Đồng Nai: Nhân nhanh giống mì kháng bệnh trong nhà kính

Trần Khánh Thứ bảy, ngày 04/12/2021 15:12 PM (GMT+7)
Nỗ lực tìm kiếm giống mì kháng bệnh của Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (Đồng Nai) đã mang lại hiệu quả tích cực khi giống mì TMEB419 cho năng suất cao và kháng bệnh khảm lá.
Bình luận 0

Đây là tin vui trong nỗ lực tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung giống kháng  bệnh cho nông dân trồng mì (sắn)  không chỉ ở Đồng Nai mà cả khu vực Đông Nam bộ.

Nhu cầu cấp bách giống mì kháng bệnh

Đến thời điểm này, khu vực phía Nam còn 8 tỉnh thành, trong đó có Đồng Nai vẫn còn dịch khảm lá mì.

Theo Sở NNPTNT Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh có hơn 13.452 ha khoai mì. Trong đó, diện tích nhiễm bệnh khảm lá ở mức độ nặng gần 4.550 ha (chiếm tỷ lệ gần 33%).

Nông dân tỉnh Đồng Nai thu hoạch củ mì. Ảnh: Trần Khánh

Nông dân tỉnh Đồng Nai thu hoạch củ mì. Ảnh: Trần Khánh

Ông Mai Thành Kiên, nông dân huyện Trảng Bom cho biết, một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh khảm lá mì tăng nhanh là do giá bán mì vụ hè thu năm 2020 cao hơn năm trước.

Trong quá trình xuống giống vụ 2021, người dân vẫn lấy hom giống nhiễm bệnh để trồng lại. Dịch bệnh này lại chưa có thuốc đặc trị nên nhà nông mãi loay hoay tìm cách phòng trừ. Nông dân phun xịt nhiều loại thuốc để diệt bọ phấn trắng là môi giới truyền bệnh mà không trị được tận gốc.

Chi phí đầu tư cho 1ha mì thường từ 32-35 triệu đồng thì nay tăng lên khoảng 40 triệu đồng. Chi phí đầu tư tăng nhưng ruộng mì vẫn nhiễm bệnh. "Năng suất và chữ bột sụt giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng", ông Kiên nói.

Trong quá trình xuống giống vụ 2021, người dân vẫn lấy hom giống nhiễm bệnh để trồng lại. Trong ảnh: Người dân vận chuyển hom mì giống ở Tây Ninh. Ảnh: Trần Khánh

TS. Nguyễn Hữu Hỷ - nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (Đồng Nai) cho biết, bệnh khảm lá hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhẹ.

Nông dân vẫn tự tìm cây giống, rồi sử dụng các biện pháp phòng trừ khác nhau. "Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ mang tính tình thế, không thể loại trừ bệnh khảm một cách triệt để", TS. Hỷ nói.

Từ năm 2018, Trung tâm Hưng Lộc thực hiện dự án xây dựng giải pháp cấp bách quản lý phòng trừ bệnh khảm lá gây hại vùng Đông Nam bộ. Trung tâm Hưng Lộc cũng được Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) hỗ trợ bộ giống kháng bằng con đường nhập nội.

Giống khoai mì TMEB419 trồng khảo nghiệm ở Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (Đồng Nai). Ảnh: Trần Khánh

Giống khoai mì TMEB419 trồng khảo nghiệm ở Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (Đồng Nai). Ảnh: Trần Khánh

Tin vui là sau 3 năm trồng khảo nghiệm, Trung tâm Hưng Lộc đã phát triển được giống mì TMEB419 kháng bệnh khảm lá.  

Giống mì TMEB419 có thể cho năng suất củ tươi đạt từ 38,19 – 42,5 tấn/ha; hàm lượng tinh bột đạt 25,1 -29,3%. Thịt củ có màu trắng, thích hợp với nhu cầu chế biến của nhà máy.  

Nhân nhanh giống mì kháng bệnh trong nhà kính

Trung tâm Hưng Lộc đang áp dụng nhân nhanh giống khoai mì TMEB419 bằng hệ thống khí canh và nuôi cấy mô trong nhà kính. Đây là giải pháp hữu hiệu để tạo ra nguồn giống mì sạch bệnh với sản lượng lớn, để cuối năm 2022 sẽ cung cấp cho sản xuất.

Kỹ sư Võ Văn Tuấn chăm sóc hom mì giống trong nhà kính. Ảnh: Trần Khánh

Kỹ sư Võ Văn Tuấn chăm sóc hom mì giống trong nhà kính. Ảnh: Trần Khánh

Kỹ sư Võ Văn Tuấn, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Hưng Lộc cho biết, phương pháp nhân nhanh trong nhà kính giúp kiểm soát nhiệt độ, để kích thích tốc độ sinh trưởng cây giống.

Nhà kính còn giúp kiểm soát các loại dịch bệnh, côn trùng phá hoại để tạo ra nguồn giống sạch bệnh ngay từ ban đầu, và đưa ra sản xuất được an toàn hơn.

Một ưu điểm nữa là nhân nhanh trong nhà kính quy mô nhỏ chưng 100m2 cũng có thể tạo ra hơn 5.000 hom giống trong 6 tháng.

"Trong khi nhân giống ngoài đồng ruộng trên 1ha chỉ cho ra 14.000-15000 hom giống mỗi năm", kỹ sư Tuấn cho biết.

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Phía Trung Quốc tiếp tục duy trì kiểm soát rất chặt chẽ việc giao hàng qua cửa khẩu, khiến tiến độ giao hàng rất chậm.

Hiện tại, chi phí logistic tăng và thiếu phương tiện chuyên chở gây ra nhiều khó khăn cho ngành mì. Dự báo, nguồn cung sản phẩm mì vụ 2021 - 2022 có thể thấp hơn vụ trước do năng suất giảm.

TS. Nguyễn Hữu Hỷ (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu các giống mì kháng bệnh ở  Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc. Ảnh: Trần Khánh

TS. Nguyễn Hữu Hỷ (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu các giống mì kháng bệnh ở Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc. Ảnh: Trần Khánh

Theo TS. Nguyễn Hữu Hỷ, cây mì hiện đang được trồng trên 90 quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới. Việt Nam là một trong những quốc gia có sản lượng khoai mì xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Vài năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh khảm lá diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu của loại nông sản này.

Tuy nhiên, giá củ mì tươi vẫn đang ở mức cao. Giữa tháng 11/2021, giá mì ghi nhận ở Tây Ninh đạt 3.000-3.150 đồng/kg. Đến đầu tháng 12/2021, giá mì tăng lên mức 3.100 – 3.450 đồng/kg. Giá mì cao là động lực để nông dân tiếp tục gắn bó và chờ đợi các giống mì kháng bệnh.

"Sau khi các giống kháng bệnh khảm lá đưa ra sản xuất đại trà, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức xuất khẩu ổn định hàng năm. Thậm chí có thể gia tăng giá trị xuất khẩu lên từng bước nhờ đổi mới công nghệ chế biến" TS. Hỷ chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem