Hà Nội gần 7.000 ca mắc Covid-19 mới, Giám đốc Sở Y tế thừa nhận khó tránh khỏi... "chuệch choạc"

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 22/02/2022 18:31 PM (GMT+7)
Ngày 22/2, Hà Nội đã ghi nhận gần 7.000 ca mắc Covid-19, lớn chưa từng có tại Thủ đô. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thừa nhận khó tránh khỏi tình trạng "chuệch choạc" trong hỗ trợ người dân.
Bình luận 0

Hà Nội thêm gần 7.000 ca mắc Covid-19 

Ngày 22/2, Trung tâm Y tế Hà Nội cho biết, vừa ghi nhận thêm 6.860 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.977 ca cộng đồng; 4.883 ca đã cách ly. Bệnh nhân phân bố tại 517 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. 

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (435); Hoàng Mai (423); Nam Từ Liêm (393), Sóc Sơn (377), Bắc Từ Liêm (329). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 213.855 ca.

Hà Nội thêm gần 7.000 ca mắc Covid-19, tập trung điều trị sớm ca chuyển nặng - Ảnh 1.

Nhân viên y tế hỗ trợ đưa F0 đi bệnh viện điều trị tại Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 20/2, toàn thành phố có 202.355 F0 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, hơn 196.000 F0 điều trị tại nhà và 1.284 ca điều trị tại cơ sở thu dung của thành phố và các quận, huyện. Như vậy, số ca Covid-19 nhẹ, không triệu chứng ở Hà Nội chiếm gần 97,5% tổng số ca đang điều trị, theo dõi.

Trong gần 2,5% còn lại (tương đương 4.891 ca), có 355 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; và 4.536 F0 điều trị tại các bệnh viện của Thủ đô (gồm tầng 2 và 3). Ngày 20/2, thành phố ghi nhận 20 ca mắc Covid-19 tử vong, ngày 21/2 ghi nhận 17 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 tính từ ngày 29/4/2021 cho đến nay tại Hà Nội là 945 người.

 Tập trung điều trị sớm ca chuyển nặng 

Trước tình dịch Covid-19 trên địa bàn, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, với việc thành phố mở lại toàn bộ các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như văn hóa, lễ hội, giải trí, thì số ca nhiễm cộng đồng tăng cao đã nằm trong dự báo.

"Mở cửa toàn bộ các hoạt động sẽ khó tránh khỏi lây nhiễm cộng đồng. Vì vậy, số liệu ca nhiễm hàng ngày không thực sự chính xác và không còn nhiều ý nghĩa ở thời điểm hiện tại", bà Hà thông tin.

Hà Nội thêm gần 7.000 ca mắc Covid-19, tập trung điều trị sớm ca chuyển nặng - Ảnh 2.

Nhân viên y tế đưa xe cứu thương chở người bệnh đi bệnh viện tại Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Bà Hà cho biết, đã kiến nghị Bộ Y tế thay đổi cách đánh giá cấp độ dịch của địa phương. Thay vì đếm số ca nhiễm, nguy cơ nên được đo lường bằng số bệnh nhân nhập viện, nguy kịch, tử vong; tỷ lệ tiêm chủng và khả năng đáp ứng y tế.

Cùng với đó, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng, nguy kịch, tử vong của Hà Nội đang trong ngưỡng an toàn. Số bệnh nhân cần can thiệp y tế chiếm dưới 4%, số ca nguy kịch, tử vong duy trì ở mức 0,4%. Ngoài ra, với tỷ lệ người trên 18 tuổi ở Hà Nội được tiêm mũi 3 là 67%, bà Hà cho rằng thành phố đang có điều kiện để kiểm soát được dịch bệnh trong giai đoạn tiếp theo. 

"Chiến lược chống dịch của thành phố hiện không tập trung quá nhiều vào ngăn chặn lây nhiễm, mà chuyển hướng sang điều trị sớm ca chuyển nặng theo từng tầng, qua đó giảm tỷ lệ tử vong", bà Hà thông tin.

Hà Nội thêm gần 7.000 ca mắc Covid-19, tập trung điều trị sớm ca chuyển nặng - Ảnh 3.

F0 lấy mẫu xét nghiệm tại Trạm y tế phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội ngày 21/2. Ảnh: Gia Khiêm

Thành phố đã mở toàn bộ giường điều trị cho bệnh nhân tầng 2, 3 ở tất cả bệnh viện; làm việc với Bộ Y tế và bệnh viện trực thuộc các bộ, ngành Trung ương để đề nghị hỗ trợ thu dung bệnh nhân. Trong đó có các bệnh viện Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội, Việt Đức, Bệnh nhiệt đới Trung ương, E, Hữu nghị Việt Xô; trực thuộc các bộ, ngành có bệnh viện Nông nghiệp, Thể thao, Dệt May, Xây dựng...

Trước việc một số người dân phản ánh khó tiếp cận với dịch vụ y tế cấp xã, phường, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thừa nhận có thực trạng này. Bà Hà cho hay, trong những ngày qua, áp lực lên đội ngũ y tế cơ sở lớn, có phường số F0 lên đến hàng nghìn người nên rất khó tránh được tình trạng "chuệch choạc" trong hỗ trợ người dân.

Ngoài nhân viên y tế, người dân có thể gọi hỗ trợ từ tổ Covid cộng đồng, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, đường dây nóng của tổ dân phố, cụm dân cư; nhóm chat do nhân viên y tế phụ trách, tổng đài 1022 hoặc lực lượng y, bác sĩ về hưu tình nguyện tham gia chống dịch tại địa phương.

Người đứng đầu ngành y tế Thủ đô đề nghị người dân khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 cần bình tĩnh, tự chăm sóc sức khỏe, thông báo cho trạm, trung tâm y tế để kịp thời được hướng dẫn tự theo dõi, cũng như nhận gói thuốc. Chính quyền địa phương sẽ tăng cường mạng lưới hỗ trợ người mắc Covid-19, đặc biệt là các trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem