Giải "bài toán" phát triển du lịch biển đảo

Diệu Bình Thứ bảy, ngày 10/12/2022 07:11 AM (GMT+7)
200 khách mời trực tiếp và hơn 1.000 đại biểu thành viên Hiệp hội du lịch tại các đầu cầu tham dự Hội thảo "Phát triển Du lịch biển đảo Việt Nam - Thời cơ, thách thức và giải pháp".
Bình luận 0

Khai thác du lịch biển, đảo chưa tương xứng với tiềm năng

Nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng 2022, chiều 9/12, Bộ VHTTDL phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, chủ trì Hội thảo "Phát triển Du lịch biển đảo Việt Nam - Thời cơ, thách thức và giải pháp".

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt; đại diện các Bộ, ngành, lãnh đạo của các Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp du lịch các địa phương; Viện nghiên cứu, trường đào tạo và các doanh nghiệp du lịch trên cả nước cùng các chuyên gia kinh tế, du lịch. Hội thảo được tổ chức trực tiếp với sự tham gia của 200 khách mời, đồng thời phát trực tuyến cho khoảng hơn 1.000 đại biểu là thành viên Hiệp hội du lịch các đầu cầu.

Giải "bài toán" phát triển du lịch biển đảo - Ảnh 1.

Hội thảo về “Phát triển Du lịch biển đảo Việt Nam - Thời cơ, thách thức và giải pháp”. Ảnh: D.B

Phát biểu tại hội thảo ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ VHTTDL nói, du lịch biển phát triển đã có phần đóng góp lớn cho việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, cũng như của nhiều ngành kinh tế khác; tạo thêm nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân địa phương ven biển.

"Mặc dù du lịch biển đảo đã khẳng định được vị thế, vai trò và mang lại nhiều kết quả tốt đẹp cho ngành du lịch Việt Nam, tuy nhiên việc khai thác du lịch biển, đảo của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có, các hoạt động du lịch biển, đảo vẫn còn tồn tại những hạn chế như việc phát huy, khai thác giá trị tài nguyên cho các hoạt động du lịch biển chỉ dừng ở việc khai thác ven bờ.

Các hoạt động du lịch bổ sung, bổ trợ cho nghỉ dưỡng, tham quan, tắm biển chưa nhiều; những bất cập về môi trường, về quy hoạch; vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và thế giới thông qua việc đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, đa dạng, khác biệt và hiệu quả của công tác xúc tiến, quảng bá", Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho hay.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì cho hay, "BCH Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Tại Nghị quyết này, tầm nhìn tới năm 2030 được xác định là "Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển" và "phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển", trong đó du lịch và dịch vụ biển được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức trong phát triển bền vững kinh tế biển.

Cụ thể là việc phát huy lợi thế, tiềm năng và phát huy đầy đủ; việc thực hiện chủ trương phát triển một số ngành kinh tế biển mũi nhọn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Du lịch biển đảo Việt Nam hiện vẫn chỉ là những mảnh ghép rời rạc; hạ tầng còn nhiều lạc hậu, thiếu cảng biển du lịch và một đội tàu du lịch".

Du lịch biển cần gắn với bảo vệ môi trường

TS.Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện NCPT Du lịch thì cho hay, du lịch biển Việt Nam trong thời gian qua phát triển nhanh, trở thành một trong những loại hình du lịch phát triển mạnh nhất, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển và nâng tầm thương hiệu trên thị trường quốc tế.

TS.Nguyễn Anh Tuấn chỉ ra những hạn chế hiện nay đối với du lịch biển như các nhà đầu tư chú trọng lợi nhuận ngắn hạn, sức ép tài chính và thu hồi vốn đầu tư; hạn chế về môi trường và nguồn lực đầu tư cho môi trường; thiếu sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch; phân vùng chưa hợp lý ở nhiều quy mô, cấp độ.

Giải "bài toán" phát triển du lịch biển đảo - Ảnh 1.

Viện trưởng Viện NCPT Du lịch Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: D.B

Viện trưởng Viện NCPT Du lịch nêu ra các vấn đề cần quan tâm để phát triển trong thời gian tới như cần tổ chức không gian phân vùng sử dụng phù hợp, cả ở cấp độ quốc gia, vùng, tỉnh và điểm đến. 

Tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là cảng biển du lịch. Bên cạnh đó, phát triển các sản phẩm đa dạng cả về loại hình và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường; phân khúc thị trường khác nhau góp phần giảm cạnh tranh trực tiếp. Đặc biệt chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường.

Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Thủy – Giám đốc Sở du lịch Quảng Ninh cho hay, trong phát triển du lịch biển cần quan tâm đặc biệt là bảo vệ môi trường.

Giám đốc Sở du lịch Quảng Ninh cho rằng, mỗi địa phương đều có một thế mạnh riêng, bài toán đặt ra là các tỉnh cần xây dựng sản phẩm có tính đặc thù riêng.

"Nếu không có nét đặc thù và tạo điểm nhấn lâu dài thì không thể khai thác tốt. Quảng Ninh ngoài những loại hình đang có và thịnh hành là du lịch biển nghỉ dưỡng, tắm biển chúng tôi còn có cảnh quan, không gian trên bờ phụ trợ. Hiện nay chúng tôi đang có 175 tàu du lịch nghỉ đêm…Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để có những điểm nhấn riêng trong phát triển du lịch biển", ông Thủy nói.

Giải "bài toán" phát triển du lịch biển đảo - Ảnh 2.

Theo khảo sát của Bộ VHTTDL về du lịch biển đảo, nhiều địa điểm của Việt Nam được bình chọn trong danh sách những bãi biển đẹp, quyến rũ nhất hành tinh. Trong danh sách 156 quốc gia có biển, Việt Nam được xếp hạng đứng thứ 27 và là quốc gia có diện tích ven biển lớn trong khu vực Đông Nam Á. Cùng đó, với Vịnh Hạ Long và Vịnh Nha Trang, Việt Nam cũng được đánh giá là một trong 12 quốc gia có các vịnh đẹp nhất thế giới. Du lịch biển đảo cùng với nét đặc sắc về văn hóa và ẩm thực đã tạo nên những khác biệt giữa sản phẩm du lịch Việt Nam với các quốc gia khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem