Hai ngôi đền cổ ở Hải Dương thờ đức thánh Phi Bồng Hiệu Thiên, nhiều lần hiển linh hộ quốc an dân

Nguyễn Việt Thứ hai, ngày 10/07/2023 11:12 AM (GMT+7)
Quần thể di tích danh thắng đền Sinh, đền Hóa (thôn An Mô, xã Lê Lợi, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) là danh lam từ ngàn xưa gắn liền với huyền sử, huyền thoại về sự sinh hóa của Đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên. Vị Thánh này nhiều lần hiển linh hộ quốc an dân khi gặp tai địch họa.
Bình luận 0
Hai ngôi đền cổ ở Hải Dương thờ đức thánh Phi Bồng Hiệu Thiên sinh hóa trong canh giờ, nhiều lần hộ quốc an dân - Ảnh 1.

Hai ngôi đền cổ ở Hải Dương thờ đức thánh Phi Bồng Hiệu Thiên sinh hóa trong canh giờ, nhiều lần hộ quốc an dân - Ảnh 2.

Hai huyền thoại về đức thánh Phi Bồng Hiệu Thiên

Khu di tích quốc gia đền Sinh – đền Hóa nằm cách Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) không xa. Đền Sinh là một công trình kiến trúc cổ nằm ở trên núi tựa lưng vào dãy núi Ngũ Nhạc nhìn ra hướng Đông Bắc giữa bạt ngàn cây rừng xen lẫn những đồi vải thiều xum xuê. Còn đền Hóa cách đó gần 1 km tọa lạc ở dưới làng An Mô, xã Lê Lợi.

Căn cứ lịch sử và thần tích thì đền Sinh – đền Hóa ra đời từ thế kỷ 11. Nhưng di tích hiện còn theo kiến trúc thời Nguyễn thế kỷ 19 và thế kỷ 20. Năm 1994, đền Sinh – đền Hóa được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Hai ngôi đền cổ ở Hải Dương thờ đức thánh Phi Bồng Hiệu Thiên sinh hóa trong canh giờ, nhiều lần hộ quốc an dân - Ảnh 3.

Cổng vào đền Sinh. Ảnh: Nguyễn Việt.

Đền Sinh xây dựng theo hình chữ Tam gồm 3 tòa liền nhau, phần hậu cung xây trùm lên khối đá kỳ dị được mô tả trong huyền thoại. Ở đây có tượng Mẫu – tượng bà Hoàng Thị Ba. Tại đền còn nhiều cổ vật và hai tấm bia nói về thần tích và quá trình trùng tu đền.

Đền Hóa có hình thức và kiến trúc tương tự đền Sinh nhưng quy mô lớn hơn trên một khu đất tương đối bằng phẳng. Trung từ trùng tù năm Kỷ Mão thời Vua Tự Đức (1879). Hậu cung có tượng tướng quân Chu Phúc Uy và nhiều đồ tế tự có giá trị.

Hai ngôi đền cổ ở Hải Dương thờ đức thánh Phi Bồng Hiệu Thiên sinh hóa trong canh giờ, nhiều lần hộ quốc an dân - Ảnh 4.

Tượng rồng đá ở bậc thềm lên đền Sinh. Ảnh: Nguyễn Việt.

Theo một số tài liệu lịch sử, bia ký nói về đức thánh Phi Bồng Hiệu Thiên có 2 truyền thuyết khác nhau về đức thánh này. Một số tài liệu lịch sử như sách Lĩnh Nam chích quái và Đại Nam nhất thống chí cũng nói về truyền thuyết Đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên sinh ra ở một tảng đá…

Truyền thuyết kể rằng: Vào thế kỷ thứ X, thời Tiền Lê giai đoạn những năm đầu vua Lê Đại Hành lên ngôi (980 – 988) trị vì. Một hôm, Thiên Đế sai Hắc Y Nhi chòm sao ở phương Bắc giang hạ vào hòn đá. Đứa trẻ ấy phụng chiếu chỉ đằng vân dáng vũ trực giáng. Bấy giờ là giờ Dần, ngày mùng 8 tháng 5. Hôm ấy, đám trẻ chăn trâu làng Yên Mô (này là làng An Mô) nghe thấy có tiếng khóc trên núi, đám trẻ  chạy lên thấy một hài nhi dáng vẻ khôi ngô, thiên tư dĩnh ngộ nằm trên chỗ lõm của hòn đá.

Hai ngôi đền cổ ở Hải Dương thờ đức thánh Phi Bồng Hiệu Thiên sinh hóa trong canh giờ, nhiều lần hộ quốc an dân - Ảnh 5.

Đền Sinh. Ảnh: Nguyễn Việt.

Đám trẻ làm kiệu rước về làng, trên đường đi trời bỗng nổi gió mưa, sấm chớp đùng đùng, cát bay đá cuộn khắp nơi, bỗng em bé hét lên một tiếng rồi bay thẳng lên trời. Trên không trung có tiếng nói vọng rằng: "Ta là Phi Bồng Hiệu Thiên Đại tướng quân giáng hạ nhưng đã lộ trong cõi trần thế nên lại phụng chiếu về chầu Thượng đế".

Bọn trẻ đều kinh hãi khi trở về kể lại cho người trong làng nghe. Dân làng tụ tập đến nơi đó thấy hòn đá vị mài mòn khoảng hơn một thước, rất lấy làm kinh ngạc, liền lập miếu phụng thờ. Nơi tảng đá hình Mẫu mẹ Thạch Bàn sinh thiên thần thì lập đền Mẫu Sinh (đền Sinh). Nơi Đức Thánh Phi bồng hiệu thiên bay về trời thì lập đền Thánh Hóa (đền Hóa).

Hai ngôi đền cổ ở Hải Dương thờ đức thánh Phi Bồng Hiệu Thiên sinh hóa trong canh giờ, nhiều lần hộ quốc an dân - Ảnh 6.

Ban thờ đức Thánh Mẫu. Ảnh: Nguyễn Việt.

Tuy nhiên, cũng có một tài liệu khác nói về đức thánh Phi Bồng Hiệu Thiên không phải sinh ra trong khe đá và sinh hóa trong một canh giờ như huyền thoại kể trên. Cụ thể, theo thần tích trên một tấm bia khắc vào cuối thời Nguyễn thì Phi Bồng lại là một tướng quân, sống vào thế kỷ thứ 6, người bản trang An Mô, có công chống giặc cứu nước, được dựng miếu thờ.

Theo thần tích, vào thế kỷ thứ 6, ở trang An Mô, có một người họ Chu, Tên Thức, vợ là Hoàng Thị Ba, hiệu là Diệu La, gia đình phong lưu phú quý. Vợ chồng vốn là người lương thiện, chuyên tâm làm phúc, tận lực hành nhân, lấy nghề nông làm chính. Ông bà tuổi đã cao mà chưa có con nối dõi tông đường, nên hàng ngày vợ chồng làm phúc, cầu sinh, mong có con kế tự.

Hai ngôi đền cổ ở Hải Dương thờ đức thánh Phi Bồng Hiệu Thiên sinh hóa trong canh giờ, nhiều lần hộ quốc an dân - Ảnh 7.

Nơi hậu cung bên trong có tảng đá hình người mẹ trong tư thế sinh nở, tương truyền đức thánh Phi Bồng Hiệu Thiên sinh ra từ khe đá. Ảnh: Nguyễn Việt.

Một hôm, đến chùa Trường Liêu bày lễ nghi cầu phật, cầu tiên rồi ngủ lại chùa. Sáng hôm sau trở về, vừa ra đến cửa chùa thấy một dấu chân. Hoàng Nương dậm lên, dấu chân tự biến. Từ đó Hoàng Nương thấy trong người khoan khoái lạ thường. Chim chóc cũng đến hót mừng vợ chồng đã hợp dấu chân thần.

Ngày tròn tháng đủ đến giờ ngọ ngày 05 tháng 5 năm Ngọ, bỗng nhiên trời đất tối sầm, mưa gió dữ dội, hương thơm đầy nhà, thụy khí huy hoàng. Đến giờ Thân, thai nhi chuyển động, một cậu bé ra đời, mặt như mặt trời mùa hạ. Cậu bé cất tiếng khóc, tự nhiên trời đất xoay vần, cây cối chuyển động rồi trời quang, mây tạnh khiến mọi người lấy làm lạ.

Hai ngôi đền cổ ở Hải Dương thờ đức thánh Phi Bồng Hiệu Thiên sinh hóa trong canh giờ, nhiều lần hộ quốc an dân - Ảnh 8.

Hậu cung đền Hóa nhìn từ bên ngoài đã xây chùm gốc đa và tảng đá có hình thù giống người mẹ trong tư thế sinh nở. Ảnh: Nguyễn Việt.

Sinh được trăm ngày diện mạo cậu bé khôi kỳ tưởng như trong mộng, cha mẹ đặt tên là Hạo, tự Phúc Uy. Ngày tháng trôi qua, cậu bé thường ngồi trong phòng yên lặng nghiền ngẫm văn chương, ban đêm luyện võ, thảo binh thư. Rồi mọi kinh sách đều thông hiểu. Năm 15 tuổi, cha mẹ qua đời, Uy Công phục tang vô cùng hiếu kính. Dân làng cho là thần thánh nên ai cũng nghe theo.

Năm 19 tuổi. Uy Công nổi tiếng anh hùng cái thế. Bấy giờ Lý Nam Đế  khởi nghĩa ở An Thảo chống quân Lương đô hộ, Phúc Uy liền gia nhập nghĩa quân, được Nam Đế phong là Phi Tướng, sau lại gia phong Uy Vũ đại tướng quân, trấn thủ xứ Hải Dương. Khi giặc phương Bắc xâm lược nước ta, Lý Nam Đế cử ông trấn giữ Bắc đạo, ông mang đại binh đến cự chiến. Quân giặc qua giáp như nêm, cờ bay rợp trời, chống cự quyết liệt với quân ta tại sông Thiên Đức. Quân ta phải rút về trấn giữ Việt Yên. Ông hy sinh tại đây vào ngày 11 tháng 8.

Hai ngôi đền cổ ở Hải Dương thờ đức thánh Phi Bồng Hiệu Thiên sinh hóa trong canh giờ, nhiều lần hộ quốc an dân - Ảnh 9.

Đằng sau đền Sinh, cách đó không xa có một suối đá với nhiều kích thước, hình thù, trọng lượng khác nhau và có một vài miếu thờ tạo sự kỳ bí. Ảnh: Nguyễn Việt.

Đến triều hậu Lý, Lý Thái Tông (1028 – 1054) đi chơi ở chùa Cổ Pháp, bên sông Thiên Đức, hỏi người già mới biết sự tích Phi Bồng liền cho đắp tượng, dựng đền, cho người trông nom, thờ phụng, lại ban sắc "Thượng đẳng thần" sau lại gia phong cho danh hiệu: "Hạo Thiên Phi Bồng". Khi đánh dẹp giặc Chiêm Thành, Vua Lý Thái Tông liên tiếp giành chiến thắng.  Nhà vua cho rằng do Phi Bồng ngầm giúp.

Hiển linh hộ quốc an dân

Về đức thánh Phi Bồng Hiệu Thiên tuy có 2 truyền thuyết khác nhau nhưng đều được người dân nơi đây hương khói thờ phụng.

Theo một số tài liệu ghi chép lại đều có nói, ngôi đền linh thiêng và đức thánh Phi Bồng Hiệu Thiên đã hiển linh hộ quốc trong việc chống giặc ngoại xâm hay phù hộ cho dân cho nước tránh thiên tai, mùa màng bội thu, sinh sôi nảy nở, phong đăng hòa cốc.

Hai ngôi đền cổ ở Hải Dương thờ đức thánh Phi Bồng Hiệu Thiên sinh hóa trong canh giờ, nhiều lần hộ quốc an dân - Ảnh 10.

Cổng vào Đền Hóa. Ảnh: Nguyễn Việt.

Theo truyền thuyết, nói về Vua Lý Thái Tông cho rằng trong dẹp giặc Chiêm Thành giành thắng lợi là có sự ngầm giúp của thánh Phi Bồng, thì có tài liệu cũng nói về việc đức thánh Phi Bồng Hiệu Thiên còn hiển linh phù giúp Trần Hưng Đạo và quân dân nhà Trần thế kỷ XIII đánh thắng giặc Nguyên Mông xâm lược lần thứ 3 (năm 1288).

Lúc đó, quân Nguyên Mông kéo sang xâm lược nước ta, kinh thành Thăng Long bị vây hãm. Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn phục mệnh cầm quân dẹp giặc. Trên đường truy đánh giặc Quốc công Tiết chế hội quân đồn trú ở Côn Sơn và hành lễ tại đền thờ Yên Mô.

Hai ngôi đền cổ ở Hải Dương thờ đức thánh Phi Bồng Hiệu Thiên sinh hóa trong canh giờ, nhiều lần hộ quốc an dân - Ảnh 11.

Lễ cung tuyên văn tế, tưởng niệm đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên tại lễ hội truyền thống đền Sinh - đền Hóa năm 2023.

Đêm đó, Quốc công mộng gặp một ông lão tự xưng là quan thiên thần tên là Phi Bồng Hiệu Thiên giáng xuống hòn đá từ thời Tiền Lê, nay nghe Quốc lão phục mệnh đánh giặc Nguyên đi qua đất này, đến để gặp nguyện theo quân âm phù, đợi khi bình định giặc rồi thì sắc phong ngôi vị linh hiển.

Tiết chế tỉnh dậy, biết trong mơ gặp thần liền làm lễ tạ ơn. Bỗng trời đất thay đổi mây đen bốn bề mù mịt mưa gió ập đến. Tiếng ầm ù như sấm sét thuyền bay lên bờ. Quốc công tiết chế vỗ tay nói, lòng trời thương đến cho thần âm phù, liền hô binh sĩ cùng đuổi quân giặc đến sông Bạch Đằng, quyết chiến một trận quân Nguyên đại bại. Chiến thắng trở về nhà vua mở tiệc phong thưởng tướng sĩ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tấu rằng quân Nguyên sớm được bình định là dựa vào sức phù trợ ngầm của thần linh.

Hai ngôi đền cổ ở Hải Dương thờ đức thánh Phi Bồng Hiệu Thiên sinh hóa trong canh giờ, nhiều lần hộ quốc an dân - Ảnh 12.

Một giá hầu đồng tại đền Hóa. Ảnh: Nguyễn Việt.

Vua Trần sắc phong Phi Bồng Hiệu Thiên tối linh thượng đẳng thần, sắc chỉ ban cho thần tử ở Yên Mô - Chi Ngại, huyện Phượng Nhãn thờ phụng. Từ đó về sau đều tỏ rõ linh ứng. Thần hộ quốc giúp dân, xóm làng yên ổn, vinh hoa cầu nắng cầu mưa đều được linh nghiệm.

Qua bao đời đế vương đều sắc phong Thượng Đẳng đến đời Hậu Lê những năm 1601 - 1619 xảy ra hạn lớn, lúa mạ trong thiên hạ đều khô hết, nhân dân đói khổ vua lệnh cho quyền thần là Trịnh Tùng đến hành lễ cầu đảo tại Linh từ Yên Mô và thấy có sự hiển ứng thì sắc phong Phi Bồng Hiệu Thiên Đại tướng quân, sắc chỉ cho trang Yên Mô là nơi thờ chính, thần tử ở các khu đều nghênh đón mỹ tự đem về lập cung điện để phụng thờ, lấy ngày mùng 8 tháng 5 là ngày lễ chính.

Hai ngôi đền cổ ở Hải Dương thờ đức thánh Phi Bồng Hiệu Thiên sinh hóa trong canh giờ, nhiều lần hộ quốc an dân - Ảnh 13.

Năm 1994 Đền Sinh - Đền Hóa được công nhận di tích cấp quốc gia. Ảnh: Nguyễn Việt.

Đến thời Nguyễn vua ban sắc phong cho thần là Thượng đẳng thần hộ quốc, năm Duy Tân Thứ 3 sắc phong Thượng Thượng đẳng tôn thần.

Đền Sinh – đền Hóa thờ đức thánh Mẫu, thờ thánh Phi Bồng sinh ra ở khe đá nên trong tâm thức, tín ngưỡng của người dân nước Việt đều cho rằng, thờ Mẫu là tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, vì vậy từ xa xưa đến nay, người dân khắp nơi trong nước đều về hai ngôi đền này để cầu mong đức Thánh Mẫu Thạch Linh phù hộ trong việc sinh con đẻ cái (cầu tự). Không biết do tâm linh ứng nghiệm hay sự trùng lặp ngẫu nhiên mà lời cầu xin của nhiều người dân đã thành hiện thực.

CLip: Hai ngôi đền cổ linh thiêng ở Hải Dương thờ đức thánh Phi Bồng nhiều lần hiển linh hộ quốc an dân. Thực hiện: Nguyễn Việt.

Trải qua hơn nghìn năm lịch sử, hai ngôi đền thờ phụng Đức Thánh mẫu Thạch Bàn, Đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên vẫn uy linh trầm mặc, ngút ngàn khói tỏa hương bay, trường tồn cùng đất trời để phù hộ cho quốc thái dân an trước thiên tai địch họa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem