Phú Thọ công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm 27 chức danh do HĐND bầu

Hoan Nguyễn Thứ năm, ngày 07/12/2023 15:28 PM (GMT+7)
Trong 27 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ nhận được 48 phiếu "tín nhiệm cao", là người có số phiếu "tín nhiệm cao" thấp nhất.
Bình luận 0

Sáng 7/12, tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Phú Thọ đã thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 27 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 bầu. Trong đó, khối HĐND tỉnh gồm 7 người, khối UBND tỉnh gồm 20 người.

Kết quả phiếu tín nhiệm 27 chức danh, giám đốc sở lao động Phú Thọ có số phiếu "tín nhiệm cao" thấp nhất - Ảnh 1.

HĐND tỉnh Phú Thọ thực hiện quy trình lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu. Ảnh: Phương Thanh

Việc lấy phiếu tín nhiệm lần này của HĐND tỉnh Phú Thọ được đánh giá là chuẩn bị chu đáo, thực hiện thận trọng, nghiêm túc theo đúng nội dung, quy trình thủ tục được quy định trong Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, 27 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 bầu đều có số phiếu tín nhiệm cao và số phiếu tín nhiệm ở mức cao, số phiếu tín nhiệm thấp ở mức khá thấp.

Theo đó, ông Bùi Minh Châu – Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ và ông Dương Hoàng Hương - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ cùng có số phiếu tín nhiệm cao ở mức cao nhất là 66 phiếu; tiếp đến là ông Bùi Văn Quang - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ nhận được 63 phiếu tín nhiệm cao; còn bà Phạm Thị Thu Hương - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ, có 48 phiếu tín nhiệm cao - thấp nhất.

Kết quả phiếu tín nhiệm 27 chức danh, giám đốc sở lao động Phú Thọ có số phiếu "tín nhiệm cao" thấp nhất - Ảnh 2.

Ngày làm việc thứ 2 trong chương trình Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Phương Thanh

Theo Nghị quyết 96, mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND.

Cùng với đó là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.

Nghị quyết 96 quy định rõ: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

So với các quy định trước đó, Nghị quyết 96 của Quốc hội có đổi mới quan trọng, là quy định kết quả lấy phiếu là cơ sở quan trọng trong đánh giá, quy hoạch, sử dụng cán bộ chứ không còn là thông tin để "tham khảo" như trước đây.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem