Dòng họ Chu ở Bắc Ninh có người làm phò mã nhà Lý, có người đỗ tiến sỹ xuất thân nhà Mạc

Chủ nhật, ngày 18/06/2023 19:11 PM (GMT+7)
Họ Chu là dòng họ đầu tiên đến lập ấp dựng làng có lịch sử tồn tại phát triển lâu đời ở Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh). Trải trường kỳ lịch sử dòng họ Chu đã sinh ra nhiều nhân tài đóng góp công lao với quê hương đất nước...
Bình luận 0

 Nhà thờ đại tôn họ Chu nằm ở đầu thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh). Đây là nơi phụng thờ các bậc tiên tổ của dòng họ cùng nhà khoa bảng Chu Địch Huấn đăng khoa năm 1532. Nhà thờ vừa được UBND tỉnh Bắc Ninh ra Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa 1.

Họ Chu là dòng họ đầu tiên đến lập ấp dựng làng có lịch sử tồn tại phát triển lâu đời ở Vọng Nguyệt. Đến nay dòng họ Chu phân chia thành 3 chi: chi Giáp (đại tôn), chi Ất (chi 2), chi Bính (chi 3) với tổng số 688 suất đinh. 

Vào năm Ất Mão (1915), một số con cháu thuộc chi trưởng (đại tôn) họ Chu sang lập ấp, xây dựng làng Vọng Giang (phía bên bờ Bắc sông Cầu). 

Cho đến nay có 2/3 người làng Vọng Giang, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang thuộc dòng họ Chu. Ngoài ra con cháu dòng họ Chu còn gây dựng cơ nghiệp ở một số vùng đất khác như: Thái Nguyên, Thanh Hóa... 

Trải trường kỳ lịch sử dòng họ Chu đã sinh ra nhiều nhân tài đóng góp công lao với quê hương đất nước, tiêu biểu như: Phò mã Đô úy Thượng hầu Chu Đình Dự (cuối triều Lý), Nội nhân Hỏa đầu Chu Tuế (triều Trần) có công xây dựng lại chùa Khai Nghiêm (tương truyền chùa trước đây do công chúa Lý Nguyệt Sinh khởi dựng từ thời Lý). 

Chùa được khởi công từ năm Quý Dậu niên hiệu Khai Hựu thứ 5 (1333) đến năm Ất Hợi niên hiệu Khai Hựu thứ 7 (1335) thì hoàn thành…

Đặc biệt là cụ Chu Địch Huấn sinh năm Giáp Tý (1504)2, húy là Luyện, tự Địch Huấn. Ngay từ thuở nhỏ, Chu Địch Huấn đã tỏ ra thông minh ham học, thông hiểu thi thư, kinh điển, chăm lo dùi mài kinh sử, lại được cha mẹ dốc lòng chăm lo việc học hành. 

Dòng họ Chu ở Bắc Ninh có người làm phò mã nhà Lý, có người đỗ tiến sỹ xuất thân nhà Mạc - Ảnh 1.

Bia đá "Chu tộc bi kí" khắc năm Đồng Khánh nhà Nguyễn (năm 1888).

Qua nhiều năm đèn sách từ các lớp học ở làng xã rồi cao hơn đến nơi cửa Khổng sân Trình, vượt qua hàng nghìn Nho sinh, Cử nhân ở các trường thi - và đặc biệt là sự tranh tài với trên 1000 Cử nhân ở khoa thi Hội, thi Đình, những người đầy tài năng và trí tuệ được lựa chọn qua nhiều trường thi và từ các địa phương trong cả nước. 

Năm 29 tuổi, Chu Địch Huấn đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân khoa Nhâm Thìn niên hiệu Đại Chính 3 (1532) đời vua Mạc Đăng Doanh, tên đứng thứ 11. Sau khi đăng khoa Tiến sĩ Chu Địch Huấn được bổ dụng làm quan trong triều đình nhà Mạc. Ông là một vị quan thanh liêm chính trực trong suốt quá trình quan lộ, được triều đình thăng tới chức Hữu Thị lang bộ Hộ, tước Liêm Xuyên hầu trật tòng tam phẩm.

Hiện nay nhà thờ đại tôn họ Chu có mặt bằng kiến trúc hình chữ Nhất (-) xây dựng theo lối “bình đầu bít đốc tay ngai” gồm 3 gian, 2 dĩ. Bộ khung nhà được làm bằng gỗ, vì kèo kết cấu theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ ngồi bảy hiên”. Trên các cấu kiện kiến trúc trang trí đề tài vân mây, hoa lá cách điệu mang phong cách nghệ thuật truyền thống.

Tại di tích hiện còn lưu giữ nhiều tài liệu, cổ vật có niên đại tạo tác vào thời Nguyễn như: ngai thờ, sập thờ, bia đá “Chu tộc bi kí” khắc năm Đồng Khánh 3 (1888) nội dung chính ghi chép về nguồn gốc của dòng họ từ cụ thủy tổ đến các thế hệ cùng những cá nhân tiêu biểu của gia tộc, hệ thống hoành phi câu đối phản ánh về sự phát tích, hưng thịnh của dòng họ... 

Đây là nguồn tư liệu Hán Nôm có giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, phục vụ cho công tác nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử hình thành, phát triển của dòng họ và đánh giá các giá trị của di tích.

Nhà thờ đại tôn họ Chu chứa đựng những dấu ấn tốt đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, là nơi nhắc nhở con cháu trong dòng họ luôn giữ gìn, phát huy những giá trị đạo lý, gia phong của tổ tiên ông bà truyền lại. 

Đó là truyền thống uống nước nhớ nguồn, truyền thống yêu nước đánh giặc ngoại xâm, truyền thống hiếu học khoa bảng, tình đoàn kết sắt son, ý chí cộng đồng trong họ hàng, dòng tộc. Thiết nghĩ việc xếp hạng nhà thờ đại tôn họ Chu là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh không chỉ là niềm vinh dự của con cháu trong gia tộc mà còn là niềm tự hào chung của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc văn hiến.

1- Quyết định số 1542/QĐ-UBND, ký ban hành ngày 8-12-2021.

2- Không rõ năm mất của Tiến sĩ Chu Địch Huấn.

Nguyễn Văn An (Bảo tàng Bắc Ninh) (Báo Bắc Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem