Giá xăng liên tục tăng, người dân “thấp thỏm”

Thanh Phong Thứ năm, ngày 13/05/2021 06:30 AM (GMT+7)
Trước tình trạng giá xăng liên tục tăng thời gian qua, nhiều người tiêu dùng bày tỏ lo ngại trong bối cảnh dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp.
Bình luận 0

Từ 15h ngày 12/5, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) giá bán các mặt hàng xăng dầu ghi nhận mức tăng  thên hơn 400 đồng/lít sau  khi giảm nhẹ vào ngày 27/4.

Thời gian qua, biến động giá xăng dầu tăng đã tác động trực tiếp đến đời sống người dân. Theo đó, việc giá xăng liên tục tăng khiến nhiều người dân lo ngại các loại hàng hóa dịch vụ khác tăng theo trong khi kinh tế suy giảm vì dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp.

Giá xăng liên tục tăng, người dân “thấp thỏm” - Ảnh 1.

Giá xăng liên tục tăng thời gian qua khiến người tiêu dùng lo lắng về việc các mặt hàng khác "leo thang" theo.

Anh Đoàn Quang Dũng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, với mức giá gần 20.000 đồng/lít, mỗi tuần chi phí tiền xăng của gia đình lên đến hơn 100.000 đồng thậm chí gần 200.000 đồng.

"Gia đình tôi có 2 vợ chồng đi làm bằng 2 xe máy với khoảng cách gần 10km nên việc giá xăng tăng dù ít cũng ảnh hưởng không nhỏ. Đặc biệt, hiện tại, dịch Covid – 19 tái bùng phát khiến thu nhập giảm. Tuy nhiên, điều tôi lo ngại lớn nhất nằm ở chỗ, không chỉ giá xăng, nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng sẽ tăng theo", anh Dũng bày tỏ.

Đồng quan điểm trên, chị Nguyễn Hương Trà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, thời gian qua, không chỉ giá xăng tăng, giá các loại thực phẩm như rau, gạo, đường đều tăng "phi mã".

"Trước tết, giá mướp ở mức 10.000 đồng 2 quả, hiện tại, giá là 10.000/quả. Ngoài ra, giá các loại rau khác như mùng tơi, rau cải cũng tăng mạnh từ 5.000 đến 6.000 đồng. Khi hỏi đến thì người bán bảo do tình trạng đầu mùa khan hiếm, giá xăng, vận chuyển cũng đắt hơn hẳn", chị Trà cho hay.

Nhận định về tình trạng trên, trao đổi với Dân Việt, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, người dân cần bình tĩnh, đồng lòng với Chính phủ để thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch.

"Giá xăng dầu phản ánh biến động giá thế giới, không thể trợ giá xăng dầu lâu dài được vì Việt Nam đã cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do. Các hoạt động điều chỉnh, trợ giúp đều phải tuân thủ theo cơ chế thị trường. Theo tôi, vấn đề lớn bây giờ là làm sao để nền kinh tế vẫn phải phấn đấu tối đa để tăng trưởng dương và duy trì công ăn việc làm cho người lao động", TS. Doanh đánh giá.

Theo đó, TS. Doanh cho rằng, những người lao động, doanh nghiệp nhỏ không có khả năng chống chịu được lâu. Do đó, Chính phủ và các thành viên đã bắt đầu triển khai những biện pháp hỗ trợ.

"Đợt dịch Covid – 19 lần thứ 4 này theo tôi là rất nghiêm trọng, nếu có thể kiểm soát tốt, nền kinh tế vẫn có thể tăng trưởng. Đợt dịch này Chính phủ đã thể hiện kinh nghiệm kiểm soát dịch thể hiện ở việc khoanh vùng chính xác, không quá rộng để tránh ảnh hưởng các hoạt động kinh tế", ông Doanh phân tích.

Về phía cơ quan điều hành giá xăng, đại diện Liên Bộ Tài chính – Công Thương cho biết, trong kỳ điều hành lần này, nếu không tiếp tục chi Quỹ Bình ổn giá, giá các loại xăng dầu sẽ tăng so với giá hiện hành khoảng 756 đồng/lít/kg-2.337 đồng/lít/kg.

"Để hạn chế mức tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước, góp phần bình ổn giá hàng hóa trên thị trường, hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Liên Bộ Công Thương – Tài Chính quyết định tiếp tục không trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu; tiếp tục chi Quỹ BOG ở mức cao đối với tất cả các loại xăng dầu", đại diện Liên Bộ Tài chính – Công Thương thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem