Giá củ mì ở Ninh Thuận tăng cao nhất sau nhiều năm, nông dân phấn khởi đón Tết

Đức Cường Thứ ba, ngày 30/01/2024 17:03 PM (GMT+7)
Những ngày này, nông dân trồng mì ở huyện miền núi Ninh Sơn (Ninh Thuận) đang bước vào cao điểm thu hoạch với niềm vui được giá. Củ mì tươi được doanh nghiệp thu mua từ 2.500 - 3.200 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với những năm trước.
Bình luận 0

Giá củ mì tăng cao ở Ninh Thuận tăng cao

Ngày 30/1, PV Dân Việt ghi nhận tại cánh đồng trồng mì ở các xã Quảng Sơn, Hòa Sơn, huyện miền núi Ninh Sơn (Ninh Thuận). Tại đây, đâu đâu cũng rộn vang tiếng cười nói vì củ mì năm nay được mùa, được giá.

Giá củ mì ở Ninh Thuận tăng cao nhất sau nhiều năm, nông dân phấn khởi đón Tết- Ảnh 1.

Nông dân huyện Ninh Sơn tỉnh Ninh Thuận đang bước vào cao điểm thu hoạch củ mì. Ảnh: Đức Cường

Phấn khởi thu hoạch hơn 1ha mì tại rẫy, nông dân Nguyễn Thành ở thôn Triệu Phong 2, xã Quảng Sơn (huyện Ninh Sơn) cho biết, sau nhiều năm chờ đợi, năm nay giá củ mì đã tăng cao ổn định nên nông dân ai nấy đều mừng.

Theo ông Thành, giá củ mì được doanh nghiệp thu mua ở mức trung bình 3.000 đồng/kg, tăng hơn 500 đồng/kg so với những năm trước. Nếu mì có độ bột cao thì giá bán có thể lên 3.200 đồng/kg. Với giá bán này thì nông dân rất phấn khởi vì có được đồng lời sau nhiều tháng chăm sóc.

"Hiện 1ha mì của gia đình dự kiến thu về 20 tấn củ, bán mão cho doanh nghiệp thu mua với giá 3.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí có thể thu lãi được 20 – 30 triệu đồng/ha nên gia đình rất mừng…", ông Thành hồ hởi chia sẻ.

Giá củ mì ở Ninh Thuận tăng cao nhất sau nhiều năm, nông dân phấn khởi đón Tết- Ảnh 2.

Giá củ mì tăng cao ổn định giúp nông dân huyện miền núi Ninh Sơn phấn khởi đón Tết. Ảnh: Đức Cường

Chung niềm vui với ông Thành, nông dân Nguyễn Tấn Đạt ở Tân Lập, xã Hòa Sơn cũng tất bật thuê người thu hoạch củ mì để kịp bán trước Tết.

Ông Nguyễn Tấn Đạt cho biết, năm nay gia đình trồng 1,1ha mì và dự kiến cho thu hoạch 20 – 23 tấn. Dù tỉ lệ độ bột không như ý nhưng gia đình ông vẫn bán được với giá bán 2.900 đồng/kg, sau khi trừ chi phí có thể thu lãi khoảng 30 triệu đồng.

"Nếu giá cả tiếp tục ổn định như thời điểm hiện tại, thì không riêng gia đình tôi mà nhiều hộ trồng mì khác ở vùng này đều phấn khởi đón tết đến xuân về", ông Đạt phấn khởi nói.

Giá củ mì ở Ninh Thuận tăng cao nhất sau nhiều năm, nông dân phấn khởi đón Tết- Ảnh 3.

Cây mì phù hợp với điều kiện thiếu mưa thừa nắng ở miền núi và là cây giảm nghèo ở Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, cây mì là cây chịu hạn nên rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng "thiếu mưa thừa nắng" ở huyện miền núi Ninh Sơn. Nếu được chăm sóc tốt, cây mì có thể cho năng suất trên 25 tấn/ha.

Hiện, giá củ mì được một số doanh nghiệp ở địa phương thu mua từ 2.500 – 3.200 đồng/kg tùy vào độ bột. Ngoài ra, một số hộ còn lựa chọn bán mão cho các chủ vựa với giá 3.000 đồng/kg, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.

Giá củ mì ở Ninh Thuận tăng cao nhất sau nhiều năm, nông dân phấn khởi đón Tết- Ảnh 4.

Nông dân Nguyễn Tấn Đạt ở xã Hòa Sơn và diện tích mì đang cho thu hoạch. Ảnh: Đức Cường

Đưa cây mì phát triển bền vững ở Ninh Thuận

Theo ông Hoàng Lê Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, cây mì là một trong hai loại cây trồng chủ lực của nông dân địa phương. Hiện, giá mì đang tăng cao hơn so với mọi năm là điều đáng mừng cho người nông dân khi Tết đến xuân về.

Giá củ mì ở Ninh Thuận tăng cao nhất sau nhiều năm, nông dân phấn khởi đón Tết- Ảnh 5.

Trung bình 1ha mì ở Ninh Sơn cho năng suất khoảng 20 tấn, nếu chăm sóc tốt có thể lên đến 25 tấn. Ảnh: Đức Cường

"Toàn xã có trên 1.370ha diện tích trồng mì, với giá bán như hiện nay, nhiều hộ đã có lời. Tuy nhiên, địa phương khuyến cáo người dân không nên ồ ạt chuyển sang trồng mì nhằm tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa như mọi năm...", ông Phú cho hay.

Hiện nay, đa phần sản lượng cây mì tại Ninh Thuận tập trung tại 2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái. Trong đó, chủ ở huyện Ninh Sơn với diện tích khoảng 3.155ha ở các xã Quảng Sơn, Mỹ Sơn, Hòa Sơn…Sản lượng mì hàng năm đều được Công ty CP tinh bột sắn Ninh Thuận thu mua mỗi niên vụ lên đến hàng trăm ngàn tấn.

Ông Hồ Đắc Tiên, Giám đốc Công ty CP tinh bột sắn Ninh Thuận cho biết, giá thu mua củ mì có tăng cao so với mọi năm, tuy nhiên sản lượng năm nay có giảm do người dân chuyển đổi sang cây trồng khác. Hiện trung bình mỗi ngày công ty thu mua khoảng 300 tấn mì của nông dân để chế biến xuất khẩu đi nhiều thị trường trong và ngoài nước.

Giá củ mì ở Ninh Thuận tăng cao nhất sau nhiều năm, nông dân phấn khởi đón Tết- Ảnh 6.

Hiện diện tích mì ở Ninh Thuận tập trung nhiều nhất ở xã Quảng Sơn và Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn. Ảnh: Đức Cường

Theo ông Trương Khắc Trí – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận, để cây mì phát triển bền vững, tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 1445/QĐ-UBND ngày 27/7/2021 về Kế hoạch phát triển ngành trồng trọt tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong đó định hướng phát triển cây mì của tỉnh đến năm 2025 ổn định diện tích gieo trồng khoảng 5.120 ha, sản lượng đạt 111.300 tấn, tập trung ở địa bàn 2 huyện Ninh Sơn 3.400ha và Bác Ái 1.500 ha.

"Ngành nông nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh các tiến bộ kỹ thuật về giống và quy trình canh tác bền vững vào sản xuất mì, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm thu hoạch/1 ha đất trống mì. Đáp ứng được nhu cầu về nguyên liệu mì trong nước và từng bước hướng tới thị trường xuất khẩu trong điều kiện hội nhập…", ông Trí cho hay.

Giá củ mì ở Ninh Thuận tăng cao nhất sau nhiều năm, nông dân phấn khởi đón Tết- Ảnh 7.

Giá mì tăng cao nhưng các ngành chức năng khuyến cao nông dân không nên trồng ồ ạt tránh tình trạng được mùa mất giá. Ảnh: Đức Cường

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem