Ép học sinh bỏ học phản đối xây chợ: Đừng vẽ sai lên tờ giấy trắng

Tùng Anh (thực hiện) Thứ bảy, ngày 26/12/2015 06:43 AM (GMT+7)
“Việc của người lớn chưa biết đúng sai nhưng lại lôi trẻ em làm “công cụ” để thực hiện mục đích của người lớn là không đúng. Trẻ em chưa biết đúng sai, các em như tờ giấy trắng, nếu viết không chuẩn sẽ thành tờ… giấy nháp”.
Bình luận 0

Đó là ý kiến của TS Nguyễn Tùng Lâm  – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, xung quanh sự việc người dân ở Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) ép con em nghỉ học để phản đối thu hồi đất xây dựng trung tâm thương mại gây ồn ào những ngày qua.

Thưa TS, ông nhìn nhận như thế nào về sự việc này dưới góc độ chuyên gia tâm lý giáo dục?

img

Học sinh và tiểu thương chợ Nành tụ tập tại trụ sở UBND xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) sáng 21-12 . Ảnh: T.T

- Không nói đến vấn đề pháp lý, chỉ riêng việc dùng trẻ con vào thực hiện mục đích của người lớn đã là vấn đề không thể chấp nhận được. Học sinh ở độ tuổi này không khác gì tờ giấy trắng, các em chưa hiểu được đạo lý đúng sai, thiệt hơn về kinh tế hay chính trị.

Nhưng các em bị lôi kéo đi cầm cờ, hô khẩu hiệu và rơi vào những mâu thuẫn rất phức tạp mà chính người lớn còn chưa thể giải quyết được. Hơn nữa, phụ huynh lại bắt các em nghỉ học, ngăn cản không cho những học sinh khác đến trường, điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của con em mà còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Theo ông, sự việc này có thể gây lên những chấn động gì về tâm lý, tình cảm đối với học sinh.

Bắt học sinh nghỉ học để phản đối  việc thu hồi đất cát, vô hình trung đã nhồi nhét vào đầu các em ý nghĩ việc học không quan trọng bằng việc kiếm tiền, giữ kinh tế, giữ bát cơm, manh áo. Ở lứa tuổi này, các em chưa phải nghĩ đến việc đó.

Rồi các em sẽ coi nhẹ việc học, chất lượng học tập sẽ giảm sút, mục tiêu học tập không còn. Xa hơn, việc nghỉ học nhất thời sẽ đẩy các em ra đường, không biết làm gì, chơi gì sẽ dẫn đến các hành vi tiêu cực, thiếu an toàn. Khi phụ huynh lôi kéo con cái vào sự việc này chắc chắn họ chưa nghĩ đến việc chính hành vi đó sẽ một phần tác động khiến nhân cách các em có thể phát triển lệch lạc, hoài nghi về xã hội, thiếu niềm tin vào người lớn, môi trường giáo dục và cuộc sống xung quanh.

"  Phụ huynh lại bắt các em nghỉ học, ngăn cản không cho những học sinh khác đến trường, điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của con em mà còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng”. 
TS Nguyễn Tùng Lâm

Trước đây, cũng đã có rất nhiều sự việc ép học sinh nghỉ học vì cái này, vì cái kia như phản đối sáp nhập trường, phản đối di dời trường… tuy nhiên, những sự vụ liên quan đến quyền lợi của chính học sinh thì còn có thể có “lý” để nói. Còn sự việc này là trái đạo lý. Cần có biện pháp triệt để để tránh tiền lệ xấu sau này.

Sau khi sự việc ổn định, học sinh đi học trở lại, nhà trường cần có biện pháp gì để trấn an tinh thần, ổn định tâm lý để các em yên tâm học tập thưa ông?

-  Sự việc này theo tôi là nằm ngoài khả năng giải quyết của trường học, thầy cô. Bởi lẽ, việc không cho con đến trường, dụ dỗ đi tụ tập, cản trở vào trường học xảy ra từ các gia đình, làng xóm và ngoài cổng trường. Chính vì vậy, các cấp chính quyền địa phương phải nhanh chóng vào cuộc quyết liệt giải quyết để đảm bảo an toàn và quyền lợi cho học sinh. Sau khi học sinh đến trường, các thầy cô cũng cần có kế hoạch giải tỏa tâm lý cho các em.

Cần có những buổi trò chuyện, phân tích cho các em thế nào là đúng, sai, biết tự nói lên quan điểm, chính kiến của mình, nếu không thích thì kể cả bố mẹ cũng không nên ép buộc làm theo. Trong các giờ ngoại khóa, các tiết giáo dục kỹ năng sống cùng cần lồng ghép các bài học thực tiễn gần gũi với các em để nâng cao nhận thức cho học sinh trước những biến cố tương tự.

Xin cảm ơn ông!

Người lớn đáng giận!

Sau khi đăng tải các bài viết xung quanh việc học sinh nghỉ học để phản đối xây chợ ở Ninh Hiệp, Báo NTNN đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc thể hiện sự không đồng tình với cách hành xử của các bậc phụ huynh trong sự việc này.

  Tôi cũng là 1 tiểu thương và tôi hiểu phần nào những bức xúc của người dân buôn bán ở Ninh Hiệp. Nhưng tôi nghĩ đó là những rắc rối của người lớn và người lớn phải tự giải quyết, những đứa trẻ không đáng phải bị lôi vào cuộc chiến lợi ích này. Tôi không hiểu, các bậc phụ huynh muốn con mình học được cái gì từ việc bắt chúng bỏ học, coi thường thầy cô, phản kháng lại người lớn?  Và không biết họ có nghĩ, hậu quả của việc gieo rắc những “mầm suy nghĩ” ấy vào đầu những đứa trẻ khi chúng còn quá non nớt hay không?”.

Bạn đọc Hoàng Thị Vân, (Gia Bình, Lạng Sơn)

  Khổ thân bọn trẻ. Lỗi tất cả là ở người lớn”.

Bạn đọc Lê Hà (Hà Nội)

  Sao người lớn lại dạy trẻ con làm sai nhỉ? Việc của người lớn, người lớn giải quyết chứ. Bất bình gì thì bất bình chứ! Tôi thấy rất bất bình về người lớn trong chuyện này”.

Bạn đọc Đức Anh (Hà Nội)

  Chả cần nói gì cao siêu, dù không phải bố mẹ ruột thịt thì đương nhiên trong cuộc sống người lớn phải bảo vệ trẻ em. Vậy nên tôi không hiểu các bậc làm cha, làm mẹ này đang nghĩ gì mà đưa chính con, cháu mình ra làm cái bia chắn cho mình. Người lớn ích kỷ và bất lực đến thế này sao?”.

Bạn đọc Nguyễn Thị Hoa (Hải Dương)

           Hải Linh (tổng hợp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem