Đọc sách cùng bạn: Sự sống chẳng bao giờ chán nản

Phạm Xuân Nguyên Thứ năm, ngày 21/04/2022 09:55 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi mời bạn đọc cuốn tiểu thuyết "Ngày tháng năm" của nhà văn Trung Quốc Diêm Liên Khoa qua bản dịch từ nguyên tác tiếng Trung của Minh Thương.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Sự sống chẳng bao giờ chán nản - Ảnh 1.

Truyện kể về một làng bên dãy núi Bá Lâu một năm đại hạn hán nắng nóng dữ dội khô héo đất đai cây cỏ, cả làng bỏ hết nhà cửa ruộng đồng đi tìm nơi khác sống. Cả làng bỏ đi hết, duy chỉ có một ông già bảy mươi hai tuổi nửa đường quay lại làng. Ông cứu một con chó bị bắt hiến tế cho lễ cúng đuổi mặt trời nhưng đã bị ánh nắng thui chột đôi mắt. Ông lão và con chó mù bên nhau cùng canh giữ một mầm ngô để mong nó lớn thành cây ra bắp giữ lại cuộc sống cho vùng quê khô hạn. Cả cuốn truyện là sự vật lộn chống chọi của người và chó để bảo vệ cây ngô khỏi chết, khỏi lụi tàn. Ông lão đã tìm đủ cách để xua đuổi đàn chuột đông như một đạo quân chỉ chực tấn công ông và con chó mù và ngấu nghiến cây ngô. Ông lão đã tìm mọi cách để có thể có nước cho cây, bất chấp đã phải trải qua một đêm một mình chống chọi với bầy sói chín con. Trong sức lực còn lại của một ông già và trong hoàn cảnh không còn chút lương thực thực phẩm gì ở làng, giữa một khung cảnh núi đồi bị mặt trời thiêu đốt dữ dội, bên mình chỉ có một con chó mù, ông lão đã làm hết những gì cần làm, phải làm để giữ sự sống cho cây ngô. Tên sách đếm thời gian ngày tháng năm cũng để nói lên ý chí sống của con người.

NGÀY THÁNG NĂM

Tác giả: Dương Liên Khoa (Trung Quốc)

Dịch giả: Minh Thương (từ tiếng Trung)

Tao Đàn & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2022

Số trang: 162 (khổ 13x20,5cm)

Số lượng: 1000

Giá bán: 120.000

Nghĩ ra được một câu chuyện thế này là cái giỏi của Diêm Liên Khoa. Và ông đã viết truyện bằng bút pháp vừa tả thực vừa tượng trưng. Chỉ với một ông lão, một con chó mù và một cây ngô nhà văn đã viết nên thiên truyện ca ngợi sức sống của con người vượt lên và vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt, dám chấp nhận và đương đầu với số phận ngay cả khi đã gục ngã. Cuốn truyện này gợi nhớ cuốn "Ông già và biển cả" (1952) của E. Hemingway. Ông lão Santiago của nhà văn Mỹ tuổi già ra khơi câu được con cá kiếm to nhưng suốt hành trình vật lộn với bầy cá mập để kéo con cá câu được vào bờ thì cá chỉ còn bộ xương. Nhưng công sức của ông không uổng phí khi có đứa trẻ đồng cảm với ông và muốn theo gương ông ra biển. 

Ông lão không tên của nhà văn Trung Quốc rốt cục đã chết cùng con chó mù trong cái hố hình máng ông tự đào cho mình, và cây ngô rồi cũng chết. Nhưng trên thân cây ngô khô cháy vẫn có một bắp ngô to và trong bắp ngô đó có "bảy hạt to bằng bụng ngón tay, trong suốt như hạt ngọc". Đó là lý do khi dân làng trở về rồi lại dắt díu nhau bỏ làng đi nữa thì lần này khác lần trước là không chỉ có một người như ông lão ở lại. Bây giờ bám trụ lại làng là "bảy người con trai của bảy hộ gia đình trong làng này, họ trẻ tuổi, khoẻ mạnh, có sức vóc, bắc bảy cái gác lều trên bảy sườn núi, trên bảy mảnh đất màu nâu cách xa nhau, họ chống chọi không biết mệt mỏi với ánh mặt trời và nỗi cô đơn, trồng được bảy cây ngô tươi non xanh mướt". Truyện kết lại như thế là có tia hy vọng lạc quan, không đến mức phi lý như chàng Sisyphus trong thần thoại Hy Lạp đã được Anbert Camus (nhà văn Pháp, giải Nobel văn chương 1957) dựng thành tiểu thuyết. Chàng Sisyphus tội nghiệp bị buộc ban ngày phải vần một hòn đá lên đỉnh núi nhưng đến tối hòn đá lại lăn xuống khiến cho chàng cứ phải lặp lại vô tận hành động vô nghĩa này.

Diêm Liên Khoa (sinh 1958) đang là nhà văn Trung Quốc nổi tiếng nhất hiện nay. Những tác phẩm của ông xoáy sâu vào hiện thực đất nước, phơi bày những vấn đề nhức nhối của xã hội, đặt ra những câu hỏi cấp thiết về số phận con người Trung Quốc hiện nay. Một số tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa đã được dịch ra tiếng Việt, trong đó dịch giả Minh Thương góp nhiều công. Chị đã dịch của Diêm Liên Khoa những cuốn như "Kiên ngạnh như thuỷ" (Giải thưởng văn học dịch của Hội Nhà văn Hà Nội 2014), "Đinh trang mộng", "Nàng Kim Liên ở trấn Tây Môn" và bây giờ là "Ngày tháng năm". Sự kiên trì chuyên tâm của một dịch giả vào một tác giả nước ngoài như trường hợp Minh Thương – Diêm Liên Khoa đã tạo cơ hội cho bạn đọc trong nước được tiếp cận có hệ thống các tác phẩm của một nhà văn nổi tiếng trong văn học ngoại quốc, từ đó có sự hiểu biết sâu sắc hơn về tác giả đó, nền văn học đó. Chính Minh Thương đã là cầu nối mời nhà văn Diêm Liên Khoa sang Việt Nam năm 2020 giao lưu với độc giả và giới văn chương nước ta.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!

Hà Nội, 20/4/2022


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem