Dòng sông nổi tiếng dài 240km ví như "sông trăng, sông lụa", chảy qua 4 tỉnh tạo vô số cảnh đẹp hoành tráng

Thứ tư, ngày 08/03/2023 18:36 PM (GMT+7)
Dòng sông Đáy gắn bó với đồng bằng Bắc Bộ, uốn lượn qua những làng xóm, bờ tre, đồng dâu, ruộng lúa, bãi màu… Nhưng khi tìm về phía biển, chợt thấy con “sông trăng, sông lụa” vốn mềm mại, dịu dàng là thế bỗng trở nên khoáng đạt, thênh thang.
Bình luận 0

Thủy triều và dòng sông

Sông Đáy, nguyên là một phân lưu lớn đầu tiên ở hữu ngạn sông Hồng, bắt đầu từ cửa Hát Môn chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam hợp Biển Đông tại Cửa Đáy. 

Nhưng đến năm 1937, sau khi xây dựng xong đập Đáy, nước sông Hồng không thường xuyên vào sông Đáy qua cửa đập Đáy trừ những năm phân lũ, vì vậy phần đầu nguồn sông đến Ba Thá (dài 71 km) sông Đáy coi như đoạn “sông chết”. 

Lượng nước để nuôi sông Đáy chủ yếu là do các sông nhánh, quan trọng nhất là sông Tích, sông Bôi, sông Đào Nam Định và sông Nhuệ. Sông Đáy hoàn toàn mang đặc thù của sông đồng bằng, chảy giữa lưu vực với chiều dài khoảng 250 km, lòng và bãi sông biến đổi mạnh về chiều rộng.

Nếu như phần đầu nguồn của sông đã mang một kết cục buồn do những biến đổi của quá trình phát triển và đô thị hóa, thì Cửa Đáy - điểm tận cùng của sông bao năm qua vẫn nguyên tại đó. Đây là nơi nước sông chảy về hòa với dòng thủy triều, làm thay đổi luồng lạch theo những quy luật mà chỉ người trên sông nước với nhau, mới hay. 

Theo lời mách của một bác trưởng tàu, tôi đi tới ngã ba Gián Khẩu (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) nơi sông Hoàng Long, sông Nhuệ hợp lưu sông Đáy. Từ trên cầu Gián Khẩu nhìn xuống, tính từ khúc cua này, con “sông trăng, sông lụa” rũ bỏ dáng vẻ yểu điệu, để khoác lên mình cảnh quan của sông lớn sắp nhập vào biển.

Đoạn rộng nhất khoảng 700 - 800 m nối giữa huyện Kim Sơn (Ninh Bình) với huyện Nam Trực (Nam Định).

Dòng sông nổi tiếng dài 240km ví như "sông trăng, sông lụa" chảy, chảy qua 4 tỉnh tạo vô số cảnh đẹp hoành tráng - Ảnh 2.

Cửa biển đoạn giao với sông Đáy (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).

Sông Đáy từ Gián Khẩu đến biển dài khoảng 82 km, lòng sông mở rộng dần. Từ đoạn này, sông luôn chịu ảnh hưởng của thủy triều. Dòng chảy sông Đáy bị ảnh hưởng do thủy triều vịnh Bắc Bộ, nhưng sức ảnh hưởng của thủy triều thường giảm dần từ cửa sông vào nội địa. 

Trong năm, ảnh hưởng thủy triều mạnh nhất vào các tháng mùa kiệt, giảm đi trong các tháng lũ lớn. Đáng chú ý là về mùa cạn sóng đỉnh triều truyền sâu vào nội địa gần 150 km tới tận Ba Thá, còn mùa lũ khoảng 50 đến 100 km tới gần Phủ Lý (Hà Nam).

Chiều muộn trên bến phà Điện Biên - Bình Minh, anh N. Tuân, phụ trách lái phà ở đây đã gần 5 năm đang thong dong chờ thêm khách cho chuyến phà cuối ngày. Suốt một dải từ cầu Non Nước nối giữa thành phố Ninh Bình (Ninh Bình) và huyện Ý Yên (Nam Định), chưa có một cây cầu bắc qua sông nối hai tỉnh ngoài dự án đường vượt biển sắp tới mới khởi công. Bởi vậy hiện nay, phà vẫn là phương tiện chính và kết nối nhanh nhất. 

Tại bến phà này, khúc sông rộng cỡ 800 m, đi phà chỉ mất có vài phút, giá vé 10.000 đồng/người, xe tùy loại. Vào ngày thường, phà chở khách là người dân địa phương, trong đó có những người thường xuyên đi làm, đi chợ hoặc thu mua thủy, hải sản giữa các vùng.

Những ngày lễ, Tết hay nghỉ hè, hàng trăm lượt người lao động, công nhân đi làm qua thị trấn Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng) về các miền quê ở Nam Định; lại có cả khách du lịch từ bờ này sang bờ kia để đi bãi tắm Thịnh Long, Quất Lâm... 

Ở phía bên kia, bến có tên là bến phà Nam Điền thuộc huyện Nghĩa Hưng, đưa người có nhu cầu từ phía Nam Định đến các thị trấn Bình Minh, Phát Diệm, Tam Điệp hoặc đi Thanh Hóa…Chuyến phà cuối trong ngày chỉ có bốn người khách, ba chiếc xe và hai con cá treo ngược trong giỏ của một phụ nữ đi chợ về, song không vì thế mà anh Tuân bận lòng. 

Người con của quê Kim Sơn tâm sự đã quen thuộc với khúc sông như là nhà. Khách của anh phần lớn cũng là khách quen, “dù là người Kim Sơn (thuộc bờ bên này của Ninh Bình) hay Nghĩa Hưng (bờ bên kia thuộc Nam Định) thì cũng như người làng”.

“Cầm lái mới cảm nhận rõ rệt đặc điểm dòng chảy vùng cửa sông và tác động của thủy triều”, anh Tuân nói. Sở dĩ người lái và đặc biệt là ngư dân phải nắm nhật triều thật rõ, để điều khiển tàu bè cho thuận lợi, tránh hao tốn nhiên liệu. 

Ở vùng cửa sông Đáy, thời gian triều lên trong ngày thường khoảng tám, chín giờ; thời gian triều xuống lâu hơn kéo dài khoảng 15-16 giờ. Những ngày triều cường thời gian triều lên dài hơn và thời gian triều xuống ngắn lại khoảng một tiếng.

Ông Phạm Đức Chính, nguyên là máy trưởng tàu Thăng Long 10 thuộc Tổng công ty xây dựng Thăng Long trước đây, một người đi đường thủy nội địa dạn dĩ, từng ngang dọc khắp các dòng sông từ bắc tới nam, kể với tôi rằng, khi xưa chở nguyên vật liệu qua khúc sông này, ông thường neo phà lại rồi thuê ngư dân đưa ra Cửa Đáy để kiểm tra luồng lạch đặng còn neo tàu vào nghỉ hay đi tiếp. 

“Nếu triều lên có thể lợi dụng đưa thuyền vào bến bãi trong sông, còn ngày hôm đó nếu biết triều rút thì thả neo để chờ thêm, đỡ đi ngược dòng rất hao dầu máy”, ông cho biết.

Hằng tháng trung bình có hai lần triều cường, hai lần triều kém. Mỗi kỳ triều khoảng 14-15 ngày, đôi khi chỉ có 13 ngày theo tính chất chung của thủy triều vịnh Bắc Bộ. “Lý thuyết thì là thế, nhưng nhiều khi không gì bằng hỏi ngư dân ngay Cửa Đáy, họ thường xuyên qua lại đây nên tính giờ triều rất nhanh. 

Điều này cánh lái tàu đường thủy nội địa chúng tôi không nắm bằng!” ông cảm thán. Theo ước tính của Trạm kiểm soát biên phòng Cửa Đáy, khu vực này có gần 100 thuyền bè thường xuyên neo đậu, với gần 200 ngư dân. Cuộc sống của những ngư dân nơi cửa biển có nhọc nhằn vất vả, có lênh đênh sóng nước nhưng là một cộng đồng gắn bó chặt chẽ với sinh kế dựa hoàn toàn vào sông nước.

Nếu cứ đi mãi theo con sông Đáy thì sẽ về đến tận Cồn Nổi, vùng đất quai đê lấn biển thuộc huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Ấy là nơi mà người Ninh Bình tự hào rằng “quê tôi có biển!”. 

Chạy thẳng ra biển Kim Sơn có con đường vượt biển dài chừng 5 km nối từ đất liền ra tới Cồn Nổi. Hai bên đường, các đầm nuôi ngao trải dài, xen kẽ với rừng ngập mặn trồng sú vẹt xanh mướt mắt. Ở vùng cửa biển, không khí, dòng nước, mầu sắc, cảnh vật mọi thứ thay đổi rõ ràng so ven sông.

 Đến mùi gió cũng mang vị rất khác, không còn là cơn gió sông hiền hòa chỉ làm phất phơ mảnh lụa, mà là gió biển mạnh mẽ, mặn mòi. Một vùng đồng lúa, lũy tre nhường chỗ cho bãi ngập mặn, vài cây sú vẹt đang điểm hoa trắng tinh khôi.

Dòng sông tinh nghịch

Xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội được xác định là vị trí của cửa sông Hát, đoạn đầu sông Đáy nối với sông Hồng trước đây. Đầu nguồn sông Đáy chứng kiến một trong những sự kiện lớn của lịch sử nước nhà, là nơi Hai Bà Trưng lập đàn và mở hội thề tụ nghĩa vào năm 40 đầu Công nguyên.

Tại đây, nay vẫn còn một trong ba ngôi đền thờ Hai Bà Trưng lớn nhất và lâu đời nhất ở nước ta. Nguyên xưa, ngôi đền nằm trên bờ sông sau do sông đổi dòng nên đền đã ở sâu vào đất liền. Địa lý thay đổi, nhưng tập tục cũ vẫn còn. Hằng năm, vào dịp Tết Hàn thực, dân làng vẫn duy trì tục rước bánh trôi gắn với sự tích đầy ý nghĩa về Hai Bà Trưng.

Tuy đoạn sông đầu nguồn đã không còn, nhưng phần còn lại của con sông nằm ở phía tây của khu vực nội thành Hà Nội, với mật độ dân cư và các công trình dày đặc, nay đóng vai trò trọng yếu trong quy hoạch đô thị. Phía tây nam sông Đáy là khu vực các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín là vùng trũng nhất. 

Sông Đáy đoạn này chủ yếu là chảy qua vùng đồng bằng nhờ phù sa bồi đắp. Ngoài địa hình đồng bằng thì lưu vực sông Đáy cũng chảy qua vùng địa hình đồi núi. Phần diện tích đồi núi phần lớn thuộc các huyện Quốc Oai, Mỹ Đức. 

Tuy nhiên, con sông chảy qua vùng này đã thu hẹp lại nhiều, phần do nước cạn, phần do người dân hai bên san lấp bờ sông.  Mà theo một nhóm nghiên cứu nước ngoài về các làng ven Hà Nội đã viết rằng đây là nơi “con sông tinh nghịch… đã trở thành một con suối từ khi xây dựng van đóng mở trên sông Hồng để điều hòa sông Đáy”. 

“Dòng sông tinh nghịch” lúc uốn lượn quanh co dưới chân dãy Hương Sơn, lúc lại trầm ngâm, lặng lẽ khi đi qua vùng đồng bằng, chảy qua bao vùng “nong kén vàng như lúa, tròn vành một góc trời”.

Các dòng sông và những suối, hồ chằng chịt khắp nơi, giống như mạch máu trong cơ thể con người hay cành nhánh trên một thân cây, hệ thống sông ngòi mang lại nguồn cá, tôm, thực phẩm cho con người, đưa nước tưới tiêu, thoát lũ, lại bồi đắp nên một dòng văn hóa. 

Các làng nghề ven sông được hình thành theo năm tháng sau những buổi nông nhàn, người nông dân vốn cần mẫn, chăm chỉ lại khéo tay, khéo vun vén đã nghĩ ra nhiều cách làm ăn mới như làm bún, trồng dâu nuôi tằm, canh cửi... 

Việc hình thành nhiều làng nghề bên sông còn do đây là nơi dễ dàng mua được hàng hóa từ các vùng thượng nguồn đưa xuống, như dong giềng, củ sắn làm miến, gạo làm bún, gỗ để làm mộc… và ngược lại cũng để thuận tiện vận chuyển hàng hóa lên tàu bè theo lái buôn đi muôn nơi.

Nơi con sông giao nhau thường có các thị trấn, thị tứ và sông gặp đường thì hình thành chợ… Đi một rẻo từ Phùng Xá (Mỹ Đức) do sông uốn lượn liên tục nên có thể bắt gặp không ít chợ xép ven sông. Những chợ quê xây theo lối cũ hoặc đơn giản chỉ là mấy gian hàng rau, thịt, cá với vài thùng xốp hoa quả đầy mầu sắc xếp cạnh với nhau. 

Rồi từ đó, những chợ Tế Tiêu, chợ Dầu, chợ Thanh Xuyên, chợ Phù Lưu Tế… hình thành dọc theo dòng sông, như một trong yếu tố đại diện của hồn quê Bắc Bộ. Đi ven sông Đáy, đều thấy những mẫu số chung chợ quê, mái đình, gốc đa, bến nước… như thế.

Sông Đáy đoạn từ Mai Lĩnh (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) đến Tân Lang (Hà Nam) dài 75 km, lòng sông quanh co, uốn khúc, chảy theo hướng Bắc - Nam.

Đoạn Tân Lang đến Gián Khẩu dài 53 km, sông Đáy chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam đến Phủ Lý, sau đó từ Phủ Lý đến Gián Khẩu đổi thành hướng Bắc - Nam, ở bờ hữu có dãy núi đá vôi Ninh Bình.

Từ bờ sông Đáy vào chân núi là các cánh đồng của bảy xã thuộc huyện Kim Bảng (Hà Nam), có đê bối bao quanh để ngăn lũ nội đồng.

Nha Đam (Thời Nay/Báo Nhân Dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem