Hành vi nào sẽ bị xử phạt trong giáo dục nghề nghiệp lên tới 150 triệu đồng?

Thùy Anh Thứ năm, ngày 03/11/2022 09:38 AM (GMT+7)
Các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp mắc sai phạm trong việc tuyển sinh, thực hiện tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp... nếu vi phạm sẽ bị xử phạt. Mức xử phạt trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tối đa có thể lên tới 150 triệu đồng.
Bình luận 0

Đây là những quy định mới nhất được đưa ra tại Nghị định số 88/2022/NĐ-CP ngày 26/10/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Nghị định vừa được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký cuối tháng 10 vừa qua.

Xử phạt trong giáo dục nghề nghiệp tới 10 triệu đồng nếu sử dụng sai tên gọi

Nghị định 88 cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể, đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phân hiệu của trường cao đẳng, trường trung cấp; văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Nghị định số 88/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng sai tên gọi theo quyết định thành lập, cho phép thành lập, quyết định đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam để tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

xử phạt trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc tuyển sinh đào tạo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có thể bị xử phạt từ 10-150 triệu đồng tùy hành vi. Ảnh: N.N (Trường Cao đẳng Kiên Giang dạy học sinh thực hành nghề phục vụ)

Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quyết định thành lập, cho phép thành lập, quyết định chia, tách, sáp nhập, giải thể, đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phân hiệu của trường cao đẳng, trường trung cấp, giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử phạt trong lĩnh vực giáo dục tới 70 triệu đồng nếu tổ chức hoạt động không đúng thẩm quyền

Luật Giáo dục nghề nghiệp cho phép đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tự chủ quyết định mở ngành, nghề đào tạo; đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài, tự chủ liên kết đào tạo với nước ngoài.

Phạt tiền từ 40-60 triệu đồng đối với hành vi vi phạm dưới 10 người học; 60-80 triệu đồng đối với hành vi vi phạm từ 10 đến dưới 20 người học; 80-100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm từ 20 đến dưới 30 người học; 100-120 triệu đồng đối với hành vi vi phạm từ 30 đến dưới 40 người học; 120-150 triệu đồng đối với hành vi vi phạm từ 40 người học trở lên.

Nhưng nếu vi phạm tự chủ quyết định mở ngành, nghề đào tạo, tự chủ quyết định liên kết đào tạo với nước ngoài nhưng không thực hiện báo cáo điều kiện bảo đảm tự chủ hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì các đơn vị có thể bị phạt tiền từ 50-60 triệu đồng.

Phạt tiền từ 60-70 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp được cấp không đúng thẩm quyền; tổ chức hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài được cấp không đúng thẩm quyền.

Phạt đến 100 triệu đồng nếu tự chủ quyết định liên kết đào tạo với nước ngoài khi không đủ điều kiện

Đối với hành vi tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Nghị định số 88/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, doanh nghiệp; 40-60 triệu đồng đối với trường trung cấp; trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội; trường của lực lượng vũ trang nhân dân và phạt tiền từ 60-80 triệu đồng đối với trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học đào tạo chuyên môn đặc thù.

Hành vi nào sẽ bị xử phạt trong giáo dục nghề nghiệp lên tới 150 triệu đồng? - Ảnh 3.

Với các hành vi vi phạm tác động tới 40 người trở lên mức xử phạt tối đa có thể lên tới 150 triệu đồng. Ảnh: NN (Giờ học thực hành tại Trường CĐ Kiên Giang)

Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định xử phạt trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi tự chủ quyết định mở ngành, nghề đào tạo, tự chủ quyết định liên kết đào tạo với nước ngoài khi không đủ điều kiện tự chủ quyết định mở ngành, nghề đào tạo, tự chủ quyết định liên kết đào tạo với nước ngoài.

Phạt 80 triệu đồng nếu cá nhân, tổ chức giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh trong thời gian bị đình chỉ hoạt động

Bên cạnh đó, Nghị định số 88/2022/NĐ-CP cũng quy định nếu công khai không đầy đủ các nội dung về tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định về thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, doanh nghiệp bị phạt tới 20 triệu đồng.

Đồng thời, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, doanh nghiệp bị phạt tiền từ 60-80 triệu đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động tuyển sinh, tổ chức đào tạo trong thời gian bị đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Khoản 1.a, Điều 3 Chương I, Nghị định 88 quy định Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với cá nhân là 75 triệu đồng, đối với tổ chức là 150 triệu đồng. Ngoài ra nghị định này cũng quy định rất cụ thể các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Nghị định số 88/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2022. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem