Độc đáo cách nuôi ong lấy mật của người Cơ Tu

Tiên Sa Thứ năm, ngày 07/08/2014 16:07 PM (GMT+7)
Người Cơ Tu vốn không biết nuôi ong như các dân tộc khác. Để có mật ong, họ thường vào rừng, nhất là khu vực có nhiều hoa để chọn thân một số cây rừng thích hợp rồi đục trong thân cây làm bọng và đậy nắp lại, chừa lỗ cho ong ra vào, mà người Cơ Tu gọi là c’roót.
Bình luận 0

 Điều hiển nhiên, không ai xâm phạm của ai, đó là luật bất thành văn được duy trì từ xưa đến nay. Đến mùa hoa, các đàn ong tìm vào bọng để làm tổ đẻ trứng, trữ mật. Người Cơ Tu thăm chừng khi nhộng chín, mật đầy thì họ đến mở nắp lấy mật mang về dùng. Mật thì được chứa trong ống lồ ô, đậy lại bằng lá chuối và dựng trong các tà lét mang về. Mật c’roót có màu đỏ sẫm, vị ngọt mặn.

Theo các người già cho biết: C’roót có 4 thời gian thu hoạch là croót t’réch: Thu hoạch vào trước tết âm lịch, đây là loại mật tốt nhất, quý hiếm nên đồng bào thường để dành dùng trong gia đình; croót ha’tal: Thu hoạch vào mùa phát rẫy (khoảng tháng 3 – 4 dương lịch); croót p’ ruúh: Thu hoạch vào tháng 5 – 6. Đây là những vụ chính thu hoạch mật, có gia đình thu trên 10 lít; croót gr’ó: Vụ thu hoạch cuối cùng của mùa mật trong năm. Croót gr’ó có màu trắng, ăn rất ngon. Song mật thì hơi đăng đắng vì ong lấy mật từ nhụy hoa của dây lang rừng (đha vai).

Loại ong déo, người Cơ Tu gọi là g’dớ hay amát, vào mùa chính bắt đầu từ tháng 5 – 7 dương lịch. G’dớ làm tổ trên cành. Mật loại này vàng óng và ngọt lịm. Ngoài ra, còn có 2 loại ong mật khác, đó là ch’ngor (ong rú) và h’pét (ong phễu). C’ngor làm bọng giống như g’dớ nhưng “đóng” ở cành cây sát đất, con ong này nhỏ hơn ong ruồi. Còn loại h’pét (ong phễu) bọng làm trong hang được bịt kín xung quanh bằng một thứ sáp mỏng dính trông giống như cái phễu để chui vào rúc ra. Mật loại này có quanh năm, nhiều nhất là tháng 9 – 10, có vị thơm, ngọt… chữa được nhiều bệnh.

Ông Bnươch Vớt (78 tuổi), ở thôn Tà Lâu, xã Ba, huyện Đông Giang (Quảng Nam) cho biết: Sau khi phát hiện những tổ ong lớn ở quá cao trên cây, người Cơ Tu bứt rất nhiều mây để đan thành những cái niệt quấn quanh từ gốc trở lên. Trên những vòng niệt này, cứ cách nhau 40 phân, lồng vào một cái nài lớn cỡ bàn chân để làm điểm tựa cho chân khi leo lên. Vì ong rất dữ nên người ta chọn ban đêm để lấy mật.

Khi leo lên, mang theo ít dụng cụ và những bó lồ ô đập giập. Leo gần đến tổ thì đốt lồ ô sao cho nhiều khói và hơ qua hơ lại nơi miệng tổ ong, lũ ong bay ra gặp khói rớt xuống đất. Canh chừng sau khi ong ra hết thì đốt đuốc sáng và thả dây xuống gốc để kéo lên cái thùng gỗ đặt cạnh ngay dưới tổ ong. Người trên cây lấy dao bén cắt bộng ong cho rớt vào đó, khi sắp đầy thì thả xuống cho người đứng ở dưới đất.

Mỗi đêm, họ có thể khai thác được nhiều tổ ong trên một cây. Tuy nhiên, người Cơ Tu không lấy mật kiệt mà để lại một ít bộng có mật để đàn ong gầy dựng lại tổ, năm sau trở lại lấy mật. Bộng ong mang về dùng vải mùng lọc và đổ mật vào ống lồ ô khô dự trữ sau này dùng hoặc mang đi bán.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem