"Dù cho điểm số có ra sao, con vẫn luôn cần cha mẹ"

Tào Nga Chủ nhật, ngày 10/07/2022 06:30 AM (GMT+7)
Lần lượt các tỉnh thành công bố điểm thi, điểm chuẩn vào lớp 10 năm 2022, kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học cũng bước sang giai đoạn "nóng"... Nhưng nếu con thi trượt thì sao?
Bình luận 0

Điểm chuẩn vào lớp 10 năm 2022: Buồn, vui lẫn lộn

Thạc sĩ tâm lý, Nhà chuyên môn đào tạo cha mẹ - nuôi dạy con, Tú Anh Nguyễn đã có những chia sẻ với phụ huynh sau khi các Sở GDĐT công bố điểm thi vào lớp 10 năm 2022 cũng như kỳ tuyển sinh đại học sắp tới. Nếu thi đỗ, đó là niềm vui, tự hào về thành quả sau bao năm miệt mài ôn luyện. Nếu con thi trượt thì sao?

Thạc sĩ tâm lý Tú Anh cho biết: "Con có thể tạm vấp ngã tại một kỳ thi, nhưng con còn cả một cuộc đời tuổi trẻ phía trước để xây dựng tương lai. Nếu chẳng may con có "trượt chân" đi lệch 1 bước trong cuộc thi này, điều con cần là cha mẹ ở trên cùng một chiến tuyến và hỗ trợ để con vững vàng hơn trên chặng đường mới. Xin cha mẹ đừng dồn con vào bước đường cùng, đặc biệt là về mặt cảm xúc, tâm lý và tinh thần.

"Dù cho điểm số có ra sao, con vẫn luôn cần cha mẹ" - Ảnh 1.

Thạc sĩ tâm lý, Nhà chuyên môn đào tạo cha mẹ - nuôi dạy con, Tú Anh Nguyễn. Ảnh: NVCC

Đối mặt với một kết quả thi không như mong đợi

Dù cho kết quả có thế nào, cha mẹ hãy tự quản lý tốt cảm xúc và lời nói của chính mình trước khi quyết định trò chuyện với con. Cha mẹ cần nhớ rằng, trong giai đoạn dậy thì, cấp 2 - cấp 3, bản thân một bạn trẻ tuổi teen cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thử thách của chính mình.

Ở độ tuổi này, phần lớn các bạn trẻ đều hiểu rõ tầm quan trọng của điểm số và kết quả thi cử, đặc biệt là các em học sinh bình thường có kết quả học tập khá tốt, tự đặt ra mục tiêu thi cử cao nhưng lại chẳng may nhận lại kết quả không như mong đợi. Một trong những đặc điểm tâm lý nhận thức của tuổi teen là lối suy nghĩ "trắng-đen tách bạch", và nếu có lỡ tự đặt ra mong đợi cao, các em có thể cảm thấy như "tương lai của mình đến đây là bế tắc". Vì vậy cảm giác suy sụp và tự thất vọng về bản thân ở các em là rất lớn.

Mặt khác, cha mẹ có thể cũng rơi vào cảm giác thất vọng, buồn giận hoặc cả tự cảm thấy xấu hổ với mọi người xung quanh vì kết quả không tốt của con, tuy nhiên, nếu vì thế mà trút giận lên hoặc nói những lời trách móc, phê bình cay nghiệt, chỉ khiến cho tâm trạng và cảm xúc của trẻ tuổi teen nặng nề hơn. Việc so sánh kết quả của con với các bạn bè khác cũng là điều cần tránh.

Cha mẹ cần hiểu rằng ngay lúc này, tinh thần và tâm lý của tuổi teen rất bấp bênh và hoang mang. Đôi khi, tuổi teen có thể biểu hiện ra ngoài bằng lời nói hay thái độ trái ngược với cảm xúc của tâm trạng của con, nhưng vào lúc các con đang cảm thấy hoài nghi nhất về bản thân, các con rất cần một người lớn bình tĩnh và đáng tin cậy để con có thể ổn định lại về mặt cảm xúc.

Hiểu rõ khó khăn và thử thách con đang gặp phải là ở đâu

Đổ lỗi hay trách móc vì những lỗi sai đã diễn ra là một ngõ cụt. Để có thể giúp con vững vàng hơn trên chặng đường trước mắt. Hãy cùng con tìm hiểu ngọn nguồn xem những thử thách và khó khăn con đã gặp phải là ở đâu, để có thể cùng con lên một kế hoạch mới cho chặng đường trước mắt và con có thể đạt được kết quả học tập tốt hơn.

Những lời nhắc nhở chung chung như "Từ giờ phải cố gắng nhiều hơn!", hay "Tập trung học tập vào, đừng có chểnh mảng ham chơi"… đôi khi không phải là những giải pháp tích cực và hiệu quả để con có thể cải thiện tinh thần và kết quả học tập.

"Dù cho điểm số có ra sao, con vẫn luôn cần cha mẹ" - Ảnh 2.

"Dù cho điểm số có ra sao, con vẫn luôn cần cha mẹ trên cùng một chiến tuyến". Ảnh minh họa thí sinh thi vào lớp 10: Phạm Hưng

Một số gợi ý cho cha mẹ để có thể đồng hành và tìm ra giải pháp cùng con:

Tìm hiểu các nguyên nhân dẫn đến việc con không đạt được kết quả như mong đợi: Con có quá tự tin dẫn đến chủ quan, hay quá tự ti và lo lắng? Con có bị lo âu quá độ trước buổi thi, dẫn đến việc con không thể làm được bài ngay thời điểm đó, nhưng sau này con chắc chắn có thể làm đúng vì kiến thức đó nằm trong khả năng của con? 

Con đang có chiến lược học tập sai, môi trường và công cụ học không phù hợp dẫn đến việc con không hứng thú với môn học và việc học? Con bị quá nhiều sự phân tâm – cần tìm hiểu cụ thể lý do để giải quyết? Con chưa có kỹ năng quản lý thời gian và nhiệm vụ tốt dẫn đến việc bị quá tải và căng thẳng? 

Giúp con lấy lại động lực học tập từ chính bên trong: Hãy có một cuộc trò chuyện chân thành và cảm thông với con. Nhìn nhận thực tại và cùng con đưa ra các định hướng học tập mới trong tương lai. Cha mẹ hãy hướng dẫn con có những mục tiêu cụ thể và rõ ràng, cũng như phải thực tế để con có thể đạt được. Khi con lấy lại được sự tự tin, con sẽ phát triển được động lực học tập từ trong chính nội tại. 

Giúp con lên một kế hoạch phát triển các thói quen học tập mới tốt hơn và hiệu quả hơn. Hãy đánh giá lại không gian học tập, môi trường học tập và thời khóa biểu của con, loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực không cần thiết. 

Về lâu dài, cha mẹ hãy giúp con xây dựng những nhận định thực tế và định nghĩa của "thành công", với những chiến lược sau: 

Trò chuyện với con về những "con đường" khác nhau, cùng tìm hiểu và khám phá các sở thích hay mối quan tâm phù hợp với điểm mạnh của con. Hãy lắng nghe con mà không đánh giá hay hạ thấp suy nghĩ của con, và giúp con "thực tế hóa" những gì mà con đam mê. Giúp con hiểu rõ về những giá trị của một cá nhân khi trưởng thành. 

Ngoài các thành tích về học tập hay điểm số, các tiêu chí khác về đạo đức, kỹ năng sống, năng lực cảm xúc và khả năng giao tiếp cũng sẽ giúp con dễ dàng đạt được mục tiêu. Chia sẻ với con về những sai lầm hay khó khăn mà cha mẹ đã từng gặp phải. Đây là điều thực tế nhất mà cha mẹ có thể nói về, để dạy con rằng việc "va vấp" là điều ai cũng gặp trong cuộc sống. Và điều quan trọng là chúng ta làm gì sau mỗi lần va vấp đó để trưởng thành và trở nên tốt hơn.

Cha mẹ hãy trở thành "thủ lĩnh" đáng tin cậy giúp con tự tin "ra trận" lần nữa".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem