Độc đáo hình ảnh tướng bà trong môn cờ người tại lễ hội làng Giang Xá (Hoài Đức, Hà Nội)

Song Phúc Thứ tư, ngày 21/02/2024 16:00 PM (GMT+7)
Lễ hội làng Giang Xá (huyện Hoài Đức, Hà Nội) với nhiều sự kiện quan trọng như nghi thức tế lễ và rước kiệu thánh theo phong tục truyền thống của địa phương; tổ chức Lễ kỷ niệm 1.480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng Đế và thành lập nước Vạn Xuân….
Bình luận 0

Clip lễ hội làng Giang Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Thực hiện: Song Phúc.

Sáng ngày 21/2, huyện Hoài Đức (Hà Nội) tổ chức Lễ kỷ niệm 1.480 năm vua Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng Đế và thành lập nước Vạn Xuân và khai hội Giang Xá Xuân Giáp Thìn 2024.

Nguồn gốc lễ hội Giang Xá

Đến dự Lễ dâng hương tại đình, đền làng Giang Xá có ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội; Ủy viên TƯ Đảng, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và nhiều người dân ở làng Giang Xá.

Tại lễ khai hội đình Giang Xá, các đại biểu đã thực hiện nghi thức dâng hương, tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Hoàng đế Lý Nam Đế, người đã nối tiếp truyền thống 18 thế hệ Hùng Vương dựng nước và giữ nước.

Độc đáo hình ảnh tướng bà trong môn cờ người tại lễ hội làng Giang Xá (Hoài Đức, Hà Nội)- Ảnh 1.

Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động như: nghi thức tế lễ và rước kiệu thánh theo phong tục truyền thống của địa phương; tổ chức Lễ kỷ niệm 1.480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng Đế và thành lập nước Vạn Xuân; các hoạt động văn hoá văn nghệ, trò chơi dân gian, trưng bày ảnh, tư liệu về di sản, tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm...

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, sự kiện hội làng Giang Xá, lễ kỷ niệm 1.480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng đế và thành lập nước Vạn Xuân được tổ chức nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của Lý Nam Đế và khai sinh nhà nước Vạn Xuân độc lập.

Theo sử sách, Lý Bí sinh ra ở thôn Cổ Pháp (nay thuộc phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Cha mẹ mất sớm, ông được pháp tổ thiền sư đưa về nuôi dưỡng và tu tập tại chùa Linh Bảo (tức chùa Giang Xá, huyện Hoài Đức). Lý Bí lớn lên có tài văn võ song toàn, lại có chí lớn, ông căm ghét chế độ đô hộ nhà Lương, bất mãn với sự tham lam tàn bạo của Tiêu Tư nên đã ngầm chiêu mộ quân sĩ để khởi nghĩa chống giặc nhà Lương...

Độc đáo hình ảnh tướng bà trong môn cờ người tại lễ hội làng Giang Xá (Hoài Đức, Hà Nội)- Ảnh 2.

Tại lễ khai hội đình Giang Xá, các vị đại biểu và người dân địa phương đã thực hiện nghi thức dâng hương, tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Hoàng đế Lý Nam Đế.

Sau khi đánh dẹp được quân Lương và Lâm Ấp, tháng Giêng năm Giáp Tý (năm 544) Lý Bí lên ngôi Hoàng đế xưng là Nam Việt Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, lấy niên hiệu là Thiên Đức, dựng điện Vạn Thọ làm nơi hội triều.

Việc xưng Đế hiệu, đặt Quốc hiệu là sự thể hiện ý chí độc lập, bản lĩnh kiên cường, thể hiện rõ nét ý thức trưởng thành của dân tộc. Ông lên ngôi Hoàng đế - vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử các triều đại quân chủ Việt Nam, với vị thế sánh ngang các Hoàng đế Trung Hoa.

Lý Nam Đế lên ngôi được 4 năm (544 - 548). Sau nhiều trận giao tranh với kẻ thù không giành được thắng lợi, nên lui về động Khuất Lão dưỡng bệnh và qua đời ở đây. Nhân dân địa phương đã tổ chức an táng, xây lăng mộ và đền thờ Ngài. Khu lăng mộ và đền thờ toạ lạc tại xã Văn Lương (nay thuộc xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ).

Độc đáo hình ảnh tướng bà trong môn cờ người tại lễ hội làng Giang Xá (Hoài Đức, Hà Nội)- Ảnh 3.

Người dân trong làng Giang Xá tham dự lễ khai hội làng.

Từ nhiều năm qua, 3 địa phương: Phường Tiên Phong - Thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên (nơi sinh của Ngài), làng Giang Xá - huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội (quê hương thứ hai và cũng là nơi Ngài phất cờ khởi nghĩa) và xã Văn Lương - huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ (nơi an táng Ngài) luôn liên hệ mật thiết với nhau...

Đáng chú ý, trong suốt tiến trình của cuộc khởi nghĩa, huyện Hoài Đức vinh dự và tự hào là quê hương thứ hai gắn liền với tên tuổi và công lao của Lý Nam Đế.

Đã thành truyền thống, hằng năm nhân dân làng Giang Xá tổ chức 4 ngày lễ tại di tích đình - đền trong đó: Lễ hội được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng là ngày Lý Bí lên ngôi Hoàng Đế, thành lập nhà nước Vạn Xuân; lễ trong ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch là ngày Ngài xuất quân ra trận; lễ trọng ngày mùng 2 tháng 5 âm lịch là ngày huý nhật và ngày 12 tháng 9 âm lịch là nhớ ngày sinh của Ngài.

Người dân phấn khởi, háo hức dự lễ hội truyền thống

Ghi nhận của phóng viên Dân Việt, ngay từ sáng sớm 21/2, nhiều người dân làng Giang Xá đã có mặt tại đình làng. Ai cũng phấn khởi, háo hức trước sự kiện quan trọng của làng.

Độc đáo hình ảnh tướng bà trong môn cờ người tại lễ hội làng Giang Xá (Hoài Đức, Hà Nội)- Ảnh 4.

Hình ảnh tướng bà trong trò chơi dân gian cờ người. Ảnh Bùi Phương.

Ông Trần Đình Bắc cũng như nhiều người dân làng Giang Xá khác đã có mặt tại đình làng từ sáng sớm. Ông Bắc cho biết, để tưởng nhớ công ơn của Lý Nam Đế, dân làng Giang Xá đã xây dựng ngôi đền Sinh Từ ngay trên mảnh đất quê hương Giang Xá. Năm 1989, cụm di tích Đền - Đình Giang Xá đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử Văn hóa cấp quốc gia.

"Đây là một dịp quan trọng để tất cả thành viên trong làng có thể đoàn kết, gặp gỡ và tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhau. Lễ hội làng tạo ra một không gian để người dân trong làng gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ và tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ", ông Bắc chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Lý (thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) cũng không giấu nổi sự hân hoan, phấn khởi khi hòa nhịp vào dòng người tham gia lễ hội tại đây.

Độc đáo hình ảnh tướng bà trong môn cờ người tại lễ hội làng Giang Xá (Hoài Đức, Hà Nội)- Ảnh 5.

Người dân làng Giang Xá phấn khởi tham dự Lễ hội làng và Lễ kỷ niệm 1.480 năm đức vua Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng Đế và thành lập nước Vạn Xuân.

Bà Lý nói: "Lễ hội làng được tổ chức chính là cơ hội để người dân tôn vinh và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của làng. Qua các hoạt động như hội cờ người, tổ tôm, văn nghệ, trò chơi dân gian, người dân có thể thể hiện và truyền bá những nét đẹp văn hóa truyền thống cho thế hệ sau không chỉ đối với làng mà còn những vùng lân cận".

Từ ngày 21 đến 23/02/2024 (tức ngày 12 đến 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn), huyện Hoài Đức tổ chức Lễ kỷ niệm 1.480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng Đế, thành lập nước Vạn Xuân và khai hội Giang Xá Xuân Giáp Thìn 2024 tại cụm di tích Đền – Đình thôn Giang Xá, thị trấn Trạm Trôi.

Sự kiện nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của Lý Nam Đế - vị Hoàng Đế sáng lập ra nhà Tiền Lý và khai sinh nhà nước Vạn Xuân độc lập. Đồng thời, giáo dục truyền thống lịch sử và bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ. Không chỉ vậy, đây còn là dịp quảng bá và thu hút nhân dân, du khách đến lễ, dâng hương, thăm quan Lễ hội và cụm di tích Đình – Đền Giang Xá.

Đây là năm đầu tiên sự kiện được tổ chức với quy mô cấp huyện. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động như: nghi thức tế lễ và rước kiệu thánh theo phong tục truyền thống của địa phương; tổ chức Lễ kỷ niệm 1.480 năm Lý Nam Đế lên ngôi Hoàng Đế và thành lập nước Vạn Xuân; các hoạt động văn hoá văn nghệ, trò chơi dân gian, trưng bày ảnh, tư liệu về di sản, tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của huyện...





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem