Giật mình "tiến sĩ" dùng bằng giả đi dạy: Lỗi do công tác cán bộ?

Tào Nga Thứ sáu, ngày 24/11/2023 11:52 AM (GMT+7)
Vụ việc một "tiến sĩ" không có trong hồ sơ dữ liệu với tên N.T.H. đã tham gia giảng dạy ở một số trường đại học, cao đẳng đang khiến dư luận đặt ra câu hỏi quy trình mời giảng viên hiện nay ở các trường có chặt chẽ và đảm bảo?
Bình luận 0

Tiến sĩ dùng bằng giả giảng dạy học

Mới đây, lãnh đạo Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam đã thông tin về vụ việc một trường hợp dùng bằng tiến sĩ giả để xin vào giảng dạy tại trường. 

Bằng tiến sĩ có tên N.T.H. (SN 13/8/1981), ngành khoa học máy tính được cấp năm 2021 (số hiệu văn bằng QH: 22086798528xx). Ông này cũng cung cấp bằng thạc sĩ chuyên ngành Tin học, cấp năm 2010. Tất cả các văn bằng đều thể hiện nơi cấp là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Giật mình tiến sĩ Khoa học máy tính dùng bằng giả đi dạy: Lỗi do công tác cán bộ? - Ảnh 1.

Một bằng tiến sĩ mang tên N.T.H. (SN 13/08/1981) được xác định không đúng. Ảnh: NTCC

"Tiến sĩ" H. này đã được trường thử việc đầu tháng 9 và sau nửa tháng được bổ nhiệm chức danh Trưởng khoa Công nghệ thông tin. Do lúc nộp hồ sơ tuyển dụng sử dụng bằng cấp có công chứng nên trường không xác định được tính chính xác. Sau đó, có thông tin phản ánh nghi ngờ bằng giả nên nhà trường tiến hành xác minh. Trường yêu cầu ông H. về Trường Đại học Khoa học Tự nhiên để làm việc và nộp lại kết quả xác minh. Tuy nhiên, sau đó, ông H. gửi đơn xin nghỉ việc vào đầu tháng 11, với lý do bận việc gia đình. 

Nhà trường cho biết, do sự việc phát hiện trong thời gian ngắn nên quá trình đào tạo sinh viên cũng không bị ảnh hưởng.

Quy trình mời giảng viên ở các trường có chặt chẽ?

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công thương TP.HCM cho hay: "Ngay sau khi có thông tin vụ việc "tiến sĩ" H. có giảng dạy tại một số trường đại học, cao đẳng gây xôn xao, chúng tôi cũng đã cho rà soát lại đội ngũ cộng tác viên và "tiến sĩ" này không có hợp đồng thỉnh giảng với trường".

Ths Sơn chia sẻ: "Chúng tôi có quy định chặt chẽ về việc mời giảng viên. Trong đó, khoa chịu trách nhiệm về bằng cấp, tư cách, giảng dạy của giảng viên. 

Các bước mời giảng như sau: Các giảng viên phải xác nhận mình đã giảng dạy ở đơn vị nào và phòng tổ chức của trường mình sẽ xác nhận. Sau đó trường tiến hành mời giảng và ký hợp đồng với giảng viên. Các giảng viên mời giảng sẽ sinh hoạt với phòng tổ chức để biết về quy định. Các giảng viên mời giảng phải đảm bảo dạy dỗ chất lượng và điểm số khi mời giảng. Nếu vi phạm thì lần đầu tiên sẽ nhắc nhở và lần sau là mời giảng viên lên Khoa kết thúc hợp đồng. Trường hợp giả bằng cấp thì chúng tôi chưa thấy xảy ra ở trường".

"Lượng giảng viên mời giảng tại Trường Đại học Công thương TP.HCM rất ít, chủ yếu là khoa du lịch và khoa quản trị kinh doanh", Ths Sơn cho hay.

Chuyên gia giáo dục, TS Nguyễn Xuân Sang nêu quan điểm: "Quy định hợp đồng với giảng viên sẽ căn cứ theo quy định, bao gồm bằng cấp đúng chuyên ngành, chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và các chứng chỉ kèm theo. Sau đó trường thành lập hội đồng để đánh giá và cho tập sự. Khi hội đồng trường đồng thuận đánh giá cao thì giảng viên đó mới được giảng dạy chính thức. Có những giảng viên có thành tích nổi bật hoặc đã giảng dạy ở trường khác thì không cần qua bước đánh giá vì họ đã có kinh nghiệm. 

Để xảy ra trường hợp này là do công tác các bộ chưa thẩm định chặt chẽ về lý lịch, bằng cấp. Chỉ cần gửi thông tin về trường cấp hoặc tra mã số trên phần mềm là đã có thông tin".

Tiến sĩ Sang cho hay, hiện nay có 2 loại hợp đồng là giảng viên cơ hữu tại trường, không được giảng dạy ở nơi khác và giảng viên thỉnh giảng trả theo giờ dạy. Tỉ lệ giảng viên tùy từng trường nhưng giảng viên cơ hữu trong trường thường chiếm 60-70%.

Nói về chất lượng giảng viên hiện nay ở các trường, đặc biệt là ở các trường cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp, TS Sang cho biết: "Đội ngũ nhân lực ở các trường đang thiếu trầm trọng, nhất là giảng viên có trình độ cao, thậm chí thiếu cả quản trị cấp cao như hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng phòng đào tạo. Các ngành thiếu nhân sự như công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, máy lạnh điều hòa không khí, tự động hóa, chíp bán dẫn, tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Nhật... 

Theo TS Sang: "Các trường sở hữu được đội ngũ giảng viên chất lượng cao là điều cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như phát triển. Tuy nhiên, do đặc thù của hệ thống giáo dục nghề nghiệp lên tới 70% thực hành nên bên cạnh đội ngũ giảng viên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thì cũng cần những giảng viên có tay nghề cao”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem