Dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp vùng ven biển: Sẽ có gần 38.000ha rừng được giao khoán, bảo vệ

Ngọc Linh Thứ tư, ngày 17/04/2024 11:15 AM (GMT+7)
Sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc điều chỉnh chủ trương đầu tưdự án Hiện đại hoá ngành Lâm nghiệp và tăng cường chống chịu vùng ven biển giai đoạn 2 (FMCR) do Ngân hàng Thế giới- WB tài trợ, Bộ NNPTNT đã bắt tay vào triển khai ngay những hạng mục quan trọng của dự án này.
Bình luận 0

Cụ thể, theo Quyết định 1249/QĐ-TTg ngày 26/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ, dự án FMCR sẽ được kéo dài đến năm 2026, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc khoán, bảo vệ rừng với diện tích lên đến 37.000ha.

Dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp vùng ven biển: Sẽ có gần 38.000ha rừng được giao khoán, bảo vệ- Ảnh 1.

Hiện trạng vùng rừng ven biển được trồng trong giai đoạn 1 của Dự án FMCR tại Quảng Ninh. Ảnh: Tùng Đinh.

Tập trung chăm sóc rừng, tăng khả năng chống chịu biến đối khí hậu vùng ven biển

Theo Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ NNPNT), thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2, dự án sẽ tiếp tục thực hiện chăm sóc 4.040ha đã trồng và phục hồi trong giai đoạn 1 để đảm bảo cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu biến đổi khí hậu cho vùng ven biển tại 8 tỉnh, thành phố nằm trong phạm vi của dự án, đó là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

Đặc biệt, dự án cũng đang rà soát đưa vào bảo vệ 37.956ha rừng phòng hộ hiện có để chi trả tiền khoán bảo vệ cho những diện tích chưa được chi trả. Mục tiêu là, sau năm 2026, toàn bộ diện tích rừng phòng hộ được đầu tư trong vùng dự án sẽ được bàn giao lại cho địa phương để tiếp tục duy trì quản lý bảo vệ bền vững.

Cũng theo Quyết định trên, trong giai đoạn 2, dự án sẽ triển khai và hoàn thành khoảng 100 gói đầu tư sinh kế tại 05 tỉnh dự án và tiếp tục duy trì thành quả của 50 gói đầu tư sinh kế đã hoàn thành trong giai đoạn 1 với mục tiêu phát triển sinh kế cho cộng đồng địa phương và thiết lập, duy trì các liên kết sản xuất hiệu quả và bền vững kết nối giữa các cộng đồng, tổ chức địa phương tham gia quản lý bảo vệ rừng với doanh nghiệp và thị trường.

Các xã, huyện và các cộng đồng hưởng lợi sẽ thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng và vận hành đối với 22 gói đầu tư công nghệ sản xuất và 85 gói đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo các gói đầu tư được sử dụng bền vững, đúng mục tiêu nhằm duy trì, phục vụ phát triển sản xuất, tang thu nhập cho cộng đồng địa phương đồng thời góp phần hỗ trợ bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng ven biển hiện có.

img

Phát động triển khai dự án tại huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh

Gần 38.000ha rừng được đưa vào bảo vệ, phục hồi và trồng mới hơn 4.000ha rừng

Dự án Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 548 ngày 21/4/2017. Phạm vi thực hiện dự án tại 8 tỉnh ven biển bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế với thời gian thực hiện 6 năm (2017-2023).

Tuy nhiên, do gặp phải một số khó khăn khách quan, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vào đúng giai đoạn từ 2020-2022, nên một số hạng mục của dự án chưa triển khai được. Song theo báo cáo của BQL các DA lâm nghiệp, khắc phục khó khăn, dự án đã đạt được một số kết quả nhất định như đã quy hoạch bản đồ đầu tư do các tỉnh phê duyệt trong phạm vi 41.996ha rừng phòng hộ ven biển, trong đó diện tích đủ điều kiện được đưa vào bảo vệ là 37.956ha, diện tích trồng mới và phục hồi rừng đến cuối năm 2023 đã hoàn thành trồng mới và phục hồi cho 4.040ha rừng ven biển hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt, có tỷ lệ sống đạt yêu cầu.

Về cải thiện sinh kế và công nghệ phục vụ sản xuất: Đã hoàn thành đầu tư 50 gói sinh kế, 22 gói đầu tư công nghệ sản xuất và 85 gói đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và công tác quản lý bảo vệ rừng.

Các đối tượng hưởng lợi từ dự án bao gồm các cá nhân và hộ gia đình là thành viên của cộng đồng sinh sống trong vùng thực hiện dự án, đang hoặc đã tham gia vào các hoạt động đầu tư trồng rừng, sinh kế, công nghệ sản xuất và cơ sở hạ tầng của dự án và nhận được lợi ích từ các hoạt động đầu tư. Theo thống kê, có khoảng 6.525 hộ gia đình được hưởng lợi trực tiếp và 12.080 hộ gia đình được hưởng lợi gián tiếp từ các hoạt động đầu tư của dự án với tỷ lệ phụ nữ chiếm khoảng 40%.

Dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp vùng ven biển: Sẽ có gần 38.000ha rừng được giao khoán, bảo vệ- Ảnh 3.

Cùng với trồng và phục hồi 3.941ha rừng phòng hộ ven biển, Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 90 công trình cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ, đầu tư sinh kế. Ảnh: BQLDALN

Dự án sẽ được duy trì như thế nào sau năm 2026?

Dự án FMCR giai đoạn 2 sẽ kết thúc vào năm 2026. Vậy câu hỏi đặt ra, làm thế nào để duy trì thành quả đã đạt được của dự án một cách bền vững. Theo đại diện BQL các DA lâm nghiệp, các thành quả đạt được sẽ được phân chia làm 2 nhóm. Cụ thể:

Nhóm 1 tập trung vào các gói sinh kế, công nghệ, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất sẽ được bàn giao cho các cộng đồng, chính quyền địa phương các xã, huyện tham gia dự án để tiếp tục nhân rộng, duy trì, sử dụng lâu dài. Các đối tượng hưởng lợi sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động phát triển sản xuất bằng nguồn vốn huy động khác dựa trên kết quả từ những hỗ trợ ban đầu của dự án trong việc đầu tư các gói sinh kế, công nghệ để thiết lập những cơ chế liên kết giữa các cộng đồng, tổ chức địa phương với các doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ sở để hình thành nên chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả và bền vững giữa cộng đồng dân cư địa phương với doanh nghiệp và thị trường.

Nhóm 2 diện tích hơn 40.000ha rừng trồng, phục hồi và quản lý bảo vệ được dự án tác động sẽ bàn giao cho các Chủ rừng để quản lý, bảo vệ lâu dài để thụ hưởng các nguồn lợi kinh tế trực tiếp và các lợi ích từ các giá trị dịch vụ của rừng dựa trên các quy chế quản lý rừng và các cơ chế liên kết đã được thiết lập.

Theo đánh giá, mục tiêu của dự án FMCR là đóng góp trực tiếp vào các mục tiêu "Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng", và "Góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững" trong thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững được phê duyệt tại Nghị quyết số 84//NQ-CP ngày 5/8/2021 của Chính phủ.

Việc triển khai thực hiện dự án đã góp phần phát triển kinh tế và tăng thu nhập cho các tổ chức, người dân địa phương tại 233 xã thuộc 47 huyện ven biển. Mức thu nhập của người dân địa phương đã được cải thiện thông qua việc sản xuất và cung ứng cây giống cho các hoạt động trồng rừng cũng như trực tiếp ký hợp đồng tham gia vào hoạt động trồng mới, trồng phục hồi và bảo vệ rừng của dự án. Cùng với đó là cơ hội việc làm và phát triển kinh tế từ việc tham gia các mô hình canh tác nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trong rừng ngập mặn và phát triển sản xuất bền vững thông qua các đầu tư sinh kế và công nghệ sản xuất của dự án. Ước tính số hộ gia đình hưởng lợi từ các hoạt động đầu tư của dự án là hơn 16.000 hộ gia đình.

Dự án cũng sẽ góp phần đáng kể trong nâng cao tính chống chịu cho các khu vực dễ bị tổn thương khoảng 900km đường bờ biển tại 8 tỉnh vùng ven biển như giảm suy thoái, xói mòn cùng những ảnh hưởng tiêu cực, rủi ro từ thiên tai thông qua việc cải thiện rừng phòng hộ ven biển và xây dựng cải tạo các công trình bảo vệ rừng ven biển.

Các tác động tích cực cũng bao gồm tăng tích lũy và hấp thu cacbon từ các hoạt động trồng và bảo vệ rừng của dự án, đóng góp vào tiềm năng bán tín chỉ cacbon rừng của quốc gia. Khả năng tích lũy cacbon hàng năm của rừng tương ứng với lượng tín dụng CO2 sẽ tăng theo thời gian, đặc biệt khả năng tích trữ cacbon của rừng ngập mặn trong vùng dự án có thể nhiều hơn so với rừng trên cạn từ 5 -10 lần tùy theo khu vực. Theo báo cáo đánh giá hiệu quả của WB, ước tính giá trị tín dụng cacbon trung bình hàng năm trong vùng dự án đối với rừng ngập mặn là 102 USD/ha/năm và đối với rừng trên đất ven biển là 14,4 USD/ha/năm. Trong tương lai, diện này tham gia thị trường tín chỉ Cacbon có thể thu về hàng triệu USD cho các chủ rừng và cộng đồng tham gia quản lý bảo vệ tại địa phương đồng thời góp phần đáng kể vào cam kết quốc gia về giảm phát thải ròng bằng zero vào năm 2050.

Các dịch vụ môi trường rừng cũng được tận dụng thông qua các hoạt động phát triển sinh kế như nuôi trồng thủy sản hay du lịch sinh thái trong rừng ngập mặn. Trong tương lai những diện tích này có thể được chi trả dịch vụ môi trường rừng tăng thu nhập cho các chủ thể quản lý bảo vệ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem