kiểu mẫu” - Ảnh 6.

Cây cầu bê tông bắc qua sông Láng Hầm nối liền ấp Xẻo Cao và Xẻo Cao A (xã Thạnh Xuân) được xây dựng mới với kinh phí gần 500 triệu đồng, từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: H.T

Vừa qua, Văn phòng điều phối NTM tỉnh đã tham mưu và vừa được UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí để đánh giá, xét công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Theo ông Phạm Nhật Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân: "Từ khi xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chúng tôi đã có ý tưởng xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Căn cứ để xã thực hiện mục tiêu này là Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, và bộ tiêu chí để đánh giá, xét công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Hậu Giang gồm 9 tiêu chí".

Tiếp tục nâng chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông theo tiêu chí NTM kiểu mẫu, xã Thạnh Xuân đã chọn nâng cấp tuyến đường thuộc ấp So Đũa Lớn và một phần ấp Trầu Hôi, có bề rộng 5m, chiều dài 1,3km, dẫn vào Khu di tích Địa điểm thành lập Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tỉnh Cần Thơ vừa được xây dựng. Trên tuyến đường này, xã tiến hành trồng cây sao, hoa quỳnh anh, sao nhái và hoa mười giờ. Bên cạnh tuyến đường này, xã còn dự kiến thực hiện thêm 2 tuyến đường đẹp ở ấp Xẻo Cao A và ấp Láng Hầm.

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang (người dân ở ấp So Đũa Lớn), cho hay: "Từ ngày con đường này được mở ra, trồng thêm cây xanh và hoa, người dân rất thích đi qua đây vì đường rộng, sạch, đẹp. Chiều chiều người dân ra đây đi dạo vui lắm!".

Cùng với đó, tuyến đường kiểu mẫu tại xã Thạnh Xuân nối từ đường Nguyễn Việt Hồng vào Khu di tích Mặt trận giải phóng Miền Nam tỉnh Cần Thơ được UBND tỉnh đầu tư xây dựng. Đoạn đường có chiều dài 1.200m, chiều ngang 6m, được đầu tư xây dựng kiên cố. Sau khi tuyến đường hoàn thành, các ban ngành, đoàn thể và người dân xã Thạnh Xuân đã tập trung trồng hoa kết hợp trồng cây sao dọc hai bên đường, tạo được cảnh quan tươi đẹp làm thay đổi diện mạo quê hương - đây là điều kiện để xã Thạnh Xuân hoàn thành các nội dung tiêu chí thực hiện xây dựng xã NTM kiễu mẫu năm 2022. Tuyến đường đã được hoàn thành và ra mắt hôm 20/9/2022.

Việc phát triển kinh tế nông nghiệp tiếp tục được xã và người dân Thạnh Xuân chú trọng. Ông Phạm Quốc Việt - Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, cho biết: Hiện nay, địa phương đã quy hoạch được các vùng cây ăn trái chủ lực như cam mật, cam xoàn, mít, măng cụt, sầu riêng, cam sành, dâu Hạ Châu… với diện tích gần 1.000ha, cho thu nhập từ 100 đến hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, người dân địa phương tiếp tục đầu tư sản xuất cá giống (cá thát lát) và nuôi ba ba với thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến tiền tỷ mỗi năm. Theo bà Lê Thanh Xuân - Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Xuân, đến nay toàn xã có 1.124 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem