Euro 2020: Cha con nhà Schmeichel và chuyện "hổ phụ sinh hổ tử"

Phạm Xuân Nguyên Thứ tư, ngày 23/06/2021 14:41 PM (GMT+7)
Trước mỗi VCK Euro, các phương tiện truyền thông thường phát lại những hình ảnh về các kỳ Euro trong quá khứ. Trong đó không thể thiếu hình ảnh ĐT Đan Mạch thần kỳ vô địch Euro 1992. Từ đấy mỗi thế hệ tài năng về sau của ĐT Đan Mạch đều bị/được so sánh với thế hệ đã giành cúp vô địch 1992.
Bình luận 0

Phiên bản 2021 đang dự Euro 2020 (khách quan mà nói là rất mạnh) cũng không phải là ngoại lệ, nhưng ở đây còn có một lý đo đặc biệt: trấn giữ khung thành của ĐT Đan Mạch lại là một người mang họ Schmeichel. Kasper – con trai của thủ môn vĩ đại Peter Schmeichel, người không chỉ vô địch Euro với ĐT Đan Mạch, mà còn vô địch Champion League với CLB Manchester United.

Cứ tưởng với cái gien nhà nòi như vậy, Kasper dễ dàng trở thành thủ môn giỏi, nhưng thực ra anh đã phải nỗ lực rất nhiều mới thoát được cái bóng của người cha.

Tuổi thơ theo bố

Một trong những hồi ức tuổi thơ đầu tiên của Kasper là trung tâm luyện tập Cliff của M.U. Từ 6 tuổi cậu gần như ngày nào cũng đến đấy. Sau buổi học ở trường tư Hulme Hall, cậu nhảy lên ô tô về chỗ mẹ và nửa giờ sau đi đến Cliff. Thường thì cậu giúp bố - quanh quẩn bên cầu môn xem bố đỡ những cú sút của Cantona, Robson và Kanchelskis. Nếu quả bóng bay ra ngoài cậu ngoan ngoãn chạy theo. Và dĩ nhiên là Kasper đều đặn đến xem các trận đấu trên sân Old Traford.

Euro 2020: Cha con nhà Schmeichel và chuyện "hổ phụ sinh hổ tử" - Ảnh 1.

Thủ thành Kasper Schmeichel trong màu áo ĐT Đan Mạch.

Cậu chơi với con của các ngôi sao M.U - tiền vệ Paul Ince và hậu vệ Steve Bruce. Hiện còn giữ được một băng video độc đáo quay cảnh các cậu bé con nhà Ince, Schmeichel và Bruce đang chơi bóng ở hành lang khu Cliff.

Từ nhỏ bóng đá đã vây quanh cậu bé như vậy thì đúng ra cậu sẽ có cảm hứng với nó và sẽ đi theo con đường của ông bố. Nhưng Kasper nói chung không nghĩ đến chuyện lập nghiệp trong bóng đá.

"Bố tôi không bao giờ bắt tôi phải trở thành thủ môn hay nói chung là chơi bóng đá" - Kasper nhớ lại. Schmeichel con không học bóng đá trong học viện chuyên nghiệp, nhưng tuần ba lần cậu chơi cho đội bóng của trường Hulme Hall. Peter không dạy con đá bóng dù là ở sân sau trong nhà, vì M.U cấm các cầu thủ làm việc đó vì lo sợ họ bị chấn thương. Kasper thậm chí còn không chọn vị trí cho mình: vì ông bố mà đôi khi cậu được cử làm thủ thành, nhưng thường nhất là cậu chơi ở vị trí tiền đạo, học theo thần tượng Cantona của mình.

Theo hồi ức của Kasper, anh bắt đầu cảm thấy mình có thể làm thủ môn chỉ vào năm 13 tuổi. Năm 1999 sau chiến thắng điên rồ của M.U tại trận chung kết Champion League, Schmeichel chuyển đến Sporting Lisbon. Kasper được bố trí vào ký túc xá thể thao của học viện Estoril. Tại đây cậu dứt khoát chọn chuyển vào đứng trong khung thành và lần đầu tiên được tập luyện hàng ngày. Tuy nhiên Kasper vẫn hoài nghi tương lai của mình – nghề cầu thủ có vẻ mù mờ, trong khi có nhiều nghề khác hấp dẫn hơn. "Nếu nói thật ra thì tôi không nghĩ mình sẽ thành cầu thủ - Kasper nhớ lại. Từ nhỏ tôi đã biết ba thứ tiếng: Anh, Đan Mạch và Bồ Đào Nha".

Mọi chuyện thay đổi ở mùa thứ hai, khi Estoril bước vào trận chung kết giải trẻ Bồ Đào Nha. Suốt năm cả đội chơi trên mặt sân sỏi đá: các cầu thủ không làm được gì, còn thủ môn thì không thể nhảy lên. Vì thế Kasper và người thay thế anh là Silviu đã thay phiên nhau chơi từng hiệp. Nhưng đến trận chung kết thì khác: Kasper đã trổ hết tài nghệ của mình, Estoril dẫn 4-0, và HLV thay thủ môn chỉ mười phút trước khi hết trận. Kasper thành nhà vô địch giải U16 Bồ Đào Nha. Màn trình diễn xuất sắc của chính mình đã khiến Schmeichel - con hứng khởi đến mức quyết định trở thành thủ môn chuyên nghiệp.

Ông bố bắt đầu tin tưởng con trai

Còn Peter thì sao? Ông thản nhiên trước ý muốn của cậu con và không giúp gì đặc biệt cho cậu. Schmeichel - bố đang bị cuốn theo sự nghiệp của mình: sau hai năm chơi cho Sporting, ông lại nhớ Giải ngoại hạng Anh nên năm 2001 ông chuyển tới Aston Villa. Gia đình quay lại Đan Mạch, Kasper vào học trường tư Ure. Chính trong thời kỳ này đã xảy ra một sự kiện khiến sau đó Peter mới tin vào khả năng của con trai mình.

Trở lại đêm trước Giáng Sinh 2002, khi cả gia đình bay đến gặp ông bố ở Birmingham. Schmeichel-bố đưa con trai đến sân tập của Aston Villa. Kasper đến dù bụng cậu đang đau. Mọi người đùa cậu bằng cách bảo cậu đứng vào khung thành hai chiều – Kasper đồng ý và đàng hoàng đứng vào vị trí thủ môn. Tiền đạo tốt nhất của Aston Villa là Juan Pablo Angel ba lần đứng đối diện đá bóng vào người cậu nhưng Kasper vốn mang trong mình dòng máu dũng cảm của người bố nên cậu đã đứng vững đến quả cuối cùng, sau đó mới đổ sụp xuống.

Hai bố con trở về nhà vui vẻ, nhưng đến tối, cơn đau bụng của Kasper trở nên dữ dội. Bố mẹ gọi xe cấp cứu: hóa ra cậu bé 15 tuổi đã thực hiện một buổi tập đầy đủ của CLB ở Giải ngoại hạng khi đang bị viêm ruột thừa. Ngay tối đó Casper đã được mổ. Ngày hôm sau cậu ra viện và ngay lập tức chơi trò ném tuyết với cô em gái của mình. Anh chàng trở lại tập luyện sau hai tuần thay vì ba tuần như các bác sĩ khuyến cáo.

"Nó luyện tập với đội bóng xếp thứ 4 giải Ngoại hạng Anh, có bị mấy quả bay trúng bụng, nhưng vẫn tiếp tục - Schmeichel-bố kể. Lần đầu tiên tôi cảm thấy nó có phẩm chất đặc biệt và tính cách cứng rắn. Những phẩm chất này hiếm thấy ở độ tuổi như vậy".

Học bắt bóng qua Youtube

Sự việc ngày Giáng sinh tác động đến Schmeichel mạnh tới mức ông lần đầu tiên quyết định giúp con trai.

Kasper chơi cho đội hình hai của câu lạc bộ Ure. Tháng 2 năm 2002 (khi Kasper cuối cùng đã khỏi bệnh), Peter đã sắp xếp một chương trình nâng bậc cho con trai mình. "Peter đã gọi cho tôi vào một buổi tối", HLV đội trẻ của Brøndby và là bạn của Schmeichel - Sr. Lars Olsen nhớ lại. "Anh ấy đề nghị tôi xem xét Casper. Tôi đồng ý, mặc dù chúng tôi vẫn còn hai thủ môn giỏi".

Mùa hè 2002, Schmeichel-bố chuyển đến Manchester City. Theo chân Peter, người Anh đã mời Kasper đến thử việc ba tuần. Sự xuất hiện của thủ thành 15 tuổi trong buổi tập của đội 1 đã khiến nhiều người bất ngờ. Trong thời gian tập chạy trên sân, tiền vệ người Israel Eyal Berkovich đã bất ngờ dừng lại và hét lên: "Cái quái gì đang xảy ra ở đây vậy?! Đứa trẻ này là ai?" Sau khi tập luyện, Kasper được yêu cầu đứng vào khung thành cho Anelka và Wright-Phillips dội bom. "Tôi nhớ bài học đầu tiên đó: Anelka và Berkovich tìm cách băm vằm tôi ra", Kasper nói.

Tuy nhiên, HLV trưởng Kevin Keegan lại thích cách chơi của Schmeichel và chàng trai đã nhận được lời đề nghị cho hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên của mình. Kasper chỉ mới bắt đầu tập luyện một cách có hệ thống ba năm trước vậy mà đã được ký hợp đồng với một CLB của giải Ngoại hạng Anh - làm sao có chuyện đó được? Kasper ngờ là trong chuyện này có điều gì đó khác thường - theo suy luận của anh, Peter có thể đã yêu cầu Keegan lấy anh vào đội. Nhưng Kasper không bao giờ hỏi bố mình điều này.

Đến đây sự giúp đỡ của Schmeichel-bố kết thúc. Trước buổi tập đầu tiên, Peter hỏi con: "Con muốn bố là gì với con: một HLV hay một người bố?" – "Một người bố" – Kasper đáp. Và việc đã diễn ra như thế: trong khi Peter ra sân tập với các đồng đội thì Kasper tập với các thủ môn dự bị. Một mùa sau Peter hoàn tất sự nghiệp.

Ở Man City mấy năm Kasper thấy mình không có cơ hội phát triển. Các thủ môn được thay thế, còn anh vẫn chỉ là dự bị. Chàng trai quyết định tăng cường tập luyện hơn nhưng anh không nhờ bố chỉ bảo mà học qua Internet.

"Ngoài giờ tập luyện tôi ngồi hàng giờ xem Youtube" - Schmeichel con kể. "Đó là điều bí mật của tôi, những nghiên cứu thầm lặng của tôi. Tôi tìm hiểu cách chơi của các thủ môn và học theo các cách thức của họ mà tôi thích. Cách đưa trái bóng vào cuộc, cách nhảy lên, cách chuyển động đôi chân, cách chơi một đối một với cầu thủ đội bạn. Hôm sau tôi thực hành chúng ngay trên sân tập. Tôi học được ở các thủ môn Đức cách cuộn lăn mình sau khi nhảy lên bắt bóng. Một thủ môn mỗi ngày có 120-130 lần nhảy như vậy, trong 20 năm theo nghề điều này khiến lưng và hông quá tải nghiêm trọng".

Khó chịu khi bị so sánh với bố

Kasper có màn ra mắt Man City năm 2007, khi anh 20 tuổi. Sau trận đấu này, báo chí viết không phải về các kỹ năng thủ môn của Kasper mà về sự giống nhau của người con với người bố. Quả thực hai bố con giống nhau kỳ lạ: Kasper cũng mang đôi găng tay màu xanh, cũng cắt tóc ngắn kiểu Scandinave. Cả thói quen hét lên với các hậu vệ cũng giống. Rồi đến kỹ thuật bắt bóng hai bố con cũng giống nhau. Chỉ có chiều cao là hơi khác: Kasper thấp hơn bố mình mấy cm.

Schmeichel-con càng nổi tiếng thì những tiếng ồn ào quanh anh càng mạnh. Có lần tại khách sạn trú quân của đội Leicester City, một người hâm mộ đã đến xin anh chữ ký. Và sau đây là cuộc trò chuyện giữa hai người:

Người hâm mộ: Anh cừ lắm, nhưng anh không bao giờ bằng được bố anh đâu.

Kasper: Cám ơn, anh bạn.

Người hâm mộ: Thôi, tôi chỉ nói đùa thôi.

Kasper: Sao, anh còn cười à? Giờ tôi đi được chưa?

Người hâm mộ: Tôi chỉ đùa thôi mà.

Kasper: Này anh bạn, anh tưởng tôi không nghe thấy câu anh vừa nói à? Tôi nghe câu đó suốt 15 năm nay rồi. Ok, anh cứ việc chế nhạo. Giờ tôi đi được chưa?

Việc cứ bị mọi người đem mình ra so sánh với người bố khiến Kasper rất khó chịu, đến mức trước mỗi cuộc phỏng vấn anh đã thỏa thuận không nói đến chuyện đó. Nhưng trong cuộc phỏng vấn cho tờ Daily Mail năm 2005, Kasper đã bất ngờ nói về câu chuyện riêng tư này:

"Tôi đã 29 tuổi, có vợ và hai con, nhưng đến nay vẫn bị coi là con của một ai đó. Mọi người vẫn cứ quen coi tôi là một đứa trẻ là sao? Năm tôi 8 tuổi, lần đầu tiên tôi nghe tiếng xì xào: "Nhìn kìa, con trai của Peter Schmeichel đấy". Chuyện này đến nay vẫn thế. Mọi người không chỉ muốn đến chúc mừng mà còn thích trêu đùa. Có lần một anh chàng đến bên tôi nói: "Anh có bàn cứu thua xuất sắc. Tôi nghĩ, bố anh cũng chỉ giỏi được đến thế". Tôi lạnh lùng: "Khá lắm, anh bạn. Hoan hô!"

Họ nghĩ thế là vui, nhưng không, tôi hoàn toàn không thấy vui gì. Bố tôi cũng căm ghét chuyện này. Mới đây hai bố con tôi ăn trưa và có một chàng trai đến bên bố tôi bắt tay rồi nói ông là một huyền thoại, còn tôi sẽ không bao giờ được như ông. Bố tôi nghiêm khắc nhìn anh chàng đó và nói: "Nếu cậu đến để xúc phạm con trai tôi thì hãy cút xéo khỏi đây".

Dường như tình hình này đã thay đổi sau khi CLB Leicester City đăng quang ngôi vô địch giải Ngoại hạng Anh mùa giải 2015/16. Giờ đây mọi người bắt đầu nhìn Kasper là một ngôi sao độc lập.

Bố con Schmeichel, ai hơn ai?

Kasper hay Peter? Dường như câu trả lời đã rõ. Nhưng thành tích của Kasper – giành chức vô địch với Leicester City và trận siêu đấu với đội Croatia tại World Cup 2018 thì ai cũng thấy, còn của Schmeichel-bố và giải Ngoại hạng Anh thập niên 1990 thì không phải tất cả đều thấy.

"Hiện nay tất cả đều nói về Kasper Schmeichel" - cựu hậu vệ của Aston Villa và của ĐT Đan Mạch, Martin Laursen nói. "Nếu tôi kể cho các con mình về Schmeichel thì chúng chỉ nghĩ đến Kasper. Ở thế hệ tôi, Peter là chính, nhưng bây giờ Kasper là một ngôi sao lớn".

Nhìn bề ngoài tưởng như ông bố không quan tâm mấy đến sự nghiệp của người con. Thực ra không phải vậy. Mười năm nay Schmeichel-bố là "fan" trung thành nhất của con trai mình. Ông đã đi theo cậu ở các CLB Bury và Coventry, đã quan sát bước khởi đầu của cậu ở Manchester City. Bây giờ Peter đều xem các trận đấu của Leicester City. Có lần bỏ lỡ một trận vì chuyến bay đến Hong Kong ông đã hỏi cô tiếp viên chuyến bay về tỷ số trận đó.

Peter Schmeichel thú nhận. Một chức vô địch của con trai ông thích thú hơn năm chức vô địch của mình với M.U. Một chi tiết thú vị là cả hai bố con nhà Schmeichel đều giành chức vô địch của mình ở cùng một độ tuổi và vào cùng một ngày – chỉ khác là cách nhau 23 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem